Toyota ngày càng yếu thế trong cuộc đua xe điện
BÀI LIÊN QUAN
Chủ tịch Toyota - ông Akio Toyoda: Tôi thấy mình thuộc thế hệ cũ khi nói đến số hóa, điện khí hóa và kết nốiChủ tịch thương hiệu Lexus trở thành tân CEO của ToyotaChung Euisun - vị ‘Chủ tịch kiểu mới’ giúp Hyundai trỗi dậy, vượt mặt cả ToyotaTheo FT, Toyota trong thời gian qua đã từng bước trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới thông qua việc liên tục cải tiến các phương tiện của mình. Mới đây, động thái tuyên bố từ chức CEO của ông Akio Toyoda - một thành viên trong gia tộc sáng lập thương hiệu Toyota - đã dấy lên nhiều cuộc tranh cãi. Đồng thời, vị lãnh đạo này cũng chia sẻ về “bước lùi” của mình rằng: “Tôi cần lùi lại để cho người trẻ có thể làm xe điện”. Thay thế vị trí CEO của ông Akio là ông Koji Sato, 53 tuổi - Chủ tịch của thương hiệu xe sang Lexus.
Điều đáng nói, trong khoảng 13 năm đảm nhiệm vị trí CEO, ông Akio đã phải lựa chọn giữa chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” cùng với duy trì con đường “chậm mà chắc” đã tạo nên sức mạnh cùng với tên tuổi cho hãng. Đương nhiên, ông Akio đã lựa chọn vế sau.
Liên quan đến vấn đề này, tờ Financial Times nhận định rằng Toyota lại đang có một khuyết điểm lớn, do họ đã quá tập trung vào việc cải tiến những mẫu xe truyền thống mà vô tình bỏ quên việc sản xuất xe điện.
Chính Toyota là người đã cho ra mắt sản phẩm Prius - mẫu xe lai xăng và điện (hybrid) sản xuất hàng loạt đầu tiên trên toàn thế giới. Giữa những năm 2000, công ty này đang đứng trên đỉnh hào quang nhờ việc phát triển động cơ hybrid Prius. Tuy nhiên giờ đây, điều này đã không còn nữa khi Toyota đang nắm vị trí bét bảng trong BXH các nhà sản xuất ô tô thân thiện với môi trường của Greenpeace.
Trong năm 2022, Toyota đã bán được tổng cộng 10,5 triệu chiếc xe trên toàn thế giới, nhưng trong số này chỉ có khoảng gần 25.000 xe điện. Có thể thấy, công ty đang dần tụt hậu so với những nhà sản xuất ô tô lớn khác như Tesla và BYD - công ty xe điện đáng gờm của Trung Quốc - khi xét về doanh số. Không những thế, Toyota còn đang lùi dần về phía sau trong việc sản xuất ô tô không khí thải, vốn là mục tiêu mà chính phủ Mỹ và nhiều nước phương Tây mong muốn có thể chuyển đổi dứt khoát trong thập kỷ tới hoặc lâu hơn.
Trong quá khứ, Toyota đã lần lượt vượt qua VW, Ford cùng với các nhà sản xuất khác. Vào những năm 1980, thương hiệu này nhờ sự chú trọng về chất lượng đã vượt qua được sự bất cẩn của Detroit, đồng thời biến những sản phẩm ô tô của Nhật Bản trở thành biểu tượng về sự tin cậy. Thời điểm hiện tại, nếu như người tiêu dùng mong muốn mua một chiếc xe chạy xăng hoặc hybrid tiết kiệm, mạnh mẽ, bền bỉ, Toyota vẫn là lựa chọn hàng đầu.
Ngày càng yếu thế trong cuộc đua xe điện?
Thông qua sự phát triển của mô hình xe lai hybrid (lai xăng và điện) Prius, Toyota đã vận hành vô cùng trơn tru. Năm 1997, việc đặt động cơ điện cạnh động cơ xăng được coi là một sự đổi mới triệt để trong bối cảnh Toyota tung ra mẫu xe đầu tiên tại Nhật Bản. Đến đầu năm 2009, có đến một nửa các xe hybrid được bán tại Mỹ là xe Prius.
Kể từ đó, doanh số của Prius cũng đã bắt đầu giảm mạnh nhưng các kỹ sư của Toyota vẫn tiếp tục nghiên cứu với nỗ lực cứu vớt dòng sản phẩm này. Nỗ lực cải tiến không chỉ dành riêng của Prius mà các mẫu xe khác như Corolla và Lexus cũng đã liên tục được cải tiến. Đến năm 2022, Toyota đã bán được tổng cộng 2,7 triệu xe hybrid trên toàn cầu.
Thế nhưng, con số này chưa đủ khiến Akio hài lòng. Năm 2020, ông từng cảnh báo rằng mô hình kinh doanh của ngành công nghiệp ô tô hiện tại sẽ sụp đổ trong bối cảnh nhiều Chính phủ cố gắng thực thi một cách quá nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện thuần túy. Tuy nhiên, dường như Toyota đã ngó lơ quá trình chuyển đổi này, trung thành với việc phát triển xe hybrid. Họ cho rằng, nguy cơ thiếu hụt lithium cần thiết để sản xuất pin lithium-ion dành cho xe điện ngày càng cao, đây là lý do không nên chạy theo xe thuần điện.
Theo ông Gill Pratt, nhà khoa học trưởng của Toyota, việc đưa nhiều lithium vào pin xe thuần điện mà người sử dụng chỉ dành cho những quãng đường di chuyển ngắn ngủi là vô cùng lãng phí. Lượng pin này có thể được chia ra và sử dụng cho nhiều chiếc xe hybrid khác với kích thước pin nhỏ hơn, tiết kiệm đáng kể trong bối cảnh thế giới đang khan hiếm loại tài nguyên này.
Tuy nhiên, điều này chỉ đúng trong bối cảnh thiếu hụt lithium trở nên tồi tệ. Đồng thời, thế mạnh của Toyota về xe hybrid cùng với điểm yếu về xe điện thuần túy đang tạo ra sự hoài nghi đối với chiến lược này.
Hiện nay, Toyota đang có sự thay đổi, cố gắng để bắt kịp. Vào năm 2030, hãng dự định sẽ đầu tư 35 tỷ USD vào quá trình chuyển đổi điện và bán 3,5 triệu xe điện. Mới tuần trước, công ty cũng thừa nhận về sự cần thiết để tăng tốc phát triển xe điện.
Đối với Toyota, bây giờ vẫn chưa phải quá muộn. Nguyên nhân bởi, xe điện thuần túy mới chỉ chiếm khoảng 10% doanh số bán ô tô mới trong năm 2022. Chỉ có EU và Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy dòng xe này trong khi những khu vực khác trên thế giới vẫn còn tụt lại ở phía sau. Chưa kể, Toyota còn có thế mạnh về pin khi đã bắt đầu nghiên cứu công nghệ này dành cho Prius từ 3 thập kỷ trước. Lịch sử cũng chứng minh, Toyota có thể đạt được nhiều tiến bộ đáng kể nếu họ quyết định bắt đầu. Ngay bây giờ, họ cần phải làm điều đó với xe điện.