Mảnh đất “kim cương” rộng 1.800m2, trị giá gần 1.000 tỷ đồng giữa phố cổ lột xác sau 40 năm làm trường mẫu giáo
BÀI LIÊN QUAN
Loạt cây cảnh chỉ dành cho đại gia: Cặp me kiểng quý hiếm trả 10 tỷ chưa muốn bán, cặp duối cổ có giá 25 tỷ cao tới 8,5 métTop 3 xu hướng thiết kế phòng khách sẽ tạo nên “cơn sốt” trong năm 2022Ngôi nhà 18m2 của gia đình 3 người ở Phú Nhuận, Sài Gòn: Không hề bí bách mà thông thoáng bất ngờ nhờ vào giải pháp cực thông minhHội quán Quảng Đông bắt đầu được xây dựng từ khoảng 400 năm trước, được hình thành bởi cộng đồng người Quảng Đông (Trung Quốc), định cư tại phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương (nay là phố Hàng Ngang, Hàng Buồm, Lãn Ông). Nơi đây được xây dựng để làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng và cộng đồng của người Hoa. Đây cũng là địa điểm để giao dịch, thỏa thuận làm ăn và phân xử tranh chấp thương mại. Qua thời gian 400 năm, hội quán đã lưu giữ lại nhiều kí ức của con phố Hàng Buồm.
Công trình được xây dựng trên khu đất có diện tích khoảng 1.800m2 tại số 22 Hàng Buồm - Hoàn Kiếm - Hà Nội. Đây là một trong những con phố có đắt đỏ bậc nhất tại thủ đô Hà Nội với giá khoảng 400 - 500 triệu đồng/m2. Chính vì thế, nếu chỉ tính riêng giá đất Hội quán Quảng Đông đã lên đến gần 1.000 tỷ đồng.
Qua thời gian hàng trăm, công trình đã dần xuống cấp. Vào cuối năm 2018, Hội quán Quảng Đông đã được đưa vào trùng tu, tôn tạo. Đến cuối năm 2021, nơi đã “lột xác” trở thành trung tâm triển lãm nghệ thuật với không gian, kiến trúc cổ kính, có sự kết hợp giữa các nền văn hóa Châu Âu - Việt Nam - Trung Quốc.
Thời gian trước đó, Hội quán Quảng Đông từng được trưng dụng để làm trường mẫu giáo Tuổi Thơ. Khi nơi đây được trùng tu, trường mầm non Tuổi Thơ đã được chuyển về số 88 Hàng Buồm. Hiện nay, Hội quán Quảng Đông có tên gọi chính thức là Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm. "Con phố cũng như những dòng sông chảy trôi không ngừng, bao kiếp người qua, bao kiếp người tới. Trong vòng chảy của thời gian bất tận ấy, con phố nào cũng đầy ắp những kỷ niệm vui buồn...", được trích từ dòng giới thiệu trong triển lãm Không gian kí ức 22 Hàng Buồm.
Dự án tôn tạo di tích Hội quán Quảng Đông bao gồm các hạng mục sau:
- Tu bổ tiền đường, phương đình, trung đường và hậu cung của hội quán (khu 1)
- Tu bổ cung Thiên Hậu và tôn tạo phòng trưng bày, giới thiệu di tích của hội quán (khu 2)
- Tu bổ nhà tưởng niệm Tôn Trung Sơn, tôn tạo nhà ban quản lý di tích (khu 3)
- Phục dựng lại giếng nước và xây dựng nhà vệ sinh mới (khu 4)
- Tu bổ 6 cổng phụ và tôn tạo cổng, tường rào mặt trước của hội quán (phố Hàng Buồm)
- Cổng, tường rào mặt sau (trên phố Nguyễn Siêu), tôn tạo sân và lối đi trong di tích (khu 5)…
- Lắp đặt lại hệ thống đèn chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy tại khu di tích.
Sau khi tu sửa thì nơi đây được sử dụng là địa điểm tổ chức các triển lãm nghệ thuật ấn tượng, với hy vọng sẽ thu hút nhiều người dân quan tâm đến tham quan. Nhân viên quản lý nơi đây còn cho biết, một phần của Hội quán được sử dụng để tổ chức triển lãm. Hiện trung tâm triển lãm đang mở cửa tự do cho khách tham quan, có khả năng trong thời gian tới sẽ triển khai bán vé. Đã có những buổi triển lãm nghệ thuật với tên gọi "Phiêu diêu", "Ký họa phố cổ 2021", "Hà Nội là...", "Không gian ký ức 22 Hàng Buồm" được tổ chức tại đây.
Tại gian nhà phía Đông, trưng bày các tác phẩm thư pháp với tên gọi là triển lãm “Phiêu diêu”, gian nhà chính trưng bày tác phẩm nghệ thuật thư pháp có tên gọi “Rồng rắn lên mây” được treo nổi bật trên trần nhà. Tác phẩm "Rồng rắn lên mây" được viết trên lụa bằng mực đất, trên đó được viết chữ nôm với nội dung mang hàm ý rồng bay lên trời. Ngoài ra, tác phẩm này còn thể hiện về tinh thần đoàn kết như trong câu đồng giao được lưu truyền trong dân gian, nó còn biểu trưng cho sự phát triển, "thăng" tiến đi lên.
Kiến trúc của Hội quán Quảng Đông còn nổi bật nhờ các bức phù điêu ở trên tường, nếu nhìn kỹ sẽ thấy được độ cẩn thận, tỉ mỉ qua từng nét chạm trổ. Tuy nhiên, qua thời gian dài, những bức phù điêu ở bên ngoài đã bị hư hỏng khá nhiều, có những bức chỉ còn mỗi phần thân.
Khách quan đến với Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm ngoài việc tham quan triển lãm nghệ thuật còn có thể check-in, chụp ảnh ở những góc mới lạ, độc đáo.
Không những thế, nơi đây còn có không gian riêng để lưu trữ các hiện vật liên quan đến Hội quán Quảng Đông xưa. Điều đặc biệt, nơi đây có gắn liền với một nhân vật lịch sử quan trọng là Tôn Trung Sơn. Trong quá trình ông hoạt động cách mạng và chuẩn bị cho Cách mạng Tân Hợi năm 1911. Trong giai đoạn 1903 - 1904 có một thời gian ông đã lưu trú tại Hội quán Quảng Đông.
Tại cửa chính, tấm bia đá đã ghi lại dấu ấn quan trọng của hai nước Việt - Trung bằng song ngữ: "Cụ Tôn Trung Sơn, người lãnh đạo cách mạng dân chủ vĩ đại của Trung Quốc năm 1904 đã từng tới đây".
Sau hàng thế kỷ, các chi tiết tại công trình này nhuốm màu thời gian, nơi đây đã lưu giữ được nhiều ký ức của con phố Hàng Buồm.
Tọa lạc tại một vị trí đắc địa bậc nhất trên phố Hàng Buồm, xung quanh có hệ thống nhà hàng, cửa hàng lớn, khách sạn cao cấp nhưng Hội quán Quảng Đông vẫn giữ lại nét cổ kính cho riêng mình. Nếu có cơ hội, bạn hãy đến đây tham quan một lần để có cơ hội tận mắt chứng kiến những giá trị lịch sử văn hóa đang được lưu giữ lại nơi đây.