TP. HCM: Đã có phương án “giải cứu” gần 9.000 hồ sơ đất đai “ách tắc”
BÀI LIÊN QUAN
HoREA: Tiếp tục sử dụng bảng giá đất cũ sẽ xử lý được hơn 8.800 hồ sơ đang tồn đọngTP. HCM: Lo bảng giá đất ảnh hưởng đến chi phí của các doanh nghiệp sản xuấtCục Thuế TP. HCM kiến nghị sớm ban hành bảng giá đấtĐây là thông tin được ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) cho biết trong nội dung tổng kết cuộc họp do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 10/9 về việc phối hợp xử lý vướng mắc của UBND TP. HCM liên quan đến việc áp dụng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024.
Theo đó, các đại biểu đã thống nhất phương án xử lý 8.808 hồ sơ đất đai tồn đọng dựa trên quan điểm, cơ quan thuế cần tuân thủ nguyên tắc pháp lý, áp dụng các quy định có hiệu lực tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ để xử lý các trường hợp cụ thể. Ngoài ra, sau khi nghe các góp ý, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cam kết sẽ tiếp thu ý kiến, nhanh chóng tổng hợp và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để nhận hướng dẫn tiếp theo.
Trước đó, vào ngày 30/8, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM đã gửi công văn khẩn tới Bộ Tài nguyên và Môi trường về những trở ngại khi áp dụng bảng giá đất theo quy định mới và cách thích ứng bảng giá hiện hành cho phù hợp với điều kiện của thành phố.
Do thiếu bảng giá đất điều chỉnh, trong tháng 8, TPHCM đã có gần 9.000 hồ sơ đất đai chưa được xử lý nghĩa vụ tài chính. Để có cơ sở pháp lý và xử lý kịp thời nghĩa vụ tài chính cho những hồ sơ này, Cục thuế TP. HCM đã kiến nghị UBND thành phố sớm ban hành bảng giá đất được điều chỉnh.
Liên quan đến bảng giá đất – nguyên nhân chính khiến lượng lớn hồ sơ bị “tắc”, TP.HCM đã báo cáo về việc Luật Đất đai cho phép UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất để phù hợp với tình hình thực tế địa phương, áp dụng cho giai đoạn từ 1/8/2024 đến 31/12/2025.
Trước ngày 1/8/2024, TP.HCM áp dụng bảng giá đất theo quyết định số 02/2020/QĐ-UBND, ban hành ngày 16/1/2020. Tuy nhiên, bảng giá đất này bị giới hạn bởi khung giá đất theo Nghị định 96/2019/NĐ-CP, và không phản ánh đúng giá đất thực tế tại địa phương.
Vì vậy, UBND thành phố đã phải ban hành hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để áp dụng cho các nhóm đối tượng, khu vực và mục đích sử dụng đất, nhằm xử lý các hồ sơ về nghĩa vụ tài chính, nhưng khi Luật Đất đai mới có hiệu lực đã bỏ hệ số K. Do vậy, UBND thành phố cần điều chỉnh bảng giá đất để phù hợp hơn với giá thị trường theo quy định tại luật hiện hành.
Dự thảo bảng giá đất chiều chỉnh của UBND TP. HCM đã được lấy ý kiến từ HĐND , các tổ chức xã hội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM, cũng như đã có đối thoại rộng rãi với các tổ chức và người dân sử dụng đất. Tuy nhiên, do chưa có bảng giá đất mới cho giai đoạn chuyển tiếp, các thủ tục hành chính và hồ sơ về đất đai của người dân tại TP.HCM đang gặp phải tình trạng chưa được giải quyết.
Đồng tình với quan điểm ban hành bảng giá đất điều chỉnh là cần thiết, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân khuyến nghị, thành phố phải cân nhắc, đánh giá bảng giá đất so với mặt bằng tại địa phương cũng như những tác động đối với các đối tượng, đảm bảo hài hòa lợi ích, không làm ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp.
Về đánh giá đối tượng tác động của bảng giá đất điều chỉnh, báo cáo với các đại biểu, Phó chủ tịch UBND TP. HCM Dương Ngọc Hải cho rằng thành phố rất thận trọng, đánh giá rất kỹ tác động, thực hiện đầy đủ quy định và đã được Ban thường vụ Thành ủy kết luận.
Bởi điều chỉnh bảng giá đất là vấn đề lớn, quan trọng, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội nên thành phố rất cần ý kiến góp ý của các bộ ngành, chuyên gia để tiếp thu, bảo đảm việc điều chỉnh không tác động, ảnh hưởng nhiều tới người dân, doanh nghiệp…