Chặng đường trở thành sàn TMĐT số một Đông Nam Á của Shopee: Khiến Lazada phải “nhường ngôi” trong ngậm ngùi
BÀI LIÊN QUAN
Kinh doanh thua lỗ, Shopee Việt Nam làm mọi cách để giảm thiểu chi phíĐiểm danh TOP công ty thương mại điện tử phổ biến nhất tháng 8: Shopee vẫn giữ vững vị trí “ngôi vương”Nỗ lực cắt giảm khoản lỗ, Shopee chuẩn bị cắt giảm hàng loạt nhân sự tại thị trường lớn nhất Đông Nam ÁTheo thông tin từ Tech in Asia, thời điểm đó mọi người đều cho rằng Lazada chính là “ông vua” TMĐT. Một cựu nhân sự Lazada chia sẻ: “Có nhiều đối thủ khác ở khắp nơi Đông Nam Á đã nhanh chóng bị bóp nát, nguyên nhân bởi Lazada mạnh mẽ đến mức có thể hạ gục bất kỳ đối thủ nào ngay từ giai đoạn đầu. Đồng thời, Shopee cũng chỉ là một cái tên khác đang cố gắng để thử vận may của mình”.
Đặc biệt, khi Alibaba thâu tóm sàn TMĐT này vào năm 2016, Lazada không khác gì “hổ mọc thêm cánh” khi có nhiều hứa hẹn đến từ việc kết hợp giữa nhiều yếu tố, bao gồm: Công nghệ hàng đầu của Alibaba, nguồn lực tài chính dồi dào cùng với năng lực logistics của Lazada. Với nền tảng vững chắc này, Lazada càng được tin tưởng sẽ không bao giờ bị đánh bại.
Từng có thời điểm, ông Magnes Ekbom - đồng sáng lập và là Giám đốc chiến lược của Lazada Group tự tin chia sẻ rằng: “Nếu như muốn giành được phần thắng, bạn phải làm tốt hơn chúng tôi. Chúng tôi sẽ sẵn sàng đánh bại bất kỳ ai đến và làm những điều mà chúng tôi đang làm”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, chính sự giúp đỡ của Alibaba đã khiến cho những vết nứt đầu tiên xuất hiện trong “ngai vàng” của Lazada tại Đông Nam Á. Cũng trong thời điểm này, Shopee đã âm thầm quan sát các đối thủ, sau đó lần lượt vượt qua nhiều cái tên sừng sỏ đã xuất hiện trước đó. Dần dần, Shopee đã thu hẹp khoảng cách với người dẫn đầu.
Chia sẻ với Tech in Asia, một cựu nhân sự của Lazada cho biết: “Tôi cho rằng, việc thị phần đang ngày càng bị đào mòn chính là kết quả của rất nhiều yếu tố, bao gồm cả vấn đề về tổ chức. Alibaba đã gửi đến Lazada rất nhiều lãnh đạo. Những người này đều nỗ lực chinh phục thị trường Đông Nam Á, thế nhưng họ đều làm điều này một cách hết sức tồi tệ”.
Theo Tech in Asia, một trong những “con cưng” được Alibaba gửi tới Lazada chính là ông Zhang Yixing - CEO Lazada Việt Nam. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này từng bị chỉ trích khá nhiều vì đã đưa ra những quyết định thể hiện việc thiếu thấu hiểu về những khía cạnh văn hóa của Việt Nam. Cụ thể, ông Zhang đã triển khai mô hình chỉ đạo cũng như quản lý từ trên xuống và không được sự đón nhận của những nhân sự Việt Nam.
Đặc biệt, khi những nhân viên cấp dưới người Việt phàn nàn về Zhang quá nhiều đã đẩy “drama” lên đến đỉnh điểm và buộc ông phải quay trở về Hàng Châu - trụ sở của Alibaba. Có thời điểm, Lazada thay tới 4 lần CEO chỉ trong vòng 5 năm. Điều này đã khiến cho nhiều người trở nên mất niềm tin vào đội ngũ lãnh đạo của công ty. Tranh thủ khi Lazada vẫn còn đang rối ren, Shopee đã nhanh chóng gia nhập cuộc chơi với một chiếc lược hoàn toàn mới.
Shopee từng bước đánh bại Lazada như thế nào?
Điều đáng nói, hầu hết đội ngũ lãnh đạo của Tập đoàn Sea - công ty mẹ của Shopee đều đến từ Trung Quốc. Chính điều này đã tạo ra một sự gắn kết cũng như tin tưởng lẫn nhau một cách tự nhiên. Chưa kể, những cấp bậc quản trị của Sea đều vô cùng chặt chẽ, tất cả các quyết định đều đưa ra ở trụ sở chính là Singapore. Tuy nhiên, Sea cũng vẫn duy trì một cơ chế linh hoạt đối với những quyết định lớn và quan trọng có thể đưa ra một cách nhanh chóng.
Khi Lazada đang bối rối về vấn đề lãnh đạo, một Shopee nhất quán và linh hoạt đã tìm ra đúng điểm yếu của đối thủ, sau đó tấn công. Bên cạnh đó, dù thiên hướng tuyển dụng nhân sự Trung Quốc đối với trụ sở của Sea từng bị nhiều cựu nhân sự của tập đoàn nói riêng cùng với công chúng nói chung chỉ trích. Tuy nhiên, không thể phủ nhận điều này cũng mang đến khá nhiều lợi ích.
Cụ thể, chia sẻ với Tech in Asia trong một bài phỏng vấn, bà Lili Cheng - chuyên gia tại PACE O.D. Consulting cho biết: “Sự đồng nhất văn hoá trong Sea đã mang lại lợi ích rõ ràng. Một trong số đó chính là tốc độ cao, nguyên nhân bởi mọi người đều dễ dàng đồng nhất được với nhau. Điều này đã xây dựng nên một nền tảng vững chắc giúp Sea có thể vận hành, tăng tốc thực thi cả những vấn đề có liên quan đến chiến lược kinh doanh”.
Vị chuyên gia này cũng bổ sung rằng: “Điều này đã đảm bảo được 50% chiến thắng, bởi họ có những người thống nhất với nhau, có cùng một cách suy nghĩ, một khát vọng để có thể theo đuổi mục tiêu kinh doanh”. Tuy nhiên, bà Lili cho rằng cách thức quản lý đồng nhất này cũng mang đến một số điểm trừ. Cụ thể, việc sử dụng đội ngũ nhân sự một màu, thống nhất cao là quan trọng với những giai đoạn nhất định của doanh nghiệp. Thế nhưng, cách tiếp cận này lại khó có thể tạo ra được sự đa dạng, khiến cho doanh nghiệp không thể hiểu được thị trường toàn cầu một cách rõ ràng. “Việc hiểu được các giai đoạn khác nhau cũng như thời điểm thực hiện chuyển đổi là rất quan trọng”, bà Lili nhấn mạnh.
Thế nhưng, dù thế nào đi chăng nữa, “cuộc chơi” TMĐT tại Đông Nam Á vẫn còn rất nhiều điều thú vị. Hiện tại, vẫn còn quá sớm để có thể nói trước được điều gì. Điển hình như động thái mới nhất của Shopee khi liên tục cắt giảm nhân sự với nỗ lực kiểm soát chi phí, hướng đến việc tìm kiếm lợi nhuận của công ty mẹ. Trong khi đó, Lazada lại tự tin hơn nhờ nguồn vốn được bơm vào liên tục từ công ty mẹ Alibaba. Đây rất có thể là thời điểm Lazada tấn công và đoạt lại ngôi vương. Tính đến thời điểm hiện tại, Alibaba tổng cộng đã rót khoảng 1,3 tỷ USD vào Lazada chỉ tính riêng trong năm nay.