Qatar đã mạnh tay chi tiền những hạng mục nào để phục vụ World Cup 2022?
Tám sân vận động mới và một hệ thống tàu điện ngầm trị giá 29,8 tỷ đô đã được xây dựng ở Qatar, một trong những quốc gia có chủ quyền nhỏ nhất thế giới cả về diện tích lẫn dân số, chỉ 3 triệu người, với không quá 300 ngàn là dân bản địa. Chưa bao giờ World Cup, với 32 đội bóng mạnh nhất hành tinh cùng hàng triệu du khách, bị nhồi nhét vào không gian nhỏ đến vậy.
Johannesburg (Nam Phi), với dân số gấp đôi Qatar, đã tổ chức 15 trận đấu tại Soccer City và Ellis Park ở kỳ World Cup 2010, trong khi Moscow (Nga) rộng lớn là địa điểm tổ chức hàng chục trận đấu tại Sân vận động Luzhniki và Sân vận động Otkritie hồi World Cup 2018. Vậy làm thế nào Doha và các khu vực xung quanh có thể là địa điểm của 64 trận đấu trong vòng 29 ngày?
Qatar đã tiêu tốn 200 tỷ đô cho ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, gấp 20 lần so với những gì Nga đã chi cho World Cup 2018, 55 lần so với World Cup 2010. Đó là số tiền khổng lồ, cao đến mức phi lý, thậm chí không tưởng.
Phần lớn số tiền được dành cho việc phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối giao thông quốc gia, trong đó lớn nhất là hệ thống tàu điện ngầm Doha. Ngoài tuyến Metro đồ sộ kết nối mọi nơi và 800 xe buýt điện luôn ở trạng thái sẵn sàng giúp người hâm mộ di chuyển từ điểm này đến điểm nọ, Qatar cũng xây hẳn một sân bay mới nhằm phục vụ World Cup 2022. Đó là sân bay Hamad, sở hữu một trong những đường băng dài nhất thế giới. Vì mức độ hoành tráng, bây giờ nó thay luôn Sân bay Quốc tế Doha, trở thành sân bay chính của Qatar.
Thế nhưng có vấn đề lớn đối với số lượng khách du lịch đổ về Qatar. Chỗ ở cho hàng triệu người là nỗi lo lắng hiện hưu. Doha và các khu vực xung quanh không có đủ năng lực để đối phó với viễn cảnh dân số tăng thêm một phần ba trong một tháng. Thêm nữa, Qatar không muốn bị mắc kẹt với tình trạng dư thừa cơ sở hạ tầng du lịch sau khi World Cup kết thúc. Vì vậy các nhà tổ chức không có lựa chọn nào khác ngoài việc sáng tạo.
Bên cạnh các khách sạn và chung cư mới xây, sẽ có ba tàu du lịch cập cảng Grand Terminal của Doha để đón hơn 10.000 người. Ngoài ra khu làng dành cho người hâm mộ cũng được xây dựng, với lều, cabin và một số địa điểm lưu trú di động khác. Chính điều này dẫn tới một lưu ý cho những ai muốn tới Qatar: chi phí sẽ không hề rẻ.
Qatar là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới, và điều đó được phản ánh qua giá khách sạn hạng sang được cung cấp cho World Cup. Nếu túi tiền rủng rỉnh, người hâm mộ có thể chi 4.950 đô cho một vé VIP xem trận đấu ở vòng bảng, nơi họ được thưởng thức đồ uống, bữa ăn sáu món và nhiều phương tiện giải trí ở phòng chờ. Sau đó trở về khách sạn và ngủ tại phòng Tổng thống với giá 26.000 đô/đêm, mức giá ưu đãi nếu thời gian lưu trú tối thiểu 30 đêm. Số tiền này tương đương 633 triệu VNĐ.
Dĩ nhiên đó là lựa chọn đặc biệt. Các khách sạn khác được niêm yết trên trang web chính thức của World Cup có mức giá rẻ hơn. Nó dao động từ 2.000 đô/đêm cho phòng thường đến 4.500 đô cho phòng cao cấp.
Mới đây 30.000 căn dạng homestay tại Doha cũng đã đi vào sử dụng. Giá thấp nhất 85 đô/đêm cho một căn phòng có giường đơn và tủ khóa. Ngoài ra, các căn sang trọng đắt tiền sẽ có giá 1.000 đô/đêm với vị trí nằm ngay cạnh Sân vận động Khalifa, nơi Anh chơi trận mở màn gặp Iran.
Một lựa chọn khác là lên những du thuyền sang cảnh neo đậu ở Cảng Doha. Du thuyền MSC World Europa năm sao có giá thấp nhất 350 đô/đêm còn MSC Poesia bốn sao, giá thấp nhất 180 đô/đêm. Các du thuyền đều có hồ bơi, khu spa, thậm chí cả sân tennis và bóng rổ.
Sue Holt, Giám đốc điều hành của Expat Sport, đại lý cung cấp gói dịch vụ World Cup, cho biết tại Qatar có một loạt chỗ ở “phù hợp với hầu hết ngân sách”. Nghĩa là World Cup dành cho tất cả mọi người, từ giới siêu giàu đến người hâm mộ bình dân.
Vì vậy làng cổ động viên được thiết lập dành riêng cho giải đấu. Đó là những cabin giống như container xếp hàng dãy ở khu đất trống. Mỗi cabin có thể chứa tối đa hai khách bên trong. Bên cạnh đó là 1.800 lều, mỗi lều có 2 giường đơn. Giá cả rơi vào khoảng 230 đô/đêm.
Rẻ hơn nữa là làng người hâm mộ Caravan City có giá 113 đô cho một đêm lưu trú. Ngôi làng này bao gồm những chiếc giường xếp, song được hỗ trợ WiFi, màn hình TV công cộng và chỉ cách sáu trong số tám sân vận động World Cup khoảng 20 phút đi xe.
Như đã nói, Qatar mang đến nhiều lựa chọn cho mọi loại khách hàng. Cũng là lều nhưng người hâm mộ có thể sử dụng hồ bơi trong khuôn viên, dịch vụ mát-xa, sàn tập yoga, phòng tập thể dục và được hỗ trợ 24/7 sẽ có giá 2.000 đô mỗi đêm.
Một lưu ý là giá cả kia chỉ dành cho 1 đêm lưu trú, trong khi người hâm mộ tới World Cup có xu hướng ở lại Qatar vài tuần, thậm chí hết giải đấu. Nghĩa là khi nhân lên, chi phí đội lên đáng kể, chưa kể các chi phí đắt đỏ khác như ăn uống hoặc di chuyển.
Nhân nói đến chuyện ăn uống, Qatar cấm đồ uống có cồn. Vì World Cup, quy định này được nới lỏng cho khách du lịch nhưng vẫn chỉ hạn chế trong một số không gian được cho phép. Ví dụ, tại khách sạn hoặc khu fanzone. Kéo theo đó là chi phí rất đắt, khoảng 100 đô cho mỗi du khách. Và trong trường hợp say xỉn nơi công cộng, người hâm mộ có thể bị phạt khoản tiền lớn hoặc ngồi tù.
World Cup 2022 hứa hẹn là một ngày hội hoành tráng và xa xỉ. Có lẽ nó cũng chỉ dành cho những người hâm mộ hào phóng.