Cần hóa giải “căn bệnh” sợ trách nhiệm để cởi trói cho thị trường bất động sản
BÀI LIÊN QUAN
Chuyên gia: Các quy định pháp lý còn chồng chéo khiến doanh nghiệp bất động sản thận trọngQuá nhiều quy định khiến cán bộ sợ làm sai
Như bài viết trước chúng tôi đã nêu vẫn còn nhiều quy định pháp lý đang chồng chéo khiến doanh nghiệp bất động sản thận trọng, không dám làm gì vì sợ… sai. Trong bài viết này, chúng tôi tiếp tục đăng tải ý kiến của chuyên gia về việc không riêng doanh nghiệp mà cơ quan quản lý nhà nước cũng có tình trạng “ba không”: Không nói; không tham mưu, đề xuất; không triển khai hoặc cầm chừng khiến thị trường bất động sản chưa thể “cởi trói”.
Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy, chưa khi nào, tăng trưởng kinh tế của nhiều tỉnh, thành phố đứng im, giao dịch bất động sản hầu như không có từ đầu năm 2023 đến nay.
Tại các địa phương đang xuất hiện tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, cán bộ sợ sai, sợ rủi ro, không dám quyết, dám làm dẫn đến nhiều dự án không đủ thủ tục pháp lý để triển khai.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đưa ra con số - trên thị trường có trên 1.000 dự án đầu tư “đắp chiếu, giá trị ước tính trên 30 tỷ USD. Ông Đính cho rằng đây là con số rất lớn, nếu được “cởi trói” sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế.
Sự co cụm, sợ sai trong hoạt động công vụ dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp và người dân. “Có quá nhiều quy định, rào cản dẫn đến cán bộ rất lúng túng, không biết phải xử lý thế nào. Doanh nghiệp kiến nghị công đoạn nào họ cũng bảo vấn đề khó, cần chờ ý kiến cấp trên… Dường như chúng ta đang trong “rừng” quy định mà những quy định sau khó hơn quy định trước dẫn đến cán bộ rất sợ”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thẳng thắn.
Xây dựng “quỹ bảo hiểm rủi ro”
Lý giải nguyên nhân của tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến đùn đẩy, né tránh, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng trước tiên do pháp luật còn nhiều kẽ hở, chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng.
Một số trường hợp vướng vòng lao lý khiến cán bộ từ trì trệ đến đình trệ, từ "giảm lửa" đến "tắt lửa," từ dấn thân đến phòng thân, những người dám nghĩ, dám làm chưa được trao “thượng phương bảo kiếm”. Từ đó dẫn đến thực trạng cấp dưới không dám tham mưu, còn cấp quyết định thì sợ trách nhiệm không dám quyết.
Với lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như đấu thầy, đầu tư, quy hoạch, quản lý đất đai… không chỉ cán bộ không dám làm gì mà còn nguyên nhân do một bộ phận thiếu trình độ, năng lực yếu kém dẫn tới tình trạng co cụm, làm cầm chừng. Đặc biệt, ở những nơi có cán bộ lãnh đạo vi phạm, vướng vòng lao lý liên quan đến các doanh nghiệp, dự án bất động sản trong thời gian qua khiến nỗi sợ càng lớn hơn.
Để hóa giải “căn bệnh” sợ sai, sợ trách nhiệm trong cán bộ, công chức, ông Lê Như Tiến cho rằng cần sớm hoàn thiện thể chế, khắc phục chồng chéo trong các quy định pháp luật. Thậm chí có thể xây dựng “quỹ bảo hiểm rủi ro”, giống như trong nghiên cứu khoa học, trong thám hiểm để những người dám nghĩ, dám làm được bảo vệ, yên tâm dấn thân, yên tâm công tác.
Phải thống nhất các quy định, điều luật
Ở góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, đã đến lúc phải có chế tài đối với những cán bộ, công chức không dám làm, không dám hành động. Hành vi không hành động, không giải quyết kịp thời các vấn đề trong thẩm quyền cũng bị coi là vi phạm và phải chịu chế tài.
Vấn đề cấp bách trước mắt là phải tháo được điểm nghẽn về đầu tư công cho từng dự án cụ thể, xác định rõ vướng mắc ở đâu, trách nhiệm của ai, thẩm quyền cấp nào để giải quyết một cách ráo riết. Nếu đó là trách nhiệm của cán bộ cấp nào mà cấp đó làm không xong việc thì thay người. Có như vậy mới tạo ra sự chuyển động cho các dự án và chấn chỉnh tình trạng chùng lại trong bộ máy công quyền.
Về dài hạn, ông Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng cần xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật trên cơ sở cân đối giữa tự do và điều chỉnh, giữa luật khung và luật chi tiết. Xu thế lạm dụng chính sách để điều chỉnh đang bị lạm dụng. Pháp luật điều chỉnh càng nhiều thì không gian cho đổi mới và sáng tạo càng ít; chi phí tuân thủ tăng cao; các tiềm năng của đất nước bị trói chặt.
Là người có kinh nghiệm nghiên cứu thị trường bất động sản, Luật sư Bùi Xuân Lai (Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X) cho biết: Thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua gặp không ít khó khăn đặc biệt là về pháp lý và nguồn vốn. Nguồn vốn cho bất động sản đã hạn chế lại ngày càng thắt chặt; hàng trăm dự án đang phải “đắp chiếu “ do vướng luật… Thực trạng này đang “bóp nghẹt” thị trường bất động sản nói chung và các doanh nghiệp bất động sản nói riêng.
Luật sư Bùi Xuân Lai cũng chia sẻ, Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành có nhiều nội dung còn chung chung, mang tính nguyên tắc nên quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, có một số tình huống mới phát sinh nhưng chưa được luật điều chỉnh. Ví dụ như chưa đưa ra được khung pháp lý hiệu quả cho mọi loại bất động sản trên thị trường nên có nhiều loại bất động sản chưa chính thức được tham gia vào thị trường; Chưa có quy định cụ thể để quản lý hoạt động của những tổ chức trung gian hỗ trợ thị trường như: Tổ chức định giá bất động sản, cung cấp thông tin bất động sản, cung cấp dịch vụ pháp lý bất động sản, bảo hiểm cho hoạt động kinh doanh bất động sản…
“Có khoảng 12 luật đang liên quan và điều phối thị trường bất động sản. Nếu các luật không thống nhất sẽ tạo ra rất nhiều vướng mắc, chồng chéo. Vì vậy, sự thống nhất quan điểm về chỉnh sửa luật giữa các cơ quan quản lý là hết sức cần thiết”, vị chuyên gia pháp lý bày tỏ.