5 năm, chỉ 300 trường hợp vay được vốn nhà ở xã hội tại TP.HCM: Người dân, doanh nghiệp than khó
BÀI LIÊN QUAN
Xây nhà ở xã hội tại TP Hồ Chí Minh còn khó hơn nhà ở thương mại Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội: Tránh việc “nằm im trên giấy”Vợ đã có nhà thì chồng có được mua nhà ở xã hội không?Chỉ 151 tỷ đồng được giải ngân trong 5 năm
Sau nhiều năm cố gắng, vợ chồng anh Nguyễn Văn Bình (ngụ Quận 6, TP.HCM) đã mua được căn nhà ở xã hội tại Quận 6 vào năm 2021. Căn nhà ở xã hội rộng hơn 60m2, nằm ở tầng 12, có vị trí khá đẹp. Anh Bình nói rằng, đến ngày được cầm chìa khóa bước vào nhà, gia đình anh rất hồi hộp xen lẫn với sự hạnh phúc. Tuy nhiên, để sở hữu được căn nhà ở xã hội này, vợ chồng anh phải vay vốn ngân hàng theo lãi suất thương mại.
Anh Bình chia sẻ, vợ chồng anh quê Bắc Giang. Vừa cưới nhau được hơn 1 năm, anh Bình và vợ lôi nhau vào Nam làm mưu sinh. Anh Bình làm công nhân tại một nhà máy ở khu công nghiệp, còn vợ hàng ngày lao động thời vụ và có một quán café “cóc” ven đường. Ai thuê gì thì đi làm, không thì chị lại ra quán café bán cho công nhân, người thu nhập thấp. Những đêm không phải tăng ca, anh Bình lại lấy chiếc xe cà tàng chạy Grab kiếm thêm thu nhập. Hiện nay, anh chị đã có 2 cháu và cháu đầu chuẩn bị vào lớp 1.
“Sau khi tích cóp được một số tiền, vợ chồng tôi bàn nhau mua một căn chung cư. Chứ ở trọ mãi trong khu nhà lụp xụp, ẩm thấp mãi không được. Đặc biệt, đứa con thứ 2 nhà tôi bị bệnh phế quản từ nhỏ, cứ hôm nào trời ẩm là lại ho, khó thở, mà khu nhà này thì rất ẩm, tối tăm. Thế rồi, chúng tôi tìm được một dự án nhà ở xã hội tại quận 6. Thấy giá cả cũng khá ổn, chúng tôi vào đăng ký hỏi mua”, anh Bình kể.
Được biết, sau khi sàng lọc hồ sơ, vợ chồng anh Bình may mắn nằm trong diện được mua. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, những căn nhà ở xã hội này có giá từ khoảng 1,2 tỷ trở lên. Nghĩa là muốn mua, vợ chồng anh chị phải có khoảng 400 triệu đồng tiền vốn tự có. Tuy nhiên, lúc này, gia đình anh chỉ có khoảng 150 triệu đồng. Sau khi vay mượn bạn bè, vợ chồng anh cũng chỉ có khoảng gần 300 triệu đồng, chưa đủ số tiền tự có để có mua nhà. Sợ bị cắt suất vì không “cốp” đủ tiền, vợ chồng anh Bình bàn nhau vay vốn từ ngân hàng thương mại. Cũng may vào thời điểm đó, lãi suất cho vay của các ngân hàng chưa cao như bây giờ.
Anh Bình tâm sự: “Vợ chồng tôi về quê cắm sổ đỏ của ông bà nội ở quê để vay ngân hàng giải ngân cho kịp mua nhà ở xã hội. Thế rồi, sau này vợ tôi được ông bà ngoại chia cho một mảnh đất ở Bắc Giang. Thời điểm đó, đất Bắc Giang rất sốt nên bán được giá. Mảnh đất mà trước kia chỉ được định giá có 200 triệu đồng thì nay lên 800 triệu đồng, gấp 4 lần. Bán được đất, vợ chồng tôi dồn tiền trả hết ngân hàng, chấp nhận bị phạt vì trả trước hạn. Cũng may là trả được hết chứ lãi suất như hiện nay thì làm sao xoay nổi”.
Trường hợp của vợ chồng anh Bình tại TP.HCM không phải là hiếm. Rất nhiều người có nhu cầu mua nhà ở xã hội, vay vốn nhà ở xã hội nhưng không thể nào đáp ứng đủ các yêu cầu.
Mới đây, con thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM đưa ra tại Hội nghị Sơ kết công tác phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 và công bố Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2030 khiến nhiều người bất ngờ. Theo đó, tại TP.HCM trong 5 năm có tới 18.000 người cần vay vốn nhà ở xã hội để mua nhà hoặc xây nhà. Tuy nhiên, chỉ có khoảng hơn 300 người được vay. Nghĩa là chỉ có 1,7% người vay được nguồn vốn trên trong tổng số người có nhu cầu.
Một đại diện của Sở Xây dựng TP.HCM nói rằng, người mua nhà ở xã hội tại thành phố này rất khó tiếp cận các gói chính sách liên quan. Vì thế, để được việc, họ vay vốn từ nguồn khác với giá thương mại, lãi suất cao.
Một thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho thấy, từ năm 2018, thành phố đã tiến hành phân bổ vốn vay đối với các đối tượng thuộc chính sách thuê, sửa chữa, mua mới nhà với lãi suất 4,8%, thời hạn tối đa là 25 năm. Tuy nhiên, sau 5 năm, chỉ 151 tỷ đồng được giải ngân với sô người thụ hưởng là 300 người. Như vậy, mỗi người được vay trung bình là 500 triệu đồng.
Khó đủ bề
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người dân không thể vay vốn nhà ở xã hội. Vì vậy, mặc dù các gói tín dụng dành cho những đối tượng này là có nhưng không thể giải ngân. Điều này dẫn đến các chính sách hỗ trợ người thu nhập thấp của chúng ta không phát huy tối đa hiệu quả.
Về vấn đề nà, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, hầu hết những người dân không tiếp cận được vốn vay nhà ở xã hội vì không đáp ứng được các điều kiện . Theo đó, người dân không đáp ứng đủ các điều kiện vốn tự có theo quy định; người lao động ngoại tỉnh không có hộ khẩu thường trú; người sửa nhà không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Ngoài ra, cũng theo vị này, mức vay để xây mới hoặc sửa nhà phải thế chấp quyền sử dụng đất nhưng chỉ vay tối đa được 500 triệu đồng theo quy định đang không hấp dẫn đối với người dân. Bởi nếu họ vay ngân hàng thương mại, với việc thế chấp quyền sử dụng mảnh đất đó, họ vay được mức cao hơn rất nhiều.
Ông Tô Ngọc Trường Giang, Giám đốc Phát triển dự án Công ty TNHH Trần Liên Hưng cho biết, một trong số các nguyên nhân khiến người dân không tiếp cận vốn vay nhà ở xã hội là vì quy định yêu cầu phải nộp vốn tự có mới được ngân hàng giải ngân. Thực tế cho thấy, với mức cho vay 70% tổng giá trị căn hộ thì sẽ khó khăn cho người có thu nhập thấp, công nhân có thể “chồng” ra được 30%. Trong khi đó, giá nhà ở xã hội hiện nay cũng khá cao nên việc có 30% tiền mặt là rất khó.
Ông Giang nói thêm, không chỉ người mua nhà mà đến các doanh nghiệp cũng đang kêu khó tiếp cận vốn ưu đãi làm nhà ở xã hội. Bởi vì hiện nay, để được vay vốn, các doanh nghiệp phải đáp ứng rất nhiều điều kiện, tiêu chí. Một trong số các tiêu chí là không có nợ xấu, phải có doanh thu, có tài sản bảo đảm… Đây là những điều kiện mà các doanh nghiệp rất khó đáp ứng. “Tôi cho rằng, việc cấp tín dụng ưu đãi đối với doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội và người thu nhập thấp vay mua, sửa nhà là chính sách rất nhân văn. Tuy nhiên, khi thực hiện, chính sách này cần phải xét xét lại các tiêu chí để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận hơn. Nếu tình trạng này diễn ra thì các chính sách này khó phát huy hết hiệu quả”, ông Giang khẳng định.