Anh tử vong, em vào tù, tình anh em đứt đoạn chỉ vì một cái hàng rào
BÀI LIÊN QUAN
Em trai mất mạng, anh vào tù vì tranh chấp mảnh đất thừa kế của cha mẹTrớ trêu cháu chết, cha con cậu vào tù vì tranh chấp mảnh đất trồng rauVừa nói "chào chú", nạn nhân bị hàng xóm đâm chém liên tiếp: Nguyên nhân chỉ vì tranh chấp ngõ đi chungSát hại anh ruột vì mâu thuẫn nhỏ nhặt
Ngày 2/11/2021, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với đối tượng Trần Văn Sếch (sinh năm 1964, ngụ ấp Quý Phước, xã Nhị Quý) để điều tra, làm rõ về hành vi Giết người.
Kết quả điều tra cho thấy, vào khoảng 7h sáng ngày 22/10/2020, ông Trần Văn Sếch đi ngang nhà ông Trần Văn Ô (anh ruột ông Sếch, sinh năm 1953, ngụ cùng ấp Quý Phước). Thấy ông Sếch đi ngang qua, ông Ô cùng với con ruột là anh Trần Văn Ni đuổi đánh ông Sếch bởi hai bên từng có mâu thuẫn trước đó.
Sau khi bị đuổi đánh, ông Sếch chạy về nhà, lấy một con dao dài khoảng 35cm để lên xe, sau đó lái xe ra vườn chở cỏ. Khi đi qua nhà ông Ô, ông Sếch tiếp tục bị 2 cha con ông Ô đuổi đánh. Trong lúc đánh nhau, ông Sếch đã dùng dao tấn công khiến anh ruột gục luôn tại chỗ.
Dù đã được người thân nhanh chóng đưa đi cấp cứu nhưng ông Ô vẫn không qua khỏi. Theo cơ quan chức năng kết luận, ông Ô tử vong là do mất máu cấp, vết thương xuyên thấu bụng, đứt động mạch, tĩnh mạch, thủng ruột.
Sau khi gây án, ông Sếch đã đến cơ quan công an đầu thú. Được biết, thời gian gần đây, giữa 2 anh em ruột ông Sếch thường xảy ra mâu thuẫn, lời qua tiếng lại về việc ông Ô xây dựng hàng rào của gia đình nhưng lại lấn ra đường công cộng, khiến lối đi chung bị hẹp lại.
Tại cơ quan Công an, ông Sếch vô cùng hối hận về hành động của mình: “Anh em ruột mà làm cái chuyện này, thì thua loài cầm thú chứ không phải là con người”. Tuy nhiên, hối hận đã quá muộn, ông Sếch sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật và cả bản án lương tâm.
Chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ mà cả 2 anh em đều thiếu kiềm chế, không nhẫn nhịn, gây hậu quả khôn lường. Đây là bài học cảnh tỉnh những người luôn cho rằng có thể giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.
Tranh chấp tường rào giữa hai nhà nên giải quyết thế nào?
Điều 202 Luật đất đai 2013 về Hòa giải tranh chấp đất đai có quy định rằng:
1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
Khi xảy ra tranh chấp, các bên có thể gửi đơn yêu cầu Ủy Ban nhân dân cấp xã hòa giải theo đúng quy định, thời hạn thực hiện việc hòa giải là 45 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu.
Nếu tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành sẽ được giải quyết dựa theo Điều 203 Luật Đất Đai. Cụ thể như sau:
1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:
a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;...
4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.
Trên đây là những điều cần biết về tranh chấp đất đai, tường rào mà mọi người cần biết. Hi vọng bài viết giúp mọi người hiểu hơn về vấn đề, biết cách giải quyết vụ việc khi rơi vào trường hợp tương tự, tránh được những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra.