Hơn 3,1 tỷ USD vốn ngoại đổ vào BĐS: Sức "nóng" từ các vụ M&A dự án
Theo thông tin công bố mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới.
Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng thứ 2 trong 18 ngành nghề thu hút được vốn FDI đầu tư. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nguồn vốn FDI đổ vào ngành kinh doanh bất động sản đạt trên 3,15 tỷ USD, chiếm 22,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Điểm đến của những dự án “khủng”
Từ đầu năm 2022, thị trường bất động sản Việt Nam đã đón nhận những dự án lớn, nổi bật như dự án khu đô thị thông minh mang tên “Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm” với khoản đầu tư lên đến 900 triệu USD của Lotte E&C.
Hay như mới đây nhất, ngày 14/7, CapitaLand Development (CLD) của Tập đoàn CapitaLand cũng vừa mua lại quỹ đất tại Thành phố Thủ Đức để xây dựng khu phức hợp, dự án có diện tích khoảng 8 ha, dự kiến cung cấp ra 1.100 căn hộ và shophouse cao cấp. Thương vụ dự kiến sẽ được hoàn tất vào quý IV/2023 và đi vào khởi công vào năm 2024, hoàn thành kế hoạch năm 2027.
Đây không phải nguồn đầu tư duy nhất của CapitaLand Development, trước đó, tháng 2/2022, Tập đoàn này cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang phát triển dự án khu công nghiệp - logistics - đô thị với tổng giá trị đầu tư dự kiến 1 tỷ USD.
Tháng 12/2021, CapitaLand Development cũng đã thông báo sẽ phát triển dự án nhà ở quy mô tại Thành phố Bình Dương tổng giá trị phát triển dự kiến 18.330 tỷ đồng (800 triệu USD), dự án sẽ sẽ cung cấp hơn 3.700 căn hộ, nhà ở cho khoảng 12.000 cư dân trên địa bàn.
Ở phân khúc nhà ở, thị trường cũng đã chứng khiến thương vụ "bom tấn" khác như Tập đoàn Novaland mua lại dự án Kenton Node với hơn 1.640 căn hộ tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM từ Công ty TNHH Xây dựng sản xuất Thương mại Tài Nguyên và đổi tên thành Grand Sentosa.
Quỹ đầu tư Warburg Pincus cũng đã đổ 250 triệu USD đầu tư vào Novaland nhằm gia tăng quỹ đất và phát triển các dự án hiện hữu của tập đoàn.
Hai quỹ đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài VinaCapital và Dragon Capital cũng thông báo việc rót 103 triệu USD vào Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Land.
Một thương vụ khác cũng không hề nhẹ đô đó là vụ Masterise Homes thâu tóm dự án Sài Gòn Bình An và đổi tên thành The Global City. Dự án nằm cạnh khu phức hợp Saigon Sports City và tiếp giáp với cao tốc Long Thành - Dầu Giây với quy mô rộng 117 ha.
Thỏi nam châm thu hút đầu tư ngoại
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng nhận được nhiều luồng quan tâm từ các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là các dự án có tiềm năng lợi nhuận cao. Sự phát triển mạnh mẽ của các quỹ đầu tư tư nhân cũng đã và đang cung cấp một nguồn vốn dồi dào để thực hiện thương vụ M&A.
"Những nhà đầu tư nước ngoài không ngừng tìm kiếm những bất động sản đang hoạt động hoặc liên doanh với các đối tác có danh tiếng tốt. Bởi đối với các nhà đầu tư trong nước thì việc mua đất để phát triển dự án sẽ được ưu tiên hơn" - bà Trang cho biết.
Cũng đánh giá về dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, ông Đỗ Duy Thành - Quản lý Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Hà Nội cho rằng, dòng vốn thể hiện rõ niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là ở lĩnh vực bất động sản.
Ông Thành cũng đánh giá, thị trường bất động sản Việt Nam là ngành kinh tế mũi nhọn và có sức tăng trưởng ổn định và bền vững tại Việt Nam. Không chỉ riêng bất động sản công nghiệp mà cả các phân khúc nhà ở, khu nghỉ dưỡng,... đang là thỏi nam châm thu hút đầu tư ngoại. Ông Đỗ Duy Thành nhận định, thị trường bất động sản tất yếu trở thành “miếng bánh hấp dẫn” cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó đa số là các doanh nghiệp có quy mô lớn.
Bên cạnh tiềm năng phát triển mạnh mẽ, ông Đỗ Duy Thành cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức khi dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào thị trường bất động sản Việt Nam. Cụ thể, dòng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào thị trường qua từng năm thực chất không được giải ngân như thực tế đã cam kết bởi nhiều yếu tố liên quan đến hệ thống pháp lý xung quanh quá trình phát triển dự án, điều này dẫn đến việc nhiều dự án chậm tiến độ.
“Hiện nay các mô hình officetel, condotel dù đang thu hút sự chú ý nhưng lại chưa có đầy đủ khung pháp lý. Cũng chính những khó khăn về đất đai, phát lý đã khiến nhiều doanh nghiệp tìm đến Việt Nam đều lựa chọn M&A với doanh nghiệp trong nước” – ông Thành cho biết.
Quản lý Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Hà Nội cũng đề xuất, thời gian tới, cơ quan quản lý cần điều chỉnh thủ tục pháp lý theo hướng linh hoạt, theo kịp biến động của kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, chất lượng giao thông cũng như cơ sở hạ tầng cũng cần phải được tập trung hoàn thiện.
Trên thực tế, hiện các thương vụ M&A đang có xu hướng chuyển dần từ mua đứt, bán đoạn sang hợp tác, tạo nên giá trị cho cả đôi bên. Vì vậy, các doanh nghiệp không nên xem M&A chỉ là thu gom tài sản mà cần xem đây là giải pháp để cộng hưởng sức mạnh, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh thị trường còn khó khăn, nhiều biến động.
Mới đây, tại cuộc họp về thị trường bất động sản, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng thừa nhận, các dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được thuê đất của nhà nước, gặp nhiều khó khăn trong công tác triển khai khiến nhà đầu tư nước ngoài phải tìm kiếm các đối tác hoặc không giao nhận chuyển nhượng, giao nhận chuyển nhượng một phần dự án. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá bất động sản tăng cao trong thời gian qua.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư. Bên cạnh đó, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, bất động sản để hỗ trợ, tăng nguồn cung cho thị trường; đồng thời, theo dõi và đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản.