WeChat - sản phẩm Internet thành công nhất ở Trung Quốc thập kỷ qua: Hành trình 11 năm phát triển giúp Tencent trở thành "gã khổng lồ" châu Á
BÀI LIÊN QUAN
Đối đầu trực diện với TikTok, doanh thu YouTube tuột dốc không phanhYouTube bắt đầu cảm nhận "nỗi đau" Apple, TikTok gây ra cho FacebookNgười dùng TikTok đang rơi vào cái bẫy "gây nghiện" của thuật toán AI?Theo SCMP, WeChat là khái niệm quen thuộc với hầu hết người dân Trung Quốc. Siêu ứng dụng này ra đời cách đây 11 năm, được phát triển bởi gã khổng lồ công nghệ Tencent. Nhiều người dân Trung Quốc thời điểm hiện tại gần như không thể sống thiếu WeChat mỗi ngày.
Điển hình là Chen Channing - chuyên gia pháp lý 30 tuổi hiện đang sinh sống và làm việc tại Thâm Quyến. Sáng nào cũng thế, sau khi thức dậy việc làm đầu tiên của Chen là kiểm tra tin nhắn trên ứng dụng. Sau đó, anh chàng 30 tuổi sẽ đi làm bằng tàu điện ngầm, sử dụng chức năng thanh toán tích hợp trong WeChat.
Trên đường đi làm, anh cũng tiện thể lướt đọc luôn tin tức trên ứng dụng này. Tại văn phòng, Chen dành phần lớn thời gian làm việc trong ngày để trao đổi qua phiên bản dành cho máy tính của WeChat.
Những lúc rảnh rỗi hiếm hoi, Chen sẽ nghe nhạc, chia sẻ hình ảnh hoặc những hình ảnh meme nổi tiếng trên mạng xã hội với bạn bè. Khi đói bụng và lười nấu nướng, anh sẽ đặt đồ ăn và thanh toán luôn qua ứng dụng WeChat. Có thể khẳng định rằng, siêu ứng dụng WeChat đã trở thành một phần không thể thiếu trong mọi khía cạnh cuộc sống cũng như công việc của Chen nói riêng và rất nhiều người Trung Quốc nói chung.
Những con số siêu ấn tượng
Theo như con số được thống kê, tính đến quý IV/2021, WeChat đã có tổng cộng 1,27 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng. Mỗi ngày, trên ứng dụng này có hơn 120 triệu người dùng đăng bài. Đồng thời, WeChat còn ghi nhận hơn 360 triệu người đọc báo trên các tài khoản chính thức cùng với hơn 500 triệu người truy cập vào những tiểu ứng dụng. Được biết, đây là những ứng dụng có dung lượng nhỏ chạy ở bên trong một ứng dụng khác.
Theo kết quả nghiên cứu năm 2021 từ nhà cung cấp dữ liệu China Internet Watch cho thấy, trung bình mỗi ngày người dùng sẽ dành ra 77 phút trên ứng dụng WeChat. Chỉ một ứng dụng này có thể cung cấp dịch vụ hiệu quả tương đương với hàng loạt các ứng dụng khác, bao gồm: WhatsApp, Instagram, Google, Facebook và PayPal. Theo QuestMobile, tính đến tháng 9/2020, WeChat chiếm 21,5% tổng thời gian của người dùng Trung Quốc trên Internet di động.
Thời điểm hiện tại có thể khẳng định rằng, siêu ứng dụng WeChat đã làm thay đổi sâu sắc cách người Trung Quốc tương tác với nhau và với thế giới trực tuyến. Thành công của WeChat đã giúp Tencent trở thành “gã khổng lồ” hàng đầu châu Á. Được biết, thời điểm hiện tại vốn hóa thị trường của Tencent là hơn 441 tỷ USD, tăng từ 47 tỷ vào năm 2011.
Một chuyên gia nhận định rằng: “Trong thập kỷ qua, WeChat chắc chắn là sản phẩm internet thành công nhất tại Trung Quốc. Siêu ứng dụng này đã tạo ra phép màu, ghi nhận mức tăng trưởng từ 0 lên đến 1 tỷ người dùng. Ứng dụng này giúp mọi người kết nối với nhau, cung cấp cho họ một loạt dịch vụ thay đổi cuộc sống. Chính vì thế, giá trị của WeChat đã vượt xa những con số”.
Hành trình 11 năm hình thành và phát triển của siêu ứng dụng WeChat
Năm 2011, một nhóm nhỏ của Tencent đã phát triển phiên bản WeChat đầu tiên chỉ trong vòng chưa đầy 70 ngày. Điều này đã giúp nhóm đánh bại 2 nhóm nội bộ khác cũng đang cố gắng đạt mục tiêu tương tự.
Được biết, phiên bản ban đầu của WeChat chỉ cho phép người dùng gửi tin nhắn văn bản cùng với ảnh. Đến tháng 5/2011, ứng dụng này được cập nhật tính năng nhắn tin thoại, cho phép điện thoại của người dùng hoạt động giống như một bộ đàm. Sau một thập kỷ không ngừng tối ưu hóa, ứng dụng này vẫn ngày càng phát triển.
Thời điểm hiện tại, Tencent đã xây dựng xung quanh WeChat một hệ sinh thái khổng lồ. Đó là những ứng dụng nhỏ hơn 10 megabyte có thể chạy ngay lập tức trên giao diện của ứng dụng chính. Chính thiết kế này đã giúp WeChat trở thành một nền tảng phổ biến và cập nhật xu hướng.
Sự thành công của WeChat như thời điểm hiện tại có sự đóng góp của nhiều yếu tố. Trong đó, chắc chắn không thể bỏ qua China’s Great Firewall - công cụ chặn các phương tiện truyền thông xã hội nước ngoài như WhatsApp, Instagram, Google và Facebook. Bên cạnh đó, WeChat đã đi đúng hướng và đi đúng thời điểm. Ngoài ra, một yếu tố khác giúp WeChat thành công phải kể đến thiết kế đơn giản, thú vị của ứng dụng này.
Thành công là thế nhưng WeChat nói riêng và Tencent nói chung vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Thứ nhất, việc kiểm duyệt nội dung trên ứng dụng vẫn đang gặp khó khăn cả trong lẫn ngoài nước. Nguyên nhân bởi, ngày càng có càng nhiều tài khoản truyền bá nội dung bất hợp pháp hoặc không phù hợp.
Thứ hai, dù không lo lắng về các đối thủ cạnh tranh nước ngoài nhưng thời điểm hiện tại, WeChat đang đối diện với cuộc sống khốc liệt từ những tân binh mới nổi, điển hình như ByteDance sở hữu ứng dụng video ngắn Douyin (phiên bản Trung Quốc của TikTok) cực kỳ nổi tiếng.
Báo cáo của QuestMobile vào tháng 10/2020 cho thấy, so với năm 2019 thì người Trung Quốc đang dành nhiều hơn 6 giờ mỗi tháng trên điện thoại di động. Phần lớn các thời gian này người dùng dành cho các ứng dụng video ngắn như Douyin và Kuaishou do Tencent hậu thuẫn. Trong khi đó, WeChat cùng với các công cụ tìm kiếm của Baidu hay Taobao, Tmall và Alipay của Alibaba không hề ghi nhận mức tăng trưởng về tỷ lệ thời gian sử dụng, thậm chí còn tăng trưởng âm. chưa kể, Tencent còn bị chỉ trích liên quan đến vấn đề độc quyền.
Chính vì thế, một nhà phân tích nhận định rằng, trong tương lai WeChat chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khi các quy định sẽ trở nên chặt chẽ hơn, cạnh tranh gay gắt hơn, thói quen của người tiêu dùng cũng đang thay đổi chóng mặt theo sự phát triển và thay đổi của xã hội.
Hiện tại, Tencent vẫn đang nỗ lực để thu hút người dùng sử dụng ứng dụng video ngắn Channels trên nền tảng WeChat. Động thái này được coi là để cạnh tranh “sòng phẳng” với Douyin và Kuaishou.
Trong báo cáo kinh doanh mới nhất của mình, theo Tencent thống kê, tổng số lượt xem video cùng thời gian xem trên Channels đã tăng mạnh nhờ vào thuật toán và các chương trình giải trí. Chính vì thế, Tencent không chỉ ưu ái cho Channels trên WeChat, “ông lớn” này còn tổ chức thêm các sự kiện âm nhạc trực tuyến. Điều đáng nói, những sự kiện âm nhạc này đều có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, thu hút đông đảo người xem.
Nhờ nội dung giải trí và âm nhạc, mảng video của Tencent trong những năm gần đây đã phát triển ngày càng mạnh. Theo một hãng phân tích, chiến lược này giúp Tencent ngày càng rút ngắn khoảng cách với các đối thủ khác trong thị trường video ngắn tại đất nước tỷ dân.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng, Channels phát triển ngày càng mạnh mẽ có thể khiến cho thị trường video ngắn tại Trung Quốc bị xáo trộn. Vốn dĩ, thị trường này đang do ứng dụng Douyin thống trị với hơn 600 triệu người dùng trong nước thời điểm hiện tại.
Trước chiến dịch cạnh tranh mới của Tencent, Douyin cũng không thể ngồi yên. Cách đây không lâu, ứng dụng này cũng đã tiến hành tổ chức một buổi biểu diễn trực tiếp, thu hút lượt xem khổng lồ, lên tới hơn 200 triệu lượt. Liên quan đến vấn đề này, ông Zhang Yi – CEO của một công ty nghiên cứu, khẳng định hai sự kiện biểu diễn trên mới chỉ là “màn dạo đầu” cho cuộc chiến khốc liệt giữa hai nền tảng lớn hiện nay tại thị trường Trung Quốc. Ông cũng nhận định rằng, Tencent hiện đang tấn công còn Douyin phòng thủ. “Dựa trên số liệu hiện tại, WeChat đang phần nào có ưu thế hơn nhờ sáng tạo ra ‘quân át chủ bài’ là các buổi biểu diễn”, vị CEO này cho biết thêm.