Thị trường chứng khoán Mỹ 22/3: Tăng điểm mạnh trước khi Fed công bố lãi suất
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán Mỹ 17/3: Tăng điểm mạnh sau khi First Republic Bank và Credit Suisse Bank được giải cứuThị trường chứng khoán Mỹ 16/3: Đồng loạt lao dốc vì cổ phiếu Credit Suisse bị bán tháoThị trường chứng khoán Mỹ 15/3: Đồng loạt tăng điểm sau báo cáo lạm phát Mỹ, cổ phiếu ngân hàng phục hồiTheo VnEconomy, thị trường chứng khoán Mỹ và các khu vực khác đồng loạt tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (21/3, theo giờ Mỹ), sau khi nỗi lo của các nhà đầu tư về cuộc khủng hoảng ngân hàng đã dịu bớt và họ đang hướng sự chú ý đến cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - cuộc họp mà được cho là Fed sẽ tăng lãi suất với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm. Phục hồi theo giá cổ phiếu, giá dầu thô cũng ghi nhận một phiên "xanh".
Đóng cửa phiên giao dịch, cả ba chỉ số chính đo lường giá cổ phiếu ở Phố Wall cùng xanh rực. Trong đó, nhóm cổ phiếu năng lượng, tiêu dùng không thiết yếu và tài chính là những nhóm tăng mạnh nhất phiên hôm nay.
Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 316 điểm, tương đương 0,98%, đóng cửa ở mức gần 32.561 điểm. S&P 500 ghi nhận mức tăng 1,3% và lấy lại mốc 4.000 điểm lần đầu tiên kể từ ngày 6/3. Tương tự, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,58% lên 11.860 điểm.
Vụ giải cứu First Republic Bank, một ngân hàng của khu vực Mỹ và vụ thâu tóm Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ là hai sự kiện lớn diễn ra trong tuần vừa qua. những diễn biến này tiếp nối các vụ sụp đổ liên tiếp của 3 ngân hàng Mỹ bao gồm Silvergate Bank, Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank trong tuần trước đã dẫn đến những phiên bán tháo dữ dội cổ phiếu ngân hàng, đồng thời làm thổi bùng nỗi lo về một cuộc khủng hoảng tài chính. Trước bối cảnh đó, mối lo về việc xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế càng lớn hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, cổ phiếu ngân hàng đã bật tăng trở lại trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, tiếp nối sự phục hồi của phiên ngày thứ Hai. Dù vậy, chỉ số S&P Banks đo lường giá cổ phiếu ngành ngân hàng thuộc chỉ số S&P 500 đã giảm hơn 18% chỉ trong tháng 3 này.
Chỉ số S&P Bank và chỉ số đo giá cổ phiếu ngân hàng khu vực Mỹ KBW Regional Banking tăng lần lượt 3,6% và 4,8% trong phiên ngày thứ Ba, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ cuối năm ngoái.
Phó chủ tịch cấp cao Oliver Pursche của Wealthspire Advisors cho rằng, thị trường chứng khoán đang nhận thấy cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ không biến thành một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn và chỉ giới hạn ở một vài ngân hàng. Cả khu vực công lẫn tư nhân đều đã chứng tỏ được năng lực ngăn ngừa rủi ro lây lan cũng như giúp các định chế tài chính yếu đứng vững.
Trong bài phát biểu trước Hiệp hội Các nhà ngân hàng Mỹ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen cho biết, hệ thống ngân hàng Mỹ đã ổn định trở lại nhờ các biện pháp quyết đoán của cơ quan chức năng, nhưng cảnh báo có thể vẫn phải thêm hành động nếu cần thiết.
Sau khi vụ sụp đổ của Signature và Silicon Valley Bank, Bộ Tài chính cùng với Fed và Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã tuyên bố đảm bảo 100% tiền gửi của các khách hàng, mặc dù đa số tiền gửi vượt quá ngưỡng bảo hiểm 250.000 USD.
Tuy nhiên, bà Yellen phát biểu hôm 21/3 rằng những việc làm trên không tập trung vào hỗ trợ một số ngân hàng cụ thể nào, mà sự can thiệp này là cần thiết để bảo vệ toàn bộ hệ thống ngân hàng. “Các hành động tương tự có thể sẽ cần được thực hiện nếu các định chế tài chính nhỏ bị rút tiền hàng loạt và tạo ra rủi ro lây truyền”, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói.
Trong 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 8 nhóm chốt phiên trong trạng thái tăng, dẫn đầu là nhóm năng lượng nhờ được thúc đẩy bởi phiên tăng giá của dầu thô.
Cổ phiếu First Republic Bank tăng 29,5%, qua đó đánh dấu phiên tăng mạnh nhất từ trước đến nay, sau khi CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase dẫn đầu cuộc đàm phán với các ngân hàng lớn khác về việc đầu tư vào First Republic.
Tại thị trường khu vực châu Âu, cổ phiếu ngân hàng cũng ghi nhận một phiên tăng mạnh, với mức tăng 3,8%, đưa chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán khu vực này chốt phiên tăng 1,3%.
Tâm điểm chú ý của giới đầu tư hiện tại đang hướng sang Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào rạng sáng mai theo giờ Việt Nam. Tại cuộc họp chính sách lần này, Fed sẽ cập nhật các dự báo kinh tế và có thể tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát.
Ông Pursche nhận định rằng Fed sẽ tăng lãi suất 25 điểm phần trăm và thị trường và thị trường sẽ không quá bận tâm về việc đó. Vị chuyên gia cho rằng, điều khiến nhà đầu tư quan tâm lúc này là những gì mà Chủ tịch Fed Jerome Powell nói về nền kinh tế cũng như lạm phát, và việc liệu ông có thể thuyết phục công chúng rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng chủ là do quản trị kém của một số ngân hàng mà thôi.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường tài chính hiện tại đang đặt cược 83,4% khả năng Fed tăng lãi suất 25 điểm phần trăm 16,6% Fed giữ nguyên lãi suất.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,7 USD/thùng, tương đương tăng 0,95%, chốt phiên ở mức 74,49 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,81 USD/thùng, tương đương tăng 1,2%, chốt ở 68,45 USD/thùng.
Trên thị trường tiền điện tử, giá Bitcoin vững giá trên mốc 28.000 USD, đồng tiền ảo giá trị lớn nhất này đã tăng hơn 14% trong 1 tuần qua. Tổng vốn hoá của thị trường tiền mã hóa toàn cầu đang ở mức gần 1,2 nghìn tỷ USD, trong đó Bitcoin chiếm hơn 46% - theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com.