Thị trường chứng khoán Mỹ 29/3: Đóng cửa trong sắc đỏ khi lợi suất trái phiếu tăng
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán Mỹ 24/3: Tăng điểm sau phiên biến động mạnhThị trường chứng khoán Mỹ 23/3: Dow Jones lao dốc 530 điểm, chứng khoán Mỹ "đỏ lửa" sau phát biểu của Chủ tịch FedThị trường chứng khoán Mỹ 22/3: Tăng điểm mạnh trước khi Fed công bố lãi suấtGiảm điểm vì lợi suất trái phiếu tăng
Theo VnEconomy, thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ ba (28/3), sau khi lợi suất trái phiếu kho bạc tăng lên do nhà đầu tư lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên mức cao hơn trong thời gian dài hơn. Trong khi đó, nỗi lo về cuộc khủng hoảng ngân hàng lắng xuống đã giúp giá dầu có thêm một phiên tăng.
Giá dầu tăng đã giúp cổ phiếu năng lượng đóng vai trò là một trong những trụ đỡ của thị trường chứng khoán trong phiên này.
Trước đó, chứng khoán Mỹ đã ghi nhận phiên tăng điểm trong ngày thứ Hai, sau khi nhà đầu tư vững tâm hơn nhờ việc không có dấu hiệu bất ổn nào mới từ hệ thống ngân hàng. Việc phần lớn tài sản của Silicon Valley Bank (SVB) được một ngân hàng khác mua lại cũng giúp cải thiện tâm lý thị trường.
Sau những tuần biến động trong hệ thống ngân hàng với sự sụp đổ của SVC và một nhà băng của Mỹ khác là Signature Bank, tiếp đến là vụ giải cứu ngân hàng Credit Suisse ở Thuỵ Sĩ, các nghị sỹ Mỹ đã chất vấn các quan chức giám sát ngân hàng cấp cao nhất ở Mỹ trong một phiên điều trần diễn ra ở Capitol Hill, Washington DC vào ngày thứ Ba.
Trả lời trước ủy ban Thượng viện, ông Michael Barr, quan chức giám sát ngân hàng cấp cao nhất thuộc Fed nói rằng, SVB đã “làm quá tệ” công tác quản lý rủi ro trước khi rơi vào cảnh "sập tiệm". Đánh giá này như một lời biện hộ cho nhà chức trách trước cáo buộc của các nghị sĩ cho rằng cơ quan giám sát đã bỏ qua các tín hiệu cảnh báo.
Chiến lược gia Iren Tunkel thuộc BCA Research nhận định, nội dung của cuộc điều trần đã cho thấy vấn đề của SVB có thể chỉ là riêng biệt, nên tâm điểm chú ý của nhà đầu tư đã chuyển sang vấn đề tăng lãi suất.
Vị chiến lược gia cho rằng, nếu SVB đổ vỡ chỉ là do đội ngũ quản lý không tốt, nhà chức trách có thể ngăn cản việc rút tiền xảy ra ồ ạt ở các ngân hàng khác. Bà cũng cho rằng, nếu thị trường nghĩ cuộc khủng hoảng ngân hàng đã qua, nhà đầu tư sẽ cho rằng Fed có thể tiếp tục chiến dịch chống lạm phát.
"Ông Barr đã trấn an thị trường rằng Fed chưa hề gây ra sự đổ vỡ nào, và điều này có nghĩa là lãi suất có thể tăng lên cao hơn", bà Tunkel nhận định.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite rớt 0,45% và đóng cửa ở 11.716 điểm. Đây cũng là phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp của chri số này. Tương tự, các chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và S&P 500 cũng lần lượt mất 0,12% và 0,16%.
Thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm trong phiên ngày thứ ba, với chỉ số MSCI All-World tăng 0,19% nhờ thị trường mới nổi có thêm 0,73%. Trong khi đó, chứng khoán châu Âu giảm nhẹ, cụ thể chỉ số Stoxx 600 mất 0,06% điểm số.
Phản ánh kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm đã tăng vượt ngưỡng 45, qua đó gây áp lực giảm lên giá cổ phiếu, đặc biệt đối với cổ phiếu công nghệ. Việc lãi suất tăng đã khiến lợi nhuận trong tương lai, đặc biệt là lợi nhuận hứa hẹn của các công ty trở nên kém hấp dẫn hơn.
Nhận định với hãng tin CNBC, chiến lược gia Brian Levitt của Invesco cho biết, đây là ngày thứ 2 liên tiếp lợi suất tăng. Thị trường hiện đang bị dẫn dắt bởi những nhóm ngành có mức độ nhạy cảm kinh tế lớn hơn như năng lượng và công nghệ. Vị chuyên gia cho rằng, cổ phiếu công nghệ bị yếu bởi đây là nhóm bị ảnh hưởng xấu khi lãi suất tăng. Thời điểm hiện tại, có vẻ như nhà đầu tư đang nhìn xa hơn những thách thức trong hệ thống tài chính và nhận thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn vững vàng.
Những lo ngại về cuộc khủng hoảng tại các ngân hàng ở Mỹ đã được xoa dịu, một phần nhờ vào các nỗ lực của những nhà hoạch định chính sách. Một lần nữa, nỗi sợ của nhà đầu tư về nguy cơ suy thoái bởi lãi suất cao lại trở thành trọng tâm chính.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu ngân hàng đi xuống trong phiên giao dịch ngày 28/3 sau một cuộc điều trần căng thẳng ở Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ. Cả 3 cơ quan quản lý hàng đầu đều tuyên bố ủng hộ việc thắt chặt quy định đối với những ngân hàng có tài sản trên 100 tỷ USD. Theo đó, cổ phiếu First Republic giảm 2,3%, Wells Fargo giảm 0,8%, Bank of America cũng đi xuống 1,3%.
Đối với cổ phiếu của hai ngân hàng sụp đổ gần đây là SVB Financial (công ty mẹ của Silicon Valley Bank) và Signature Bank bắt đầu được giao dịch trở lại trên thị trường phi tập trung. Trước đó, vào ngày 9/2, SVB đã được mua bán với giá 106 USD/cp, hiện chỉ còn 0,27 USD/cp. Tương tự, cổ phiếu của Signature Bank cũng rơi từ mức khoảng 70 USD xuống còn 0,1 USD/cp.
Ngày 17/3 vừa qua, SVB Financial đã nộp đơn xin bảo hộ tài sản. First Citizens BancShares đã đồng ý mua lại khoảng 72 tỷ USD tiền gửi tại SVB.
Giá dầu đi lên
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,7%, chốt ở 78,65 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,5%, chốt ở 73,2 USD/thùng.
Giá dầu đã tăng hơn 3 USD/thùng trong phiên thứ Hai do lo ngại về nguồn cung sau khi xuất khẩu dầu thô từ vùng người Kurd ở Iraq bị dừng lại. Cuộc khủng hoảng ngân hàng đã dịu đi và kỳ vọng vào sự khởi sắc của nhu cầu ở Trung Quốc đang là những yếu tố hỗ trợ giá dầu. Dù vậy, lãi suất tăng và rủi ro suy thoái cũng là những nguồn áp lực mất giá đối với loại "vàng đen" này.