Vợ chồng cô giáo chở đất từ quê lên phố làm vườn trên sân thượng: Vườn rau xanh mướt ai nhìn cũng mê
BÀI LIÊN QUAN
Mảnh đất “kim cương” rộng 1.800m2, trị giá gần 1.000 tỷ đồng giữa phố cổ lột xác sau 40 năm làm trường mẫu giáoTop 3 xu hướng thiết kế phòng khách sẽ tạo nên “cơn sốt” trong năm 2022Ngôi nhà 18m2 của gia đình 3 người ở Phú Nhuận, Sài Gòn: Không hề bí bách mà thông thoáng bất ngờ nhờ vào giải pháp cực thông minhChị Phạm Thị Tuyết (giáo viên THPT) sinh ra và lớn lên tại huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Từ lâu, chị Tuyết rất thích trồng vườn và mong muốn sẽ có một khu vườn của riêng mình. Cho đến năm 2018, sau khi xây xong nhà mới, chị đã đề nghị chồng làm cho chị một giàn trên sân thượng để trồng cà chua.
Nhận được sự ủng hộ, sau đó chị đã bàn với chồng đầu tư thêm tiền để làm hệ thống cầu thang sắt, lan can, sắm thêm nhiều chậu, thùng để trồng rau sạch trên sân thượng. Hai vợ chồng chị đã cùng nhau kéo cả trăm bao đất lên sân thượng ở tầng ba. Sân thượng nhà chị rộng 50m2 nên hai vợ chồng đã mất một tuần mới kéo đủ đất để làm nền cho khu vườn.
Chị Tuyết còn đặt thợ để làm kệ đựng cây, mua thêm chậu để trồng cây. Chị dự định biến sân thượng nhà mình thành một khu vườn xanh với nhiều loại cây. Tuy nhiên, do lần đầu chưa có nhiều kinh nghiệm nên chị đã thất bại. "Trời hay mưa mà tôi vẫn chăm tưới. Rau không lớn, chỉ thấy sâu, rệp nhiều", chị kể lại.
Sau khi đọc và tìm hiểu kỹ các thông tin có trên mạng chị đã biết cách trộn đất để trồng rau, bổ sung nước hợp lý. Vì từ nhỏ sống ở quê nên chị biết đất đã phơi ải (đất đã được cày lên, phơi khô trong nhiều tháng) tốt cho trồng trọt nên chị đã nhờ chồng đánh xe về quê lấy. "Vì trồng bằng đất ải nên tôi chỉ việc trộn trấu và phân trồng luôn. Hết một vụ đầu tôi mới phải xử lý mầm bệnh", chị Tuyết chia sẻ.
Tuy nhiên, có một vấn đề chị Tuyết chưa tìm hiểu kỹ, khi trồng cây trên sân thượng mà không làm chống thấm sẽ khiến trần bị ngấm nước. Khi đó, hai vợ chồng chị đã phải vận chuyển đất xuống dưới. Sau khi lát gạch sạch sẽ làm lớp chống thấm cho vườn sân thượng, vợ chồng chị lại bảo nhau dùng ròng rọc kéo đất và chậu lên sân thượng để tiếp tục trồng rau.
Một bên vườn chị đã đặt thợ một kệ cao bốn tầng, kê gần trăm chiếc chậu nhựa và hơn chục tháp trồng rau để tận dụng được hết không gian của sân thượng. Xung quanh chị bố trí giàn đứng để trồng đỗ, dưa chuột. Hai đầu sân thượng thì chị kê hai giàn ngang để trồng mướp, bầu, bí, cà chua…
Khu vườn sân thượng của chị có đủ các loại rau xanh. Mùa hè có rau muống, mồng tơi, các loại dưa, mướp, bầu, bí… Mùa thu đông thì có các loại rau của xứ lạnh như xu hào, bắp cải, mồng tơi, các loại rau cải…
"Lần đầu ăn rau nhà mình tự trồng được hạnh phúc vô cùng. Cảm nhận rõ vị ngon ngọt của rau và quan trọng là yên tâm vì rau sạch. Lúc đó mới thấy công sức cả nhà bỏ ra là xứng đáng", chị Tuyết vui vẻ nói.
Sau một thời gian dàn chăm sóc vườn rau trên sân thượng, chị Tuyết đã có nhiều kinh nghiệm hay để trồng thành công các loại rau. Trước hết, sân thượng phải có nhiều nắng, ít nhất nắng phải chiếu sáng nửa ngày. Hơn nữa, việc phòng trừ sâu bệnh cho rau cũng rất quan trọng. Trước đây, khi chưa có kinh nghiệm, chị đã phải phá bỏ vườn nhiều tháng liền vì trồng rau gì cũng bị sâu, rệp sinh sôi, bám đầy trên các lá. Sau đó, chị đã học hỏi kinh nghiệm làm dung dịch trừ sâu sinh học từ thuốc lào, giấm gỗ, tỏi, gừng, ớt… để phun luân phiên theo tuần lên vườn rau.
Ngoài ra, chị đã cùng các con thổi bóng để treo lên vườn để đuổi sâu, đuổi chim ăn quả chín còn để làm đẹp cho khu vườn sân thượng nhà chị.
Vì rất thích cà chua nên chị Tuyết đã trồng rất nhiều chủng loại và trồng gối để có đủ cà chua để ăn quanh năm. Trước khi trồng cây, chị đã ủ phân với tro, xơ dừa, trấu, bột đậu và vôi để diệt mầm bệnh từ đất.
Khi chăm cây trong vườn, giai đoạn đầu chị chỉ tưới nước, khi ra hoa, đậu quả chị đã bón thêm phân gà, phân bò và trùn quế với thời gian 10 ngày một lần… và phun thuốc trừ sâu sinh học tự làm.
Để tự chuẩn bị hoa cho gia đình vào dịp Tết, chị Tuyết đã trồng thêm nhiều loại hoa. Vào đêm giao thừa, cả nhà chị đã cùng lên sân thượng uống nước, tâm sự và ngắm pháo hoa.
"Không chỉ được ăn rau ngon, rau sạch, gia đình còn gắn kết hơn. Tôi cũng có thêm những người bạn mới từ khắp mọi miền đất nước chung đam mê. Trồng rau, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa thêm niềm vui sống mỗi ngày", chị Tâm đã chia sẻ cảm nghĩ của mình khi trồng rau thành công trên sân thượng. .
Những điều lưu ý khi muốn trồng rau trên sân thượng
Sân thượng nằm ở vị trí cao nhất của căn nhà thường có vị trí khắc nghiệt hơn so với dưới đất nên sẽ rất khó để các loại cây sinh trưởng và phát triển tốt. Do đó, bạn hãy lưu ý một số điều dưới đây khi trồng rau trên sân thượng để đạt được thành quả tốt nhé.
1. Không trồng cây với mật độ quá dày
Do sân thượng, ban công nhà bạn thường có diện tích nhỏ nên nếu trồng quá dày sẽ làm cho cây không thể lớn không những thế còn tạo cảm giác lộn xộn cho sân thượng. Không những thế trồng cây quá dày sẽ tạo điều kiện cho các loại nấm, loại côn trùng sinh sôi gây hại cho cây.
2. Lựa chọn cây trồng phù hợp với sân thượng nhà mình
Khi chọn trồng rau trên sân thượng bạn nên chọn những cây có khả năng chịu được thời tiết khắc nghiệt, chịu được nắng, gió… Ngoài ra, bạn cũng nên dựa vào vị trí của sân thượng nhà mình mà lựa chọn loại cây có đặc tính phù hợp để chúng dễ dàng thích nghi hơn.
3. Đảm bảo cây trồng trên sân thượng được nhận đủ ánh nắng mặt trời
Trên sân thượng nếu nắng chiếu quá mạnh cả ngày với cường độ lớn sẽ khiến cho các loại rau bị cháy, héo, úa, mất nước, chậm phát triển… Để cải thiện điều kiện này, bạn hãy che chắn bớt lại bằng lưới đen trong những giờ nắng gắt trong ngày để cây cối trong nhà phát triển tốt trong những ngày hè nắng nóng.
4. Xây dựng hệ thống xử lý thoát nước trên sân thượng
Trên sân thượng không chỉ có nắng, gió mạnh mà còn thường xuyên phải nhận một lượng nước mưa lớn, không thoát kịp sẽ gây ngập, úng cho cây. Khi trồng trên sân thượng, bạn cần chú ý đến vấn đề xử lý thoát nước, bạn nên kê cao các chậu ở sát dưới đất bằng gạch để có thể tránh được ngập úng.
5. Thường xuyên tưới nước để giúp cây quang hợp tốt hơn
Sân thượng là nơi có nhiều nắng, gió khiến cho đất nhanh thoát nước, nếu không được bổ sung nước thường xuyên sẽ dẫn đến cây nhanh chóng bị héo. Do đó, bạn phải tưới cây trên sân thượng thường xuyên hơn so với dưới mặt đất.