Bức tranh kinh doanh quý 3/2022 của hơn 1.000 doanh nghiệp niêm yết
BÀI LIÊN QUAN
Sabeco ghi nhận lợi nhuận quý 3 tăng 196% so với cùng kỳ: Động lực từ đâu?Quý 3/2022 của các ông lớn xăng dầu: Trong cái rủi có cái may?Quý 3/2022, nhóm doanh nghiệp bất động sản kinh doanh như thế nào?Lợi nhuận ròng toàn thị trường trong 9 tháng năm 2022 tăng 21,4% so với cùng kỳ, sát với mức dự báo là 23% cho cả năm 2022. Theo thống kê từ VNDirect, trong số các công ty đã công bố có đến 50% theo sát dự phóng, trong khi 16,7% vượt dự báo và 33,3% còn lại không đạt kỳ vọng.
Xét về nhóm ngành, ngân hàng, bất động sản và vận tải đóng góp nhiều nhất cho đà tăng trưởng chung. Lợi nhuận ròng của các ngân hàng niêm yết tăng mạnh 59,2% so với cùng kỳ trong quý 3/2022 nhờ lợi nhuận ròng của BID phục hồi tăng 158%, chiếm 12% ngành ngân hàng, đồng thời áp lực dự phòng giảm.
Đối với ngành bất động sản ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng quý 3/2022 dương 42,5%, lần đầu tiên kể từ quý 3/2021, chủ yếu nhờ lợi nhuận ròng của KBC (1.919 tỷ đồng) và VIC (1.947 tỷ đồng) tăng mạnh trong quý 3 năm nay, so với mức âm lần lượt là 68 tỷ đồng và 351 tỷ đồng trong quý 3/2021.
Bên cạnh đó, lợi nhuận ròng ngành Vận tải biển và Logistics tiếp tục tăng kể từ quý 1/2022 với mức tăng 33,1%, quý 2 tăng 116,6% và quý 3 tăng 340,6%. Được biết, doanh nghiệp đóng góp nhiều nhất là ACV (sân bay) đạt 2.397 tỷ đồng lợi nhuận ròng trong quý 3/2022, so với khoản lỗ 855 tỷ đồng trong quý 3/2021.
Theo đó, ngân hàng, bất động sản và vận tải đã cùng nhau đóng góp vào tăng trưởng lợi nhuận ròng quý 3/2022 của toàn thị trường là 30,4%.
Ở diễn biến ngược lại, các công ty thép niêm yết đã ghi nhận khoản lỗ gần 4.500 tỷ đồng trong quý 3 năm 2022 do chi phí hàng tồn kho cao, giá bán thấp cùng việc lỗ tỷ giá tăng. Trong khi lợi nhuận ròng của các công ty chứng khoán đã sụt giảm mạnh 68,1% trong quý 3 vừa qua, bởi thanh khoản thị trường chứng khoán giảm 40,9% trong quý 3/2022, đồng thời thị trường trái phiếu doanh nghiệp hứng chịu tâm lý tiêu cực sau nhiều đợt vi phạm.
Cổ phiếu vốn hóa lớn ngoài VN30 dẫn đầu tăng trưởng
Với nhóm vốn hóa lớn, tăng trưởng tổng lợi nhuận ròng quý 3/2022 tăng 28,2%, cao hơn so với nhóm VN30 nhờ lợi nhuận ròng của ACV đạt 2.397 tỷ đồng trong quý 3, so với lỗ 855 tỷ đồng trong quý 3 năm trước, ngoài ra, VEA (+154,7% svck), DGC (+195,6% svck).
Trong khi đó, lợi nhuận ròng quý 3/2022 của nhóm vốn hóa vừa và nhỏ lần lượt giảm 22,6% và 6,5% so với cùng kỳ, do nhu cầu xuất khẩu yếu, biên lợi nhuận giảm, gánh nặng thanh toán nợ tăng và lỗ tỷ giá.
Trong quý 3/2022, lợi nhuận ròng của nhóm Vn30 tăng 11,5%, 20 doanh nghiệp trong VN30 ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận ròng dương, dẫn đầu là VRE (3,171% svck), SAB (202% svck) và BID (158% svck).
Trong quý 3 vừa qua, cả VRE và SAB đều đã hoạt động bình thường trở lại thay vì đóng cửa/giãn cách xã hội như hồi quý 3 năm ngoái do dịch bệnh bùng phát. Với BID ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận ròng quý 3/2022 mạnh mẽ sau khi cải thiện NIM cũng như giảm chi phí trích lập dự phòng. Trong khi VIC ghi nhận lợi nhuận ròng quý 3/2022 khả quan với mức 947 tỷ đồng so với khoản lỗ 351 tỷ đồng trong quý 3/2021.
Ở chiều ngược lại, lợi nhuận ròng quý 3/2022 của POW giảm mạnh 86% bởi sự gián đoạn của tuabin 1 Vũng Áng 1 (do sự cố kỹ thuật) và Cà Mau 1 (do bảo trì). NVL có lợi nhuận ròng quý 3 giảm 65% do chịu tác động của cả chi phí lãi vay tăng và lỗ chênh lệch tỷ giá. Lợi nhuận ròng của MSN trong quý 3 giảm mạnh 53% từ mức nền cao trong quý 3 năm 2021. Riêng HPG ghi nhận khoản lỗ 1.774 tỷ đồng do chi phí hàng tồn kho cao, giá bán thấp cùng lỗ tỷ giá tăng.
Biên lợi nhuận gộp quý 3/2022 của toàn thị trường (trừ nhóm ngân hàng) giảm đáng kể xuống mức 15,5% từ 19,7% trong quý 3/2021.
Ước tính, tổng dư nợ của các doanh nghiệp niêm yết đã giảm 0,9% so với quý trước, tuy nhiên tăng 7,7% so với cùng kỳ. Nhìn chung, làn sóng mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong 3 tháng vừa qua phần nào giải thích cho sự sụt giảm này. Theo đó, chi phí sử dụng vốn vay của các doanh nghiệp niêm yết giảm 5,8% trong quý 3/2022 từ mức 6,1% trong quý 2/2022, dù vậy vẫn cao hơn mức trung bình năm 2021 là 5,5%.
Đà sụt giảm đang diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam khiến ngay cả những nhà đầu tư có kinh nghiệm cũng phải cảm thấy bối rối. Giá cổ phiếu liên tục lao dốc đến mức rất thấp so với lịch sử vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Dòng tiền đứng ngoài không chịu vào bắt đáy. Theo đó, nhiều nhà đầu tư bắt đầu "ngấm đòn", ngay cả những người từng kinh qua nhiều giai đoạn của thị trường cũng phải bế tắc.
Theo đó, hầu hết các công ty chứng khoán đều đưa ra quan điểm thận trọng với xu hướng của thị trường trong ngắn và trung hạn, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng và tiếp tục quan sát.
Theo Chứng khoán Tân Việt (TVSI) nhận định, chỉ số VN-Index đã thiết lập đáy mới khiến bối cảnh thị trường chuyển sang tiêu cực hơn. Trong nội tại thị trường, số lượng cổ phiếu giảm sàn chiếm áp đảo cho thấy áp lực bán quá lớn, trong khi đó dòng tiền quá mỏng để ngăn chặn đà rơi. Theo đó, TVSI cho rằng tâm lý tiêu cực đang trở lại và bao trùm khắp thị trường với rủi ro ở mức cao cho nhà đầu tư ngắn hạn.
Đồng quan điểm, Chứng khoán SHS cho rằng xu hướng ngắn hạn của Vn-Index vẫn chưa thực sự tích cực khi đáy sau vẫn thấp hơn đáy trước, thậm chí nhiều mã còn chịu áp lực bán tháp, giải chấp. Xu hướng trong trung hạn không mấy khả quan trước những diễn biến tiêu cực cũng như áp lực giải chấp liên tiếp của các cổ đông lớn.
Do đó, SHS khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp, chờ đợi thị trường chung ổn định trở lại và thoát khỏi xu hướng hiện nay. Bên cạnh đó, có thể xem xét, lên danh mục theo dõi đầu tư, ưu tiên những mã cơ bản tốt và có tỷ trọng tiền mặt cao.