Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đón nhận nhiều tin vui
BÀI LIÊN QUAN
Doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt nguy cơ mất cả vốn lẫn lãiXuất khẩu phục hồi kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp khai thác cảng và vận tải biển hưởng lợiDoanh nghiệp nỗ lực vượt khó, thúc đẩy hoạt động xuất khẩuThị trường đón nhận nhiều tin vui
Những tháng cuối năm 2023, nhiều tin tốt từ thị trường thế giới cũng như xu hướng tiêu dùng gia tăng ở các thị trường chính đã đem lại triển vọng phục hồi xuất khẩu cho ngành thủy sản Việt Nam.
Mới đây, thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu thủy sản 10 tháng năm 2023 thu về gần 7,5 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Dù vậy, tín hiệu đáng mừng của lĩnh vực xuất khẩu thủy sản đến từ sự phục hồi của các thị trường chủ lực do nhu cầu tăng vào các dịp cuối năm với các sản phẩm thế mạnh như cá ngừ, tôm, cá tra.
Đơn cử, nhu cầu cá tra tại thị trường Mỹ cũng đang phục hồi. Được biết, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đang tìm mua một lượng lớn phi lê cá tra, cá da trơn đông lạnh để sử dụng trong các chương trình phân phối thực phẩm trong nước.
Xuất khẩu thủy sản 10 tháng năm 2023 thu về gần 7,5 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022 |
Bên cạnh đó, tại thị trường Trung Quốc, mặc dù nhu cầu cá tra đã giảm đáng kể từ đầu năm 2023, nhưng doanh số bán phile cá tra tẩm bột đang có dấu hiệu tốt hơn ở thị trường này.
Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 11.900 tấn cá tra từ Việt Nam, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, doanh số bán cá tra phile tẩm bột vẫn tăng khi sản phẩm này xuất hiện ngày càng nhiều trên thực đơn tại các nhà hàng ở miền Bắc Trung Quốc với giá 5,47 – 6,83 USD/suất. Ngoài ra, sản phẩm này cũng nhận được phản hồi tích cực của người tiêu dùng Trung Quốc.
Đánh giá về thị trường Mỹ trong 2 tháng cuối năm, Phó Tổng thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam cho rằng, thị trường này đã có dấu hiệu cải thiện nhu cầu tiêu dùng, tỷ lệ tồn kho sản phẩm của các công ty tại các nhà phân phối, nhà bán lẻ ở Mỹ hiện đã về mức trung bình, đồng thời chỉ số niềm tin người tiêu dùng cũng tiếp tục được cải thiện. Những yếu tố này kết hợp với thời điểm mùa lễ hội cuối năm có thể kích thích các doanh nghiệp Mỹ gia tăng tích trữ tồn kho trở lại, đây là cơ hội tốt cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Cũng đưa ra nhận định lạc quan về tình hình thị trường cuối năm, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang dự báo, giai đoạn cuối năm với các lễ hội lớn, sau đó là Tết Nguyên đán ở châu Á sẽ giúp mức tiêu thụ tôm gia tăng, trong khi đó, lượng hàng tồn kho của các nhà bán lẻ đã giảm và phải nhập thêm. Vì vậy, dịp cuối năm có thể coi là “mùa vàng” đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, bởi nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu đều gia tăng mạnh để phục vụ mùa lễ hội.
Dịp cuối năm có thể coi là “mùa vàng” đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản |
Về thông tin tiến độ gỡ thẻ vàng IUU cho thủy sản, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU Trần Ngọc Quân cho biết, đoàn kiểm tra đánh bắt thủy hải sản không hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của EU đã đến Việt Nam làm việc vào tháng 10/2023. Theo đó, đoàn công tác EU đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong quyết tâm nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU. Đồng thời, phía EU cũng hứa trong vòng 6 tháng tiếp theo, nếu phía Việt Nam có triển vọng tốt trong đánh bắt thực tế thì sẽ xem xét gỡ bỏ thẻ vàng khi EU chuyển vào bầu cử nghị viện.
Doanh nghiệp tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng
Nhiều chuyên gia cho rằng, để tận dụng thời cơ, gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp cần tập trung thêm vào khâu quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm thế mạnh của ngành, tăng tín hiệu quả, chuỗi giá trị ngay từ cấp vùng nuôi.
Thêm vào đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần đôn đốc, hướng dẫn ngư dân gấp rút thực hiện giải pháp khắc phục tình trạng thẻ vàng của EC, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU, đảm bảo nguồn cầu phục vụ cho xuất khẩu cũng như đưa ngành thủy sản phát triển theo hướng bền vững hơn.
VASEP dự báo, năm 2023, xuất khẩu thủy sản sẽ thu về khoảng trên 9 tỷ USD |
Để giúp thủy sản của Việt Nam trở lại đường đua xuất khẩu sang Mỹ, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường đàm phán và ký kết các hiệp định, hiệp ước với phía Mỹ để hạn chế biện pháp phi thuế quan đối với mặt hàng thủy sản của Việt nam xuất khẩu sang thị trường này. Cùng với đó, mở cửa thị trường cho những sản phẩm tiềm năng như cá ngừ, bạch tuộc, mực.
Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phát triển thương hiệu sản phẩm cho mặt hàng thế mạnh như tôm, cá da trơn, cá rô phi để tiếp tục mở rộng thị trường sang các bang, tiểu bang tại Mỹ mà sản phẩm của Việt Nam chưa có mặt. Đặc biệt, thường xuyên cập nhật xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp và hiệp hội để có kế hoạch ứng phó hiệu quả, cũng như có chiến lược kinh doanh hợp lý và thận trọng.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo các doanh nghiệp nên tăng xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, bởi Mỹ có phổ phân khúc sản phẩm theo giá thành rất rộng do mức độ chênh lệch thu nhập trong các tầng lớp dân cư, nhu cầu tiêu dùng cả hàng cao cấp lẫn bình dân.
Các doanh nghiệp nên tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, hạn chế cạnh tranh bằng hàng giá rẻ, đảm bảo chế độ ghi chép kế toán rõ ràng, tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn kế toán quốc tế, lưu giữ toàn bộ hồ sơ quá trình sản xuất, chế biến để truy xuất thông tin cũng như phục vụ các đợt thẩm tra tại chỗ của các cơ quan chức năng và các nước đối tác.