Vua thép Hòa Phát thần tốc trong việc gom đất và tạo quỹ đất, bất chấp các doanh nghiệp BĐS đang “chùn tay”
BÀI LIÊN QUAN
Hòa Phát tiếp tục báo lỗ tăng mạnh, gần 2.000 tỷ đồng trong Quý 4/2022Từng bị "bán không thương tiếc", vì sao khối ngoại trở lại mạnh tay mua ròng cổ phiếu Hòa Phát (HPG)?Chứng khoán KIS hạ dự báo lợi nhuận Hòa PhátTheo Nhịp Sống Thị Trường, trong khi hàng loạt doanh nghiệp bất động sản vẫn loay hoay trong cơn khát vốn, Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long lại liên tục có những bước đi thần tốc trong việc gom đất cũng như tạo quỹ đất cho tập đoàn ở nhiều địa phương trên khắp cả nước.
Tháng 5 năm ngoái, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long từng chia sẻ trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên rằng, định hướng của tập đoàn thay vì mua đất làm dự án sẽ tham gia đấu thầu ở các địa phương.
Kiên định với định hướng này, Hòa Phát trong thời gian qua đã đề xuất đầu tư cũng như tài trợ quy hoạch cho những dự án với diện tích lên đến hàng trăm ha ở nhiều tỉnh thành trên cả nước như: Hải Dương, Đắc Nông, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Cần Thơ…
Hay mới đây nhất, theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ, liên quan đến dự án Khu dân cư nông thôn sinh thái Cao Xá, huyện Lâm Thao, chỉ có duy nhất cái tên Liên danh Công ty CP Tổng công ty Đầu tư Hợp Nghĩa - Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị Hòa Phát đăng ký tham gia, đồng thời đạt yêu cầu sơ bộ về năng lực và kinh nghiệp.
Theo tìm hiểu, dự án khu dân cư nông thôn sinh thái Cao Xá đã được UBND tỉnh Phú Thọ chấp thuận chủ trương đầu tư vào đầu tháng 8 năm ngoái. Quy mô của dự án này lên đến 120ha cùng tổng mức đầu tư dự kiến là 5.622,085 tỷ đồng. Dự án này gồm có công trình nhà ở liền kề, biệt thự, công trình dịch vụ công cộng, công trình hỗn hợp, cây xanh – thể dục thể thao, công viên cây xanh – mặt nước, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật…
Đến ngày 10/10/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ đã mời các nhà đầu tư quan tâm đến nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án này. Tiếp đến, Sở này tiếp tục thông báo về việc gia hạn đăng ký thực hiện dự án đến 10 giờ ngày 14/2/2023. Tính đến nay, vẫn chỉ có Liên danh Công ty CP Tổng công ty Đầu tư Hợp Nghĩa - Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị Hòa Phát nộp hồ sơ và đạt yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm. Vì thế, nhiều khả năng Liên danh này sẽ được tỉnh Phú Thọ chính thức lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án.
Trước đó không lâu, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên cũng đã công bố CTCP Phát triển Đô thị Hòa Phát Yên Mỹ trở thành nhà đầu tư duy nhất đạt yêu cầu sơ bộ về đánh giá năng lực, kinh nghiệm thực hiện đối với dự án Đầu tư xây dựng Khu nhà ở cho người thu nhập thấp Khu công nghiệp Yên Mỹ II (xã Trung Hòa và thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ). Đáng chú ý, công ty này cũng là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án.
Tính sơ bộ, tổng chi phí thực hiện dự án là khoảng hơn 4.830 tỷ đồng, không gồm chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư, tiền thuê đất và tiền sử dụng đất. Quy mô sử dụng đất của dự án này là khoảng 309,978 m2 cùng quy mô dân số khoảng 11,500 người. Dự án này gồm có 250 căn Nhà ở thương mại liền kề; 9,000 căn hộ, nhà ở xã hội và các công trình phục vụ nhu cầu thiết yếu của khu dân cư…
Mục tiêu trở thành Top 3 công ty BĐS lớn nhất cả nước
Tính đến nay, ông lớn ngành thép Việt đã tham gia mảng bất động sản được khoảng 2 thập kỷ cùng 2 lĩnh vực chính là BĐS khu công nghiệp (KCN) cùng với BĐS đô thị. Trong đó, mảng BĐS khu công nghiệp của Hòa Phát đã ghi nhận nhiều dấu ấn thông qua các dự án đang được khai thác, điển hình như KCN Phố Nối A (diện tích 600 ha), KCN Yên Mỹ II (giai đoạn 1; quy mô 97,5ha) - Hưng Yên và KCN Hòa Mạc - Hà Nam (diện tích 131 ha)...
Đối với mảng BĐS nhà ở đô thị, Hòa Phát đã đầu tư xây dựng nhiều dự án tại Hà Nội, bao gồm: Khu phức hợp Mandarin Garden 1 (2,5 ha, quận Cầu Giấy), Khu phức hợp Mandarin Garden 2 (1,3 ha), Khu chung cư 70 Nguyễn Đức Cảnh (Hoàng Mai), Chung cư Hòa Phát 257 Giải Phóng (Đống Đa)... Hòa Phát còn đang phát triển một dự án khu đô thị lớn khác, đó là Khu đô thị Bắc Phố Nối tại Hưng Yên (262 ha).
Năm 2010, Hòa Phát từng kỳ vọng bất động sản sẽ tăng trưởng mạnh, đóng góp khoảng 20%-30% vào doanh thu của Tập đoàn. Năm 2014, mảng bất động sản đã đóng góp 10,4% tổng doanh thu của tập đoàn (tương đương hơn 2.668 tỷ đồng) cùng với 22% lợi nhuận sau thuế (tương đương 715 tỷ đồng). Cũng trong ĐHĐCĐ của năm này, Chủ tịch Trần Đình Long bày tỏ sẽ không phát triển BĐS về mặt lâu dài.
Đến năm 2020, Hòa Phát bất ngờ thông báo về việc thoái vốn mảng nội thất, tập trung phát triển mảng bất động sản thông qua việc thành lập Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Hòa Phát, vốn điều lệ của công ty này là 2.000 tỷ đồng. Năm 2021, vốn điều lệ của công ty này được tăng lên mức 6.000 tỷ đồng.
Quý 4/2022, doanh thu bán và cho thuê bất động sản của Hòa Phát so với cùng kỳ năm trước đã tăng 40%, đạt 410 tỷ đồng. Trước đó, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long cũng đã đặt mục tiêu doanh thu từ bất động sản trong năm 2022 là khoảng 1.600 tỷ đồng, trong đó có 1.500 tỷ đồng từ cho thuê hạ tầng KCN.