Trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng vào tháng 5
BÀI LIÊN QUAN
Giá vật liệu tăng chóng mặt, lo ngại chủ đầu tư "đắp chiếu" dự án?Gần 2.400 tỷ đồng đầu tư vào dự án khu công nghiệp mới tại Hòa BìnhCác dự án giao thông gặp khó trước “bão giá” xăng dầu, vật liệu xây dựngTập trung nguồn lực đầu tư cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
An Giang có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, văn hóa. Bởi địa phương này thuộc vùng kinh tế trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy để xây dựng hệ thống giao thông đường bộ, kết nối vùng giữa tỉnh An Giang với các địa phương lân cận. Đồng thời phát triển giao thương hàng hóa với nước bạn Campuchia. Cử tri An Giang đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đầu tư xây dựng 3 cây cầu. Đó là cầu nối Long Xuyên qua cồn Mỹ Hòa Hưng; cầu Thuận Giang nối liền giữa huyện Chợ Mới và Phú Tân (An Giang); cầu nối giữa thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) với Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp).
Bên cạnh đó, cử tri tỉnh An Giang còn đề xuất đẩy nhanh đầu tư tuyến cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc và nâng cấp các tỉnh lộ 942, 954, 952 thành Quốc lộ.
Bộ Giao thông Vận tải có công văn số 1791 gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang để trả lời kiến nghị cử tri tỉnh An Giang gửi tới sau Kỳ họp thứ 2 và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Trong công văn của Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ đang tập trung nguồn lực để đầu tư tuyến đường bộ cao tốc đoạn Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Do đó, Bộ đề nghị UBND tỉnh An Giang phối hợp chặt chẽ với Bộ trong quá trình triển khai thực hiện dự án quan trọng này. Về tiến độ triển khai đầu tư tuyến cao tốc trên, Bộ Giao thông vận tải cho biết, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ có tờ trình số 1250 ngày 11/02 trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng công trình đường bộ Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đầu tư theo hình thức đầu tư công.
“Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại Thông báo số 42/TB-BGTVT ngày 14/02/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì lấy ý kiến các thành viên Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước để tiến hành thẩm định. Dự kiến trình Quốc hội trong tháng 5/2022 để phê duyệt chủ trương đầu tư dự án”, Bộ Giao thông vận tải cho hay.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang; điểm cuối tại cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Toàn tuyến dài hơn 188 km, trong đó đoạn qua An Giang dài gần 57 km, Cần Thơ gần 38 km, Hậu Giang khoảng 37 km và hơn 56 km còn lại đi qua tỉnh Sóc Trăng. Tuyến đường khi hoàn thiện sẽ có 6 làn cao tốc, với chiều rộng 32,25 m.
Trong giai đoạn một, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được nghiên cứu làm trước 4 làn cao tốc, rộng 17 m, cho xe chạy 80 km/h. Dự kiến, việc thi công tuyến đường cao tốc này sẽ thực hiện trong giai đoạn 2023-2025 và hoàn thành toàn bộ năm 2027.
Chấp Thuận xây dựng cầu nối Long Xuyên qua cồn Mỹ Hòa Hưng
Về việc xây dựng cầu nối Long Xuyên qua cồn Mỹ Hòa Hưng thay thế bến phà Ô Môi, Bộ Giao thông vận tải thống nhất với kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang.
"Công trình này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo giao thông thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân được thuận lợi khi viếng thăm Khu di tích lịch sử và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của xã Mỹ Hòa Hưng nói riêng và TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang nói chung", Bộ Giao thông vận tải đánh giá.
Công trình cầu nối Long Xuyên qua cồn Mỹ Hòa Hưng thuộc thẩm quyền quản lý đầu tư của UBND tỉnh An Giang, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh chủ động cân đối nguồn vốn của địa phương để triển khai thực hiện.
Trong trường hợp có khó khăn về nguồn vốn, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh An Giang làm việc với hai bộ là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ nguồn vốn để dự án có thể được triển khai theo đúng tiến độ đề ra.
Theo Quy hoạch giao thông đường bộ và đường thủy của tỉnh An Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 được phê duyệt, bến phà Ô Môi, kết nối đường Nguyễn Huệ B kéo dài thuộc TP. Long Xuyên với Cù Lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng là nơi sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, tại đây có Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng được công nhận Di tích lịch sử năm 1984 và Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012.
Tỉnh An Giang chủ động cân đối nguồn vốn
Về việc đầu tư xây dựng cầu Thuận Giang nối liền giữa huyện Chợ Mới và Phú Tân (An Giang). Cầu Thuận Giang bắc qua sông Vàm Nao nằm trên tỉnh lộ ĐT.92 thuộc thẩm quyền quản lý và đầu tư của UBND tỉnh An Giang.
Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1454 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 vào ngày 1/9/2021. Quyết định nêu rõ, nâng cấp các tuyến đường tỉnh lộ ĐT.942, ĐT.954, ĐT.953 qua địa bàn các tỉnh Đồng Tháp và An Giang thành Quốc lộ 80B.
"Các tuyến đường địa phương được quy hoạch thành quốc lộ trong quyết định này chỉ nâng lên quốc lộ sau khi được đầu tư bảo đảm quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy hoạch và không thấp hơn quy mô đường cấp IV, 2 làn xe", Bộ Giao thông vận tải cho biết.
Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh An Giang chủ động cân đối nguồn vốn nhằm triển khai thực hiện. Đồng thời có trách nhiệm trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh về nội dung nêu trên theo thẩm quyền. Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện dự án này.
Chưa thực hiện xây dựng cầu nối giữa thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) với Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), thay thế bến phà Tân Châu - Hồng Ngự nằm trên Quốc lộ N1 nối hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang.
Nguyên nhân là do nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải còn hạn hẹp nên đề xuất của cư tri tỉnh An Giang chưa thể thực hiện được do chưa cân đối được nguồn vốn.