Bình Dương triển khai các “siêu dự án” nâng cấp hệ thống giao thông
BÀI LIÊN QUAN
Bình Dương chịu áp lực lớn về nguồn cung nhà ở giá bình dânBình Dương đang phát triển “thủ phủ” chung cư mới như thế nào?Nghịch lý căn hộ dành cho giới chuyên gia tại Bình DươngDự án đường Vành đai 3
Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay địa phương đã và đang triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, nhằm phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Trong đó, có những dự án mở rộng đường huyết mạch của tỉnh Bình Dương và các dự án địa phương này phối hợp với các tỉnh, thành triển khai xây dựng các tuyến đường liên kết vùng.
Một trong những dự án giao thông đáng chú ý của tỉnh trong thời gian này là dự án đường Vành đai 3 với tổng chiều dài 92km. Trong đó, 25,92 km đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương gồm 15,3 km đi trùng với đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đoạn đường này đã được xây dựng với quy mô 6 làn xe ô tô, đoạn còn lại chưa đầu tư dài 10,62 km.
Hình thức đầu tư bằng vốn đầu tư công gồm 50% từ ngân sách Trung ương, 50% từ ngân sách địa phương (ngân sách Trung ương phát hành trái phiếu chính phủ cho địa phương vay lại). Thủ tướng giao TP Hồ Chí Minh làm đầu mối dự án. Dự kiến thời gian chuẩn bị đầu tư cho toàn tuyến Vành đai 3 thực hiện từ nay đến năm 2023. Giai đoạn tiếp theo từ 2023-2024, dự án sẽ hoàn tất giải phóng mặt bằng. Việc thi công tuyến đường cơ bản hoàn thành vào năm 2025. Năm 2026, thông xe toàn tuyến trước khi hoàn thiện.
Tuyến Vành đai 3 đi qua tỉnh Bình Dương có tổng mức đầu tư là 19.820 tỷ đồng.
Dự án đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh
Đối với dự án đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh, có tổng chiều dài toàn tuyến là 200 km. Trong đó, Thủ tướng đã giao UBND tỉnh Bình Dương triển khai thực hiện đoạn từ cầu Thủ Biên (bắc ngang sông Đồng Nai, nối hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai) đến sông Sài Gòn dài khoảng 48,3km với quy mô quy hoạch 8 làn xe cao tốc. Hiện nay Bình Dương đã chủ động hoàn thành nhiều đoạn của tuyến đường này với chiều dài 26,6km với quy mô từ 4 đến 10 làn xe.
Với 21,7 km còn lại chưa đầu tư, tỉnh Bình Dương chủ động xây dựng bằng nguồn vốn hỗn hợp (thực hiện giải phóng mặt bằng và kêu gọi xã hội hóa chi phí xây dựng, các doanh nghiệp hạch toán chi phí xây dựng vào chi phí đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, khu dân cư dọc theo đường Vành đai 4). Trong năm 2024, tỉnh Bình Dương phấn đấu hoàn thành dự án (sớm hơn 6 năm). Chi phí giải phóng mặt bằng từ ngân sách tỉnh, còn chi phí xây lắp sẽ từ vốn của các chủ đầu tư khu công nghiệp, khu đô thị, cảng sông có tuyến đường đi qua.
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 24.697 tỷ đồng.
Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành
Dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, có tổng chiều dài dự án là 68,7km (trong đó đoạn qua TP Hồ Chí Minh khoảng 1,7km, đoạn qua tỉnh Bình Dương khoảng 60km, đoạn qua tỉnh Bình Phước khoảng 7km).
Dự án gồm hai đoạn tuyến. Một là đoạn tuyến nối cao tốc dài 8,6 km có điểm đầu (Km0+00 tại nút giao Gò Dưa (vành đai 2 TP Hồ Chí Minh), điểm cuối (Km8+600) tại nút giao An Phú (vành đai 3 TP Hồ Chí Minh), theo quy mô 10 làn xe, nền đường rộng 64 m. Hai là đoạn tuyến cao tốc có điểm đầu (Km8+600_ tại nút giao An Phú (vành đai 3 TP Hồ Chí Minh), điểm cuối (Km68 +700 giao Quốc lộ 14 tại Chơn Thành (Bình Phước), quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17 m.
Đoạn tuyến nối cao tốc có tốc độ thiết kế 80 - 100km/h gồm 6 làn xe chạy suốt và 4 làn đô thị 2 bên với bề rộng nền đường từ 60 - 64m. Đoạn tuyến cao tốc: giai đoạn hoàn chỉnh, đường cao tốc với tốc độ thiết kế 100 - 120km/h với 6 làn xe, phân kỳ giai đoạn 1 đầu tư 4 làn xe, bề rộng nền 17m.
Dự án được đề xuất đầu tư theo phương thức PPP với sơ bộ tổng mức đầu tư toàn dự án là 24.275 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia khoảng 12.137 tỷ đồng, vốn BOT khoảng 12.138 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay). Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Tổng mức đầu tư đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương khoảng là 23.189 tỷ đồng.
Dự án mở rộng Quốc lộ 13
Dự án mở rộng quốc lộ 13 đoạn từ Vĩnh Phú (TP Thuận An) đến giao lộ Lê Hồng Phong (TP Thủ Dầu Một) có tổng chiều dài 12,7 km. Theo kế hoạch, toàn tuyến quốc lộ 13 sẽ mở rộng thêm hai làn xe, rộng 12-18 m, nâng tổng số làn xe lên tám làn, bề mặt đường rộng 39,5-40,5 m.
Tại các giao lộ có lưu lượng phương tiện lớn, xuất hiện tình trạng ùn ứ thường xuyên sẽ xây dựng thêm các cầu vượt. Gồm cầu vượt qua nút giao thông Hữu Nghị - ngã tư Bình Hòa với quy mô dài 880 m, rộng 17 m; cầu vượt ngã tư Hòa Lân dài 646 m, rộng 17 m. Đồng thời xây dựng mở rộng cầu Tân Phú thêm một đơn nguyên hướng từ TP Hồ Chí Minh đi TP Thủ Dầu Một, nâng tổng chiều rộng cầu lên 40,5 m; xây dựng cống hộp ba làn tại trạm thu phí Suối Giữa. Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: “Chậm nhất sẽ tiến hành khởi công trong dịp lễ 30/4 sắp tới”.
Dự án có tổng mức đầu tư 1.367 tỷ đồng.
Dự án trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn
Dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn được đầu tư theo hình thức PPP.
Đầu tư theo hình thức BOT trên tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn: 8 hầm chui (hoặc cầu vượt) tuyến chính; 9 hầm chui dân sinh; 8 cầu vượt bộ hành; 11,7km đường gom; Xây dựng trạm thu phí phường An Phú (TP Thuận An).
Đầu tư theo hình thức O&M: Sửa chữa tuyến đường Mỹ Phước Tân Vạn, đoạn từ Km0+0.00 - Km26+170; thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng sửa chữa hàng năm; trùng tu; đại tu cho hạng mục giao thông, cây xanh, chiếu sáng, vệ sinh.
Tổng mức đầu tư dự án hơn 7.258 tỷ đồng.