Thị trường chứng khoán Mỹ 4/4: Dow Jones tăng 327 điểm, cổ phiếu dầu khí "thăng hoa" sau quyết định bất ngờ của OPEC+
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán Mỹ 30/3: Tăng điểm nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng và công nghệ khởi sắcThị trường chứng khoán Mỹ 29/3: Đóng cửa trong sắc đỏ khi lợi suất trái phiếu tăngThị trường chứng khoán Mỹ 28/3: Dow Jones tăng 3 phiên liên tiếp, cổ phiếu nhiều ngân hàng hồi phụcTheo VnEconomy, thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ hai (4/3), với sự dẫn đầu của cổ phiếu năng lượng sau động thái giảm sản lượng bất ngờ của OPEC+ và bất chấp giá cổ phiếu của Tesla lao dốc sau khi lượng xe mà hãng này giao đến khách hàng trong quý 1/2023 khiến nhà đầu tư thất vọng.
Cụ thể, giá cổ phiếu Tesla đã giảm 6,1%, sau khi hãng xe điện do tỷ phú Elon Musk điều hành công bố cho thấy, lượng xe giao trong 3 tháng đầu năm chỉ tăng 4% so với quý trước đó, dù hãng đã mạnh tay giảm giá xe vào hồi tháng 1 để kích thích nhu cầu của người mua.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu năng lượng đã ghi nhận một phiên rực rỡ với mức tăng 4,9% của nhóm năng lượng trong chỉ số S&P 500, sau khi OPEC+ - Liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối bao gồm Nga, tuyên bố sẽ giảm sản lượng thêm gần 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày. Một số nhà phân tích cho rằng động thái của OPEC+ lần này có thể sẽ đẩy giá dầu lên mức 100 USD/thùng. Theo đó, các cổ phiếu như Chevron, Exxon Mobil và Occidental Petroleum đã đồng loạt tăng hơn 4%.
Tuy nhiên, triển vọng giá dầu tăng đã đẩy cao mối lo lạm phát ở Phố Wall, dù cho cách đây vài ngày, số liệu thống kê cho thấy lạm phát đã tăng chậm lại làm củng cố kỳ vọng của nhà đầu tư rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ sớm chấm dứt chiến dịch thắt chặt tiền tệ mạnh tay của mình.
Chiến lược gia trưởng Terry Sandven của US Bank Wealth Management nhận định về quyết định giảm sản lượng của OPEC+ có thể sẽ đặt ra trở ngại đối với cuộc chiến chống lạm phát. Và đó cũng là lý do vì sao tâm lý của thị trường đang nghiêng nhiều về phía thận trọng với rủi ro.
Phiên tăng điểm này của chỉ số Dow Jones có được một phần là nhờ cổ phiếu UnitedHealth Group tăng 4,6% sau khi các nhà chức trách phê chuẩn mức giá dịch cụ bảo hiểm y tế Medicare Advantage năm 2024 cao hơn đề xuất.
Việc các nhà đầu tư lo lắng về lạm phát đã cảm thấy dễ chịu phần nào khi các cuộc khảo sát của Viện Quản lý nguồn cung (ISM) và S&P Global cho thấy hoạt động sản xuất đã yếu đi trong tháng 3.
Đóng cửa, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 327 điểm, tương đương 0,98% và kết phiên ở mức 33.601 điểm. Đây cũng là phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp của chỉ số gồm 30 cổ phiếu blue chip này. S&P 500 cũng tăng 0,37% lên gần 4.125 điểm. Ở chiều ngược lại, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,27% và đóng cửa ở 12.189 điểm.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2023 tại Phố Wall đang đến gần, các ngân hàng lớn sẽ là những doanh nghiệp đầu tiên công bố báo cáo. Đây sẽ là chi tiết về tình hình sức khỏe của hệ thống ngân hàng Mỹ nói chung sau vụ sụp đổ của 3 ngân hàng khu vực nước này trong thời gian gần đây.
Đưa ra nhận định về triển vọng của giá cổ phiếu sau động thái giảm sản lượng dầu của OPEC+, chiến lược gia Mona Mahajan của Edward Jones cho biết, nhiều khả năng thị trường sẽ không phản ánh rủi ro suy thoái thêm lần thứ 2 sau đợt thị trường đầu cơ giá xuống tương đối nghiêm trọng trong năm 2022. Nếu có biến động, đây sẽ là một sự điều chỉnh "bình thường" khoảng 5-10% trong nửa sau của năm.
"Chúng tôi tin là thị trường đang bước vào một thời kỳ điều chỉnh, có thể sẽ có những biến động", bà Mahajan nói. Ngoài ra, nhà chiến lược cho rằng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết, kỳ vọng của thị trường với chính sách của Fed và dòng chảy tín dụng chậm lại do cuộc khủng hoảng ngân hàng là 3 trở ngại đối với thị trường chứng khoán thời gian tới.
Giá dầu tăng mạnh nhất 1 năm
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 6,31%, chốt phiên ở 84,93 USD/thùng. Đây cũng là phiên tăng mạnh nhất của dầu Brent kể từ ngày 21/3/2022.
Giá dầu thô WTI giao sau ở thị trường New York tăng 6,28 USD/thùng, chốt ở mức 80,42 USD/thùng. Đây là phiên tăng giá mạnh nhất của loại dầu này kể từ ngày 14/4/2022.
Theo Saudi Arabia cho biết, kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu mới nhất của OPEC+ sẽ bắt đầu được thực hiện kể từ tháng 5 cho đến hết năm 2023.
Nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets cho rằng kế hoạch giảm sản lượng của OPEC+ có thể sẽ đẩy giá dầu lên mức 100 USD/thùng một lần nữa, xét tới việc Trung Quốc mở cửa trở lại và Nga đơn phương giảm sản lượng.
Chủ tịch Bob McNally của Rapidan Energy Group cho rằng OPEC+ muốn tránh sự sụt giảm chóng mặt của giá đầu như thời điểm năm 2008, khi giá dầu lao dốc từ mức 140 USD/thùng về 35 USD/thùng chỉ trong vòng 6 tháng.
Một số nhà phân tích nhận định rằng quyết định giảm sản lượng mới nhất này của OPEC+ sẽ ảnh hưởng lớn hơn so với quyết định giảm 2 triệu thùng/ngày mà nhóm này đưa ra vào hồi tháng 10 năm trước.
Theo nhà sáng lập Amrita Sen của Energy Aspects, phần lớn kế hoạch cắt giảm này sẽ được thực thi bởi các quốc gia đang khai thác hoặc hơn hạn ngạch được phân bổ, nên mức giảm thực tế sẽ lớn hơn so với kế hoạch trước đó. Vị chuyên gia cũng dự báo giá dầu sẽ tăng lên 100 USD/thùng.
Đồng quan điểm, một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs cũng cho rằng, khách với hồi tháng 10, xung lực của giá dầu hiện nay tăng chứ không giảm bởi Trung Quốc đang phục hồi mạnh. Goldman Sachs nâng dự báo giá dầu Brent vào tháng 12/2023 sẽ tăng thêm 5 USD/thùng lên 95 USD/thùng.