Thị trường M&A bất động sản Việt Nam tiếp tục khởi sắc
Theo Tuổi Trẻ, dù thị trường vẫn đang suy thoái, nhưng Tập đoàn dịch vụ bất động sản toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL) (trụ sở tại Anh) cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng và đang thu hút được sự quan tâm từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư nước ngoài.
Gần đây, trên thị trường này chứng kiến sự sôi nổi của hoạt động M&A bất động sản với nhiều thương vụ lớn. Điều này phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư đối với nền kinh tế nói chung và thị trường địa ốc nói riêng.
Công ty nghiên cứu thị trường Real Capital Analytics cho biết, tổng doanh số của những thương vụ M&A BĐS được công bố chính thức tại Việt Nam đã đạt trên 1,5 tỷ USD trong năm 2022 - mức cao nhất kể từ năm 2018.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá trị giao dịch đạt hơn 500 triệu USD, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2019 (trước đại dịch Covid 19).
Đáng chú ý, Quỹ tín thác Thái Lan (SHREIT) đã hoàn thành các thương vụ bán khách sạn IBIS Sài Gòn South và khách sạn Capri by Frasers tại TP. HCM cho Công ty bất động sản LT Rubicon (trụ sở tại Anh) với giá gần 33 triệu USD vào tháng 6/2023.
Ở một thỏa thuận khác, Tập đoàn điều hành và quản lý bất động sản toàn cầu Keppel Land ký kết các thỏa thuận ràng buộc nhằm mua lại 49% cổ phần của Tập đoàn Khang Điền trong hai dự án khu dân cư liền kề tại thành phố Thủ Đức, tổng giá trị là 136 tỷ USD.
Theo nhận định của JLL, trong giai đoạn tăng trưởng cao năm 2014 - 2018, phần lớn các tài sản chất lượng cao vẫn thuộc về chủ đầu tư Việt Nam, nhờ vào năng lực phát triển đất đai, thực hiện dự án và bán hàng tốt. Điều này cản trở sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài khi phát triển ở những vùng đất mới.
Hiện tại, thị trường địa ốc có sự thay đổi chóng mặt, các chủ đầu tư nội địa buộc phải cơ cấu lại sản phẩm và danh mục đầu tư của mình. Động lực của họ ngày càng lớn và cởi mở hơn với nhiều cơ hội hợp tác với các nhà đầu tư ngoại.
Tuy nhiên, giá giao dịch lại không giảm mạnh như kỳ vọng, bất chấp khi môi trường lãi suất tăng cao và khả năng tiếp cận vốn vay bị thắt chặt. Trong một thập kỷ qua, chi phí mua và nắm giữ tài sản cao khiến cho các chủ đất không có được những cơ hội giảm giá đáng kể.
Trang Real Estate Asia đưa tin, trong thời gian tới, thị trường M&A BĐS có khả năng còn sôi động hơn vì hạn chế tài chính của các chủ đầu tư địa phương vẫn tồn tài. Hơn nữa, Việt Nam đang trong giai đoạn cải cách pháp lý với Luật Đất đai và Luật Nhà ở được sửa đổi, có hiệu lực vào năm 2024.