meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Xuất khẩu viên nén gỗ sớm đạt 1 tỷ USD trong tương lai gần

Thứ hai, 07/11/2022-21:11
Trong bối cảnh nguồn cung khí đốt khan hiếm, nhu cầu viên nén gỗ tăng đột biến đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu viên nén gỗ lớn thứ 2 thế giới, tuy nhiên trước cơ hội lớn này ngành sản xuất gỗ nói chung và viên nén gỗ nói riêng đang gặp nhiều thách thức.

Xuất khẩu viên nén gỗ bùng nổ

Theo tuoitre.vn, số liệu từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho thấy, nhu cầu sử dụng viên nén trên thị trường thế giới đang tăng mạnh. Xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2022 đã đạt gần 570 triệu USD, tăng gần 83% so với cùng kỳ năm 2021. Viên nén gỗ trở thành mặt hàng đứng thứ 4 về giá trị xuất khẩu trong 8 mặt hàng xuất khẩu gỗ và lâm sản của nước ta (chỉ sau đồ gỗ nội ngoại thất, gỗ nguyên liệu, dăm gỗ). Kết quả này đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu viên nén gỗ lớn thứ 2 thế giới. Trong đó, hai thị trường xuất khẩu viên nén gỗ nhiều nhất của Việt Nam là Hàn Quốc và Nhật Bản. 

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết nguyên nhân chính dẫn đến sự bùng nổ nhu cầu viên nén gỗ là do tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến nhiều quốc gia khan hiếm nguồn cung khí đốt, buộc phải chuyển sang sử dụng viên nén gỗ để phục vụ nhu cầu sưởi ấm trong mùa đông lạnh lẽo sắp tới. Cuộc chiến này đã dẫn đến lệnh cấp xuất khẩu của Nga đối với một số sản phẩm gỗ, bao gồm cả viên nén gỗ đến “quốc gia không thân thiện” nhằm đáp trả lệnh trừng phạt của châu Âu (EU). 


Xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2022 đã đạt gần 570 triệu USD, tăng gần 83% so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2022 đã đạt gần 570 triệu USD, tăng gần 83% so với cùng kỳ năm 2021.

Như vậy, cuộc khủng hoảng nhiên liệu đốt và khan hiếm sản phẩm gỗ đang cùng lúc diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này khiến các nước từng là đối tác nhập khẩu viên nén gỗ của Nga phải tìm nguồn cung mới thay thế, đẩy mức giá viên nén gỗ tăng gần gấp đôi lên tới 200 Euro/tấn so với hồi đầu năm nay. 

Một nguyên nhân khác khiến nhu cầu viên nén gỗ tăng cao là cam kết mạnh mẽ của các quốc gia trên thế giới trong việc giảm phát thải khí nhà kính, thay thế các nguồn nguyên liệu hóa thạch bằng các nguồn nguyên liệu sinh học như viên nén gỗ. Các nguyên nhân trên chính là cơ hội lớn đối với sản phẩm viên nén gỗ xuất khẩu của Việt Nam. 

"Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng như hiện nay, xuất khẩu viên nén trong cả năm 2022 có thể đạt khoảng 700 triệu USD. Trong năm 2023, viên nén có tiềm năng lọt vào nhóm các mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD", Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu viên nén gỗ không ngừng tăng trưởng về cả quy mô và chất lượng. Riêng sản phẩm đến từ Việt Nam đang có uy tín lớn trên thị trường quốc tế. 

Tại Công ty CP Smart Wood Việt Nam, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu viên nén gỗ sang Hàn Quốc và Nhật Bản từ năm 2013, ông Vũ Thanh Tùng giám đốc công ty này dự báo nhu cầu sử dụng viên nén gỗ trên thế giới trong năm 2025 là khoảng 30 triệu tấn. Từ giữa năm nay, doanh nghiệp đã tiếp nhiều khách hàng đến từ Liên minh châu Âu  sang Việt Nam tìm kiếm nguồn cung viên nén gỗ để bù đắp sự sụt giảm mang tính khủng hoảng nhiên liệu đốt hiện nay. 


Nhu cầu viên nén gỗ trên thế giới tăng cao do cuộc khủng hoảng nhiên liệu đốt và thay thế nguyên liệu hóa thạch bằng các nguồn nguyên liệu sinh học.
Nhu cầu viên nén gỗ trên thế giới tăng cao do cuộc khủng hoảng nhiên liệu đốt và thay thế nguyên liệu hóa thạch bằng các nguồn nguyên liệu sinh học.

Nỗi lo thiếu nguyên liệu sản xuất trong nước 

Với tốc độ tăng trưởng cả về lượng và chất của viên nén gỗ xuất khẩu, ông Nguyễn Thanh Phong, Chi hội trưởng Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam lo lắng về tăng trưởng “nóng” sẽ dẫn tới nguy cơ thiếu nguyên liệu trong nước. 

Phần lớn viên nén gỗ được làm từ phụ phẩm của ngành lâm nghiệp như ngọn, cành, bìa bắp, vỏ bào, mùn cưa, gỗ vụn… Sản xuất viên nén gỗ sẽ giúp tận dụng nguyên liệu thừa trong các công đoạn chế biến gỗ tạo ra, góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra giá trị gia tăng cho kim ngạch xuất khẩu gỗ. 

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, chu kỳ trồng keo đang ngắn hơn và mật độ cũng dày hơn do đó để sản xuất nhiều viên nén gỗ phục vụ xuất khẩu nhiều hơn sẽ khiến nông dân phải khai thác gỗ sớm hơn dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu. 

Hiện nay, Việt Nam có hơn 300 cơ sở sản xuất viên nén gỗ, nguồn nguyên liệu chính cho các doanh nghiệp này tập trung chủ yếu lấy từ khu vực các tỉnh phía Nam và Nam miền Trung nơi có nhiều trung tâm chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Ông Đỗ Xuân Lập cảnh báo tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất viên nén gỗ sẽ ngày càng hiện hữu ở nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm này để xuất khẩu.  


Sản xuất viên nén gỗ sẽ giúp tận dụng nguyên liệu thừa trong các công đoạn chế biến gỗ tạo ra.
Sản xuất viên nén gỗ sẽ giúp tận dụng nguyên liệu thừa trong các công đoạn chế biến gỗ tạo ra.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Năng Lượng sinh học Phú Tài (Bình Định) cho biết, sự bùng nổ sản lượng xuất khẩu và giá cả trong năm 2022 có thể trở thành cơ hội lớn để ngành viên nén phát triển tuy nhiên trong thực tế, đang có trở ngại, thách thức lớn cho sự phát triển bền vững. Đó là giá nguyên liệu đầu vào, nguyên liệu có chứng chỉ, thuế xuất khẩu, cạnh tranh nguồn nguyên liệu giữa các doanh nghiệp. 

Tổng giám đốc Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài xác nhận doanh nghiệp này đã phải từ chối đơn đặt hàng từ khu vực EU vì công ty hiện chỉ đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu đi Nhật theo hợp đồng đã ký dài hạn trước đó.

Giám đốc Công ty CP Smart Wood VN thông tin trước đây các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam có thể tận dụng các phế phẩm từ ngành chế biến gỗ để tạo ra viên nén. Tuy nhiên từ cuối năm 2021, các doanh nghiệp khó xuất khẩu, thiếu đơn hàng do bị điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. 

"Câu chuyện nguyên liệu là câu chuyện dài hạn. Để phát triển bền vững và các phân khúc sản phẩm trong ngành công nghiệp gỗ không kìm hãm, thậm chí làm hại nhau, các doanh nghiệp cần có phương án đầu tư và quy hoạch vùng nguyên liệu để sản xuất", ông Tùng nói.


Phần lớn viên nén gỗ được làm từ phụ phẩm của ngành lâm nghiệp như ngọn, cành, bìa bắp, vỏ bào, mùn cưa, gỗ vụn.
Phần lớn viên nén gỗ được làm từ phụ phẩm của ngành lâm nghiệp như ngọn, cành, bìa bắp, vỏ bào, mùn cưa, gỗ vụn.

Đề xuất một số giải pháp cho bài toán nguyên liệu sản xuất viên nén gỗ trong nước, Tổng giám đốc Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài cho rằng, các nhà sản xuất, xuất khẩu cần trao đổi, kết nối, hỗ trợ nhau trong sản xuất, xuất khẩu, đồng thời phản ánh các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh ở trong và ngoài nước.

Còn theo TS. Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu viên nén, cũng như các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ, dăm, ván ép… cần quan tâm đến việc tự tạo vùng nguyên liệu riêng để ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào. Doanh nghiệp cũng có thể liên kết với các hộ dân là người trực tiếp tạo ra nguồn cung cho ngành công nghiệp gỗ hiện nay. Khi đã chủ động được nguồn nguyên liệu thông qua các hình thức liên kết các hộ trồng rừng và công ty lâm nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh.

Xu hướng tiêu thụ viên nén gỗ trong tương lai gần sẽ ngày càng tăng cao, không những vậy yêu cầu về chất lượng cũng sẽ tăng lên, do đó việc tự tạo vùng nguyên liệu nhằm kiểm soát từ đầu vào cho tới khi đến tay khách hàng là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp xuất khẩu viên nén gỗ nói riêng và các sản phẩm gỗ nói chung của Việt Nam. 

Nâng cao chất lượng viên nén gỗ xuất khẩu 

Ông Ngô Sỹ Hoài, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt nam cho rằng, mặc dù viên nén gỗ xuất khẩu của Việt Nam được chào giá cao nhưng tại các thị trường có yêu cầu khắt khe như tại EU chưa thấy sự xuất hiện của sản phẩm này trên thị trường. Bởi các quốc gia EU thường đòi hỏi truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rất nghiêm ngặt để đảm bảo gỗ hợp pháp và chứng chỉ quản lý rừng bền vững (chủ yếu là FSC). 

Ông Vũ Thanh Tùng, giám đốc Công ty CP Smart Wood Việt Nam nói: "Khó nhất là vấn đề chứng chỉ. Ngành lâm nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS), nhưng thị trường EU lại ưu tiên chứng chỉ rừng FSC. Nước ta hiện mới chỉ có trên 250.000ha rừng có chứng chỉ FSC. Để các khu rừng được cấp chứng chỉ FSC sẽ mất nhiều thời gian và nguồn lực".


Dự báo trong cả năm 2022 tổng kim ngạch xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam đạt khoảng 700 triệu USD, đến năm 2023 có thể đạt 1 tỷ USD.
Dự báo trong cả năm 2022 tổng kim ngạch xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam đạt khoảng 700 triệu USD, đến năm 2023 có thể đạt 1 tỷ USD.

So với Hàn Quốc và Nhật Bản, tiêu chuẩn hàng xuất khẩu viên nén gỗ tại thị trường EU cao hơn. Cụ thể, về độ tro, xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản họ yêu cầu 3% nhưng tại thị trường EU yêu cầu dưới 1%. Như vậy, nguyên liệu đầu vào để sản xuất viên nén gỗ phải rất sạch, vỏ cây phải bị loại bỏ hoàn toàn. 

Tuy nhiên, hiện chưa có doanh nghiệp nào đáp ứng được yêu cầu độ tro dưới 1%. Theo một số doanh nghiệp, đây là một thách thức rất lớn, đòi hỏi phải đầu tư nhiều tiền bạc để cải thiện thiết bị và công nghệ.

Như vậy dù là quốc gia xuất khẩu viên nén gỗ lớn thứ 2 thế giới, nhưng thị trường chính sản phẩm này của Việt Nam lại chỉ tập trung tại 2 quốc gia và chỉ đáp ứng được 10 - 15% tổng nhu cầu trên toàn thế giới. Do đó, muốn sản phẩm “made in Vietnam” này có mặt tại những thị trường khó tính nhất thì cần phải nâng cao chất lượng của sản phẩm chứ không chỉ dừng ở số lượng. 

Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Hoạt động M&A bất động sản sẽ có một cuộc sàng lọc lớn

Cao tốc Nam Định - Thái Bình dài hơn 60km sẽ khởi công vào thời điểm nào?

Quảng Ninh quy hoạch cả hòn đảo làm khu du lịch nghỉ dưỡng

"Nhập cuộc" đường đua NOXH, Nam Định sắp có dự án hơn 900 tỷ đồng với 1.100 căn hộ

Đường Vành đai 2: TPHCM bồi thường theo giá đất mới, tối đa 111 triệu đồng/m2

Vì sao Long An thông báo dừng lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 2 dự án NOXH?

Bình Dương: Khu dân cư nghìn tỷ sắp "hồi sinh" sau nhiều năm bị cơ quan chức năng "tuýt còi"

"Ông lớn" bán lẻ Nhật Bản rót 35 triệu USD xây TTTM tại Hà Nam

Tin mới cập nhật

Vì sao khó giảm lãi suất cho vay mua NOXH?

2 ngày trước

Khách hàng “ngậm đắng nuốt cay” vì dự án bất động sản vướng pháp lý

4 ngày trước

Người dân TP.HCM bức xúc về cách tính tiền sử dụng đất

5 ngày trước

Nghịch lý thị trường bất động sản: Giá cao, tỷ lệ hấp thụ tốt nhưng kết quả kinh doanh èo uột

5 ngày trước

Cơ hội tăng giá nhiều lần của đất nền phía Nam sẽ khó xuất hiện

5 ngày trước