12 dự án cao tốc Bắc Nam sẽ được khởi công trong quý IV/2022
Sáng 23/5, phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV diễn ra sau thành công tốt đẹp của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII với nhiều quyết sách quan trọng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, thời kỳ phát triển mới của đất nước.
Về xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án hạ tầng giao thông quan trọng: Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Đường Vành đai 3 TP.HCM; Đường bộ cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu; Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
"Đây là các dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, sử dụng đa dạng các nguồn vốn. Các dự án khi đi vào hoạt động sẽ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vùng và từng địa phương", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu tập trung cho ý kiến về sự cần thiết, cấp bách của các dự án; phân kỳ đầu tư; tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống quy hoạch của quốc gia, của địa phương; hình thức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn đầu tư, khả năng hấp thụ vốn; năng lực của địa phương, các cơ chế chính sách đặc thù triển khai dự án, tiến độ hoàn thành; trách nhiệm tổ chức thực hiện của Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương có dự án đi qua... nhằm đảm bảo tính khả thi về cân đối nguồn vốn và tổ chức triển khai dự án, khắc phục tình trạng quyết định đầu tư nhanh nhưng quá trình triển khai chậm, kéo dài, gây lãng phí, phân tán, dàn trải nguồn lực.
Tháo gỡ khó khăn cho các dự án giao thông trọng điểm
Sáng 23/5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Trình bày báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết phấn đấu đến cuối năm 2022 hoàn thành 360 km cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn một. Bốn dự án thành phần được hoàn thành, gồm: Mai Sơn - quốc lộ 45; Cam Lộ - La Sơn; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây.
Chính phủ cũng trình Quốc hội xem xét, quyết định 5 dự án trọng điểm quốc gia có tính liên kết vùng, gồm: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Biên Hòa - Vũng Tàu; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Vành đai 3 TP HCM; Vành đai 4 vùng Thủ đô.
Chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua hồi tháng 1. Toàn tuyến dài 729 km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công, tổng vốn 146.990 tỷ đồng.
Thời gian tới, Chính phủ tập trung kiểm soát Covid-19 và phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 sẽ được khẩn trương triển khai, nhất là vấn đề đất đai, kinh tế tập thể, hợp tác xã, nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chính phủ sẽ hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Đất đai 2013.
Hạ tầng chiến lược về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, nông nghiệp, thương mại, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội... sẽ được đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long sẽ được ban hành.
Trong quý IV/2022, Chính phủ sẽ hoàn thành đề án, trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ.
Chính phủ xác định thích ứng an toàn Covid-19, đẩy mạnh khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Cả năm 2021 và bốn tháng đầu năm 2022, Chính phủ đã hỗ trợ gần 50 triệu lượt lao động; 728.000 lượt người sử dụng lao động với tổng kinh phí gần 82.000 tỷ đồng.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine Covid-19, là một trong 6 nước có tỷ lệ phủ vaccine cao nhất thế giới. Cả nước đã tiêm được 217 triệu liều; phủ hai mũi cho tất cả dân số từ 18 tuổi; mũi ba đạt gần 60%. Trẻ từ 12 tuổi cơ bản được tiêm đủ hai mũi; gần 30% trẻ từ 5 tuổi được tiêm mũi một. Nhờ kết quả này, số ca nhiễm, chuyển nặng, tử vong giảm sâu từ cuối tháng 3.
Công tác phòng chống tham nhũng được thực hiện quyết liệt; phát hiện vi phạm về kinh tế gần 16.500 tỷ đồng, 3.000 ha đất; kiến nghị thu hồi gần 8.900 tỷ đồng và 114 ha đất. Hơn 400 tập thể và 800 cá nhân bị kiến nghị xem xét, xử lý hành chính; chuyển cơ quan điều tra 65 vụ, 37 người.
Chính phủ đã lập tổ công tác của Thủ tướng tháo gỡ khó khăn liên quan đến dự án đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số địa phương như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa.
Chống tội phạm được triển khai quyết liệt, nhất là về kinh tế, thao túng thị trường chứng khoán, bất động sản, tín dụng đen, tội phạm mạng. Cả nước đã điều tra, khám phá hơn 10.000 vụ, bắt 25.000 bị can phạm tội về trật tự, xã hội; phá 260 băng nhóm tội phạm.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng giao thông hiện đại
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, trước diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6 - 6,5% là thách thức rất lớn.
Chính phủ quyết tâm tiếp tục xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Đồng thời, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nắm chắc tình hình, quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển KTXH.
Một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để phát triển KTXH được nêu trong báo cáo của Chính phủ là tập trung kiểm soát dịch COVID-19 và phục hồi nhanh, phát triển KTXH bền vững. Khẩn trương triển khai các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, nhất là vấn đề đất đai, kinh tế tập thể, hợp tác xã, nông nghiệp, nông dân và nông thôn; khẩn trương hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đất đai 2013.
Chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác nhằm tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và kiểm soát lạm phát. Đẩy mạnh tăng thu ngân sách Nhà nước bền vững, triệt để tiết kiệm chi, đặc biệt là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư.
Đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém. Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững.
Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả; điều hành, bình ổn giá; thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu; có giải pháp hiệu quả duy trì ổn định chuỗi cung ứng.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng thương mại và hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội… Các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung cao độ cho triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, tạo động lực mới cho sự phát triển.
Phấn đấu đến cuối năm 2022 hoàn thành 361 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1; trong quý IV năm 2022, khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 và khởi công đường băng, nhà ga cảng hàng không quốc tế Long Thành... Trình Quốc hội xem xét, quyết định 5 dự án trọng điểm quốc gia có tính liên kết vùng.