Triển vọng nào cho cổ phiếu du lịch?
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 7/6: Cổ phiếu bất động sản “nổi sóng”, VN-Index nối liên mạch tăng 5 phiên liên tiếpVNDirect dự định phát hành thêm gần 585 triệu cổ phiếu, nâng vốn điều lệ vượt mức 18.000 tỷ đồngCổ phiếu điện “phát sáng” trong mùa nắng nóngLoạt doanh nghiệp du lịch báo lãi tăng mạnh
Theo Nhà đầu tư, sau 3 năm từ 2020 - 2022 bị ngưng trệ bởi địa dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đang tăng tốc hồi phục. Ngày 29/5 vừa qua, Tổng cục Thống Kê công bố Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023 cho thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 4,6 triệu lượt người, tăng gấp 12,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong tổng số gần 4,6 triệu lượt khách quốc tế đến nước ta trong 5 tháng qua, khách đến bằng đường hàng không chiếm đến 88%, bằng đường bộ chiếm 10,9% và bằng đường biển chiếm 1,1%...
Với những diễn biến tích cực chung của ngành, hàng loạt doanh nghiệp du lịch trên cả 3 sàn chứng khoán đã công bố kết quả lãi ròng quý I/2023 tăng trưởng rất tích cực.
Theo thống kê cho thấy, ngoại trừ TCT, tất cả các doanh nghiệp đều ghi nhận kết quả doanh thu trong quý I vừa qua tăng so với cùng kỳ năm trước (trừ trường hợp SaigonTourist mới chỉ công bố báo cáo tài chính năm 2022).
Về lãi ròng, dữ liệu cũng cho thấy có 7/11 công ty ghi nhận lãi ròng tăng trưởng. Trong đó, 4 trường hợp lãi ròng “đảo chiều” từ lỗ quý I/2022 sang lãi quý I/2023.
Trong đó, đáng chú ý nhất phải kể đến CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á (mã CK: DAH) với doanh thu đạt 6,4 tỷ đồng, tăng gần gấp 229 lần. Tuy nhiên, sau khi trừ đi chi phí và giá vốn, lãi sau thuế của công ty này lại giảm 95,5% còn 995 triệu đồng.
Nguyên nhân do doanh thu hoạt động tài chính của DAH trong quý I/2023 chỉ đạt 13 tỷ đồng (giảm 20 tỷ đồng so với quý I năm trước), do công ty trong kỳ không còn khoản lãi trái phiếu 33 tỷ đồng như quý I năm 2022.
Ngoài DAH, 3 doanh nghiệp khác cũng ghi nhận kết quả lãi ròng tăng trưởng âm đó là: CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (mã: STT), CTCP Du lịch Thành Công (mã: VNG) lần lượt ở mức -96,3% và -27,2%. Còn trường hợp của CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (mã: TCT) cũng báo lãi giảm 22%.
Như đã nói, nhóm tăng trưởng lãi ròng trong quý I/2023 chiếm đa số. Trong đó, tăng mạnh nhất là hai cái tên CTCP Dịch vụ du lịch Bến Thành (mã CK: BTV) và CTCP Du lịch Vietourist (mã CK: VTD).
Trong đó, BTV ghi nhận mức doanh thu thuần quý I/2023 đạt 138,4 tỷ đồng, tăng hơn 46%. Nguyên nhân do giá vốn hàng bán chỉ tăng gần 38%, đã dẫn đến lãi gộp của công ty đạt 30,9 tỷ đồng, tăng gấp gần 1,9 lần. Do đó, lãi ròng BTV đạt 5,8 tỷ đồng, tương ứng tăng 123,1%.
Còn với VTD, trong kỳ công ty này ghi nhận doanh thu chỉ tăng 17,5%, nhưng nhờ giá vốn hàng bán giảm gần 30%, nên lợi nhuận của công ty tăng gần 119% đạt 17,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thống kê cũng cho thấy các trường hợp lãi ròng “đảo chiều” từ lỗ sang lãi đó là: CTCP Vận tải Đường sắt Sài Gòn (mã CK: SRT), CTCP Du lịch Quốc tế Vũng Tàu (mã CK: VIR) và CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam – Vietravel (Mã CK: VTR).
Đáng chú ý, trong năm 2022, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cũng ghi nhận kết quả tương tự. Cụ thể, Saigontourist ghi nhận lãi sau thuếnăm 2022 là 294 tỷ đồng. Đây là con số thấp nhất của công ty so với những năm báo lãi. Tuy nhiên, kết quả này cũng đã rất tích cực sau 2 năm lỗ liên tục ((năm 2021 lỗ 534 tỷ đồng và năm 2020 lỗ 331 tỷ đồng).
Triển vọng dài hạn của cổ phiếu du lịch rao sao?
Tính từ đầu năm đến nay, các cổ phiếu du lịch trên thị trường chứng khoán như VIR (+15%), VTD (+14,56%), DSN (+12,45%), SRT (+8,7%), VTR (+2,81%)… đều có diễn biến khả quan.
Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh chi tiêu chậm lại, nhu cầu du lịch vẫn còn khi khách du lịch nước ngoài có xu hướng tìm đến Việt Nam, Thái Lan,... những quốc gia có chi phí rẻ nhưng vẫn đảm bảo trải nghiệm du lịch. Bên cạnh đó, việc có thêm du khách từ Trung Quốc sau khi quốc gia này mở cửa trở lại sau dịch Covid-19 sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ tại các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó bao gồm có Việt Nam.
Nhìn chung, cổ phiếu du lịch có triển vọng dài hạn nhờ sự khởi sắc của ngành sau 2 năm bị kìm nén với dịch Covid-19.
Dù vậy, một số ý kiến vẫn nhìn nhận ngành du lịch Việt Nam có thể gặp phải một số thách thức. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, sức ép lạm phát, lãi suất gia tăng cùng với dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai sẽ tiếp tục diễn biến bất thường, qua đó gây ảnh hưởng nặng nề hơn. Du lịch nội địa tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Bên cạnh đó, chính sách thị thực của Việt Nam vẫn chưa có nhiều ưu thế so với các quốc gia khác trong khu vực…
Với nhiều khó khăn, thách thức phía trước, các doanh nghiệp du lịch đều đặt kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 khá “dè dặt”.
Cụ thể, Vietravel đặt mục tiêu doanh thu 6.069 tỷ đồng, tăng 58% so với thực hiện năm 2022. Tuy nhiên, lãi ròng kế hoạch lại chỉ ở mức 58,71 tỷ đồng, tương đương giảm gần 23%. Theo doanh nghiệp này cho biết, kế hoạch trên khá thách thức trong bối cảnh du lịch và hàng không được coi là những ngành phục hồi nhanh nhất, nhưng lại chịu sự tác động lớn nhất của các yếu tố bên ngoài, từ chính sách của chính phủ các nước, đến xu hướng thị trường và nhiều yếu tố bất khả kháng khác.
Tương tự, DAH cũng đặt mục tiêu lãi ròng năm 2023 đạt 20 tỷ đồng, bằng gần 1 nửa so với thực hiện năm 2022 là 43,3 tỷ đồng.
Trong khi đó, SRT đặt mục tiêu tổng doanh thu sản xuất kinh doanh dự kiến đạt 1.769 tỷ đồng, tương đương tăng 112,3% so với thực hiện năm 2022. Tuy nhiên, với dự kiến chi phí điều hành giao thông vận tải và một số chi phí khác tăng mạnh, công ty đặt kế hoạch lãi ròng vỏn vẹn chỉ còn 600 triệu đồng.