“Trần” thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng là rào cản đối với người mua nhà ở xã hội
BÀI LIÊN QUAN
Năm 2023, Lào Cai dự kiến đầu tư 5 dự án nhà ở xã hội TP Hồ Chí Minh dồn lực hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 xây dựng 93.000 căn nhà ở xã hộiSợ tăng lương vì mất suất mua nhà ở xã hội
Hiện nay, chủ trường phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ cũng như các Bộ ngành đang được triển khai một cách quyết liệt. Nhiều chính sách, quy định gỡ vướng cho thị trường bất động sản nói riêng, nhà ở xã hội nói riêng đã được Chính phủ ban hành. Bên cạnh đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của 4 ngân hàng thương mại với lãi suất thấp hơn 1,5-2% cũng đã được Chính phủ thông qua, chờ giải ngân. Nên nhớ, đối tượng được ưu tiên hưởng gói tín dụng này chính là các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội và người dân mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Chưa hết, “trong tay” Bộ Xây dựng vẫn còn 1 gói tín dụng trị giá 110.000 tỷ đồng vừa tạm dừng đề xuất lên Chính phủ. Gói tín dụng này được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả như gói 30.000 tỷ đồng cách đây đúng 10 năm.
Các rào cản để phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội đã dần được tháo gỡ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người dân và các chuyên gia bất động sản cho rằng, vẫn còn một “điểm nghẽn” trong điều kiện để người dân có thể tiếp cận với nhà ở xã hội. Đó chính là quy định mức “trần” thu nhập của người dân. Bởi quy định hiện hành, người dân có thu nhập dưới 11 triệu đồng, tức là dưới ngưỡng chịu thuế mới đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Dĩ nhiên, ngoài điều kiện này thì người dân cũng cần phải đáp ứng hàng loạt các điều kiện khác nữa.
Chị Triệu Minh Hằng, quê Yên Bái, đang làm việc tại một công ty sản xuất đồ chơi trẻ em tại Hà Nội cho biết, mức thu nhập của cả hai vợ chồng hiện nay đang vào khoảng hơn 28 triệu đồng/tháng. Gia đình chị Hằng có 2 con nên được giảm trừ gia cảnh tổng là 8,8 triệu đồng nên không phải đóng thuế (mức giảm trừ 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc). Hiện nay, gia đình chị đang có nhu cầu mua nhà ở xã hội nhưng đang có nhiều mối lo.
Chị Hằng chia sẻ: “Lương tôi được 13 triệu đồng/tháng, còn chồng là 15 triệu đồng. Do có 2 con nhỏ, được giảm trừ gia cảnh nên không phải đóng thuế. Tuy nhiên, mức 28 triệu đồng mà sinh sống tại Hà Nội quả thực rất khó khăn. Nếu không chi tiêu khéo thì sợ còn không đủ chứ đừng nói gì đến còn tiền để mua nhà trả góp”.
Theo chị Hằng, gia đình chị đang ở trọ ở căn nhà có giá khoảng 4 triệu đồng/m2. Cả tiền điện, nước, mỗi tháng họ mất 5 triệu đồng. Cậu con cả của chị Hằng đang học trường công, mỗi tháng học phí và tiền ăn bán trú khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Tiền học thêm tiếng Anh, học câu lạc bộ cũng khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Như vậy, tiền chi cứng cho cậu con trai cả là 5 triệu đồng/tháng.
Bé gái thứ 2 nhà chị Hằng đang học trường mầm non tư với học phí 1 tháng khoảng 3,5 triệu đồng. Sở dĩ chị chọn gửi trường tư vì con được tiếp xúc với tiếng Anh và cho đón muộn. “Tiền sinh hoạt 1 tháng gia đình tôi khoảng 12 triệu đồng bao gồm tiền ăn sáng, ăn trưa bên ngoài của hai vợ chồng, tiền ăn bữa tối, tiền sữa cho các con và tiền xăng xe. Mỗi tháng, gia đình tôi còn phải gửi về cho ông bà nội ở quê 1 triệu đồng. Như vậy, tất cả số tiền mà chúng tôi phải chi 1 tháng lên đến 26,5 triệu đồng. Đó còn chưa kể những tháng có đám hiếu, đám cưới hoặc con cái không bị ốm đau, phải đi viện”, chị Hằng nói.
Chị Hằng nói rằng, với thu nhập và mức chi tiêu như vậy, một tháng coi như không để ra được đồng nào. Nếu thu nhập của anh chị tăng lên 2,8 triệu đồng/tháng nữa, tức là mức 30,8 triệu đồng/tháng thì lại không nằm trong diện được mua nhà ở xã hội. Mặc dù thu nhập ở mức 30,8 triệu đồng, mỗi tháng gia đình chị chỉ để ra được khoảng 4 triệu đồng. Mức này không đủ để trả góp mua nhà.
Cũng tương tự chị Hằng, gia đình anh Nguyễn Mạnh Hà, 35 tuổi hiện đang có tổng thu nhập của 2 vợ chồng là 30 triệu đồng/tháng. Anh Hà nói rằng, mức thu nhập này cách đây đã 2 năm nhưng anh “sợ” công ty tăng lương. Bởi tiền lương của hai vợ chồng đều trả qua tài khoản. Nếu công ty tăng lương của cả hai anh chị chỉ cần 800 ngàn đồng/tháng thì coi như họ mất cơ hội mua nhà ở xã hội.
Cần “mở rào” cho người thu nhập thấp
Hiện nay, mỗi căn nhà ở xã hội tại TP.HCM hoặc Hà Nội đều có mức giá khoảng trên 1,2 tỷ đồng/căn. Nếu người dân đóng 30% vốn tự có, đồng nghĩa với việc họ phải vay ngân hàng 840 triệu đồng. Với mức này, người mua nhà phải trả mức gốc - lãi trung bình 7,5-12,7 triệu đồng/tháng. Nếu so sánh với thu nhập và chi tiêu của gia đình chị Hằng ở trên, chắc chắn người mua nhà sẽ gặp khó khi trả nợ, nếu mua được nhà ở xã hội.
Vào tháng 9/2022, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) có văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM để đề xuất số giải pháp tháo gỡ vướng mắc của Luật Nhà ở 2014. Trong văn bản này, những vướng mắc, bất cập liên quan đến đối tượng mua nhà ở xã hội được HoREA đặc biệt quan tâm.
Cụ thể, theo Luật Nhà ở 2014 đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải chịu thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Tức là mức thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng/người, chưa kể giảm trừ gia cảnh. Tuy nhiên, HoREA cho rằng, quy định mức thu nhập dưới 11 triệu đồng và mức giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người/tháng là quá thấp so với chi phí thực tế trong đời sống hiện nay. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến người dân, người thu nhập thấp không thể tiếp cận với nhà ở xã hội.
Hiệp hội kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tăng mức thu nhập tối thiểu không phải chịu thuế thu nhập cá nhân từ 11 triệu đồng lên khoảng 13 triệu đồng hoặc cao hơn. Bên cạnh đó, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh từ mức 4,4 triệu đồng lên khoảng 5,5 triệu đồng (hoặc mức cao hơn) để phù hợp hơn với thu nhập thực tế sau 7 năm thực hiện Luật Nhà ở 2014. Việc này sẽ tạo điều kiện cho người thu nhập thấp được hưởng các chính sách để mua nhà ở xã hội.
Về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, Luật Thuế thu nhập cá nhân đến nay đã có nhiều bất cập. Bởi, quy định chỉ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi chỉ số tăng giá CPI tăng từ 20% trở lên mà liên tục trong 5 năm gần đây, Chính phủ điều hành chỉ số CPI chỉ tăng dưới 4%. Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không còn phù hợp với thực tế nữa. Bên cạnh đó, quy định mức thu nhập của người dân dưới 11 triệu đồng mới được mua nhà ở xã hội là quá thấp. Bởi thực tế chi phí tại các thành phố lớn hiện nay quá cao. Trong khi đó, giá nhà ở xã hội cũng ở mức khá cao. Nếu quy định mức lương như vậy chắc chắn người dân sẽ khó có thể tiếp cận được nhà ở xã hội.
Cùng quan điểm, Thạc sĩ Kinh tế Phạm Đình Đoàn cho rằng, để thai đổi được điều mua nhà ở xã hội thì cần phải thay đổi quy định về mức lương chịu thuế thu nhập cá nhân. Việc thay đổi này theo hướng tăng mức lương chịu thuế lên. Với chi phí sinh hoạt và hầu hết các chi phí khác đều leo thang thì mức dưới 11 triệu đồng không phải đóng thuế theo quy định tại Luật Thuế nhu nhập cá nhân dường như đã “lạc hậu”. Vì thế, quy định trên đang là rào cản cực lớn đối với người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội.