TP Hồ Chí Minh quyết tâm hoàn thành cơ bản dự án Vành đai 3 vào cuối 2025
BÀI LIÊN QUAN
Bất động sản Đồng Nai “nóng bỏng tay” nhờ “ăn theo” tuyến đường Vành đai 3Đề xuất hơn 24.000 tỷ đồng làm đường Vành đai 3 - TP.HCMTP Hồ Chí Minh đề xuất dành hơn 24.000 tỷ đồng làm đường Vành đai 3Tổng vốn đầu tư hơn 75.300 tỷ đồng
Theo VnExpress, tờ trình của Chính phủ, dự án đường Vành đai 3 TP Hồ CHí Minh có tổng độ dài là 76,3 km, quy mô 4 làn xe cao tốc, tốc độ thiết kế là 80 km/h. Đường song hành được thiết kế xây dựng từ 2 -3 làn xe. Dự kiến dự án sẽ được chia thành 8 dự án thành phần, tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công.
Tổng mức đầu tư sơ bộ cho dự án là khoảng 75.378 tỷ đồng. Trong đó, 61.056 tỷ đồng đầu tư cho giai đoạn từ 2021 - 2025. Còn đối với giai đoạn 2026 - 2030 cần 14.322 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương bố trí 7.361 tỷ đồng, ngân sách TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An bố trí 6.961 tỷ đồng.
Theo kế hoạch chuẩn bị dự án trong năm 2022, khởi công xây dựng vào năm 2023, cơ bản hoàn thành dự án năm 2025, năm 2026 hoàn thành toàn bộ dự án, năm 2027 quyết toán dự án.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, Thường trực Ủy ban nhất trí với sự cần thiết đầu tư dự án, song nhận định "khó bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành trong năm 2025". Cơ quan này đề nghị bổ sung khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, phân bổ nguồn lực để bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án.
Đối với các tuyến đường song hành, cơ quan thẩm tra lưu ý, tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ việc thu phí hay không. Do đó sẽ xảy ra 2 trường hợp.
Trường hợp 1, nếu thực hiện thu phí đường song hành thì người sử dụng dịch vụ đường Vành đai 3 sẽ phải trả phí cho tuyến đường song hành mà không sử dụng. Trong khi đó, người chỉ sử dụng đường song hành thì không phải trả phí. Đây là việc bất hợp lý, bởi việc tổ chức thu phí khép kín chỉ áp dụng đối với đường vành đai 3 và không thể áp dụng đối với các đường song hành (các đường đô thị không thể kiểm soát được lối ra, lối vào).
Trường hợp 2, chỉ thu phí với đường Vành đai 3 thì sẽ không thể xác định được phương án thu hồi vốn đầu tư của đoạn đường này do dự án được phân chia thành 8 dự án thành phần chưa rõ ràng chi phí đầu tư đoạn đường này.
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị tập trung bố trí vốn ngân sách trung ương cho đường vành đai 3 và bố trí vốn ngân sách địa phương cho các đường song hành để phù hợp với nhiệm vụ chi của các cấp.
Từ đó nghiên cứu phân chia dự án thành các dự án thành phần theo hướng đường vành đai 3, phân theo địa giới hành chính của từng địa phương. Còn đối với 2 tuyến đường song hành sẽ phân chia theo địa giới hành chính của từng địa phương. Việc này sẽ giúp đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư của từng dự án thành phần, có thể làm rõ nhiệm vụ chi ngân sách của các cấp và phương án thu hồi vốn đầu tư hoàn trả vào ngân sách.
Đề xuất cơ chế đặc thù
Tại phiên họp, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, đường Vành đai 3 là đường cao tốc đô thị nên vai trò đường song hành rất quan trọng. Ở giai đoạn 1, đường song hành chỉ bố trí ở khu vực dân cư, có nhu cầu kết nối phục vụ lưu thông, vỉa hè chỉ xây dựng ở đoạn có dân tại các quận Thủ Đức, Thuận An, Dĩ An, Củ Chi, đây là những nơi có đô thị hiện hữu.
“Rất mong không vì chúng ta ít tiền, khó khăn ngân sách mà tiết kiệm chỗ này. Mai mốt đầu tư có khi còn tốn kém, không phát huy được đồng bộ”, ông Mãi nêu.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng dự án đường Vành đai 3 có khối lượng công việc rất lớn, thời gian để thi công gấp, nếu áp dụng các quy định thông thường thì rất khó hoàn thành đúng tiến độ đặt ra. Do đó, để dự án sớm đưa vào sử dụng TP Hồ Chí Minh mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội cho áp dụng các cơ chế đặc thù đối với dự án đường Vành đai 3.
“Ở đây chúng tôi xin được áp dụng cơ chế đặc thù trong toàn bộ thời gian triển khai dự án đường vành đai 3 chứ không chỉ trong hai năm (2022-2023) như Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, ông Phan Văn Mãi nói.
Chủ tịch TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị cho chỉ định thầu các gói tư vấn, đặc biệt là tư vấn trong thống kê, bồi thường, giải phóng mặt bằng; gói xây lắp thì cơ bản đấu thầu để bảo đảm minh bạch, hạn chế tiêu cực. Ông Mãi nói: "Việc triển khai dự án trong thời gian tới là thách thức đối với TP Hồ Chí Minh và các địa phương. Chúng tôi tiếp tục chuẩn bị, quyết tâm hoàn thành cơ bản dự án vào cuối năm 2025 để hoàn thiện vào 2026".
Đối với đề xuất Chính phủ phát hành trái phiếu để cho các địa phương vay lại, TP Hồ Chí Minh cho rằng việc này là để không phải cân đối đầu tư công của trung hạn kỳ này. Do đó, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận các địa phương thực hiện việc này thì các tỉnh sẽ tuân thủ.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, vì dự án này rất cấp thiết. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu, giải trình thỏa đáng các ý kiến của cơ quan thẩm tra, đại biểu.
Về vấn đề phát hành trái phiếu, Chủ tịch Quốc hội khẳng định thực hiện theo quy định pháp luật. “Doanh nghiệp phát hành trái phiếu được sao chính quyền địa phương không làm được. Quá trình làm có gì khó khăn, vướng mắc, bộ, ngành tập trung tháo gỡ hoặc báo cáo Quốc hội, Thường vụ Quốc hội sau cũng không muộn. Nên làm như thế để hình thành thị trường vốn đồng khắp từ trung ương xuống địa phương...”, Chủ tịch Quốc hội kết luận.