Thị trường chứng khoán hôm nay 8/2: Cổ phiếu thép tỏa sáng, VN-Index trở lại với sắc xanh
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 6/2: Cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt chỉ số, VN-Index có thêm 12 điểm dù thanh khoản "teo tóp"Thị trường chứng khoán hôm nay 3/2: Cổ phiếu bluechip gây sức ép, VN-Index quay đầu giảm nhẹThị trường chứng khoán hôm nay (2/2): Biến động khó lường, VN-Index tăng gần 2 điểmCổ phiếu thép bùng nổ, VN-Index phục hồi 6 điểm
Theo Tin nhanh chứng khoán, trong phiên giao dịch sáng, sau nửa đầu phiên giao dịch tích cực, lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên đã kéo hàng loạt mã quay đầu giảm giá, sắc đỏ chiếm áp đảo bảng điện tử. Chỉ số VN-Index chỉ thoát hiểm nhờ sự gồng gánh của VCB cùng sự trợ lực của một số mã bluechip khác như BID, SAB, GAS.
Các nhóm cổ phiếu có sự phân hóa, dù vậy sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế, đơn cử như nhóm chứng khoán chỉ còn 1 mã xanh duy nhất tại APG, hay nhóm thép chỉ có 3 mã tăng, trong đó có mã đầu ngành HPG, nhưng đà tăng chỉ khiêm tốn, dưới 1%. Một số mã đáng chú ý khác như HSG và NKG giảm mạnh nhất nhóm.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi 180 độ trong phiên chiều khi lực cầu đột ngột gia tăng mạnh vào nhóm cổ phiếu thép đã kéo các mã lần lượt đảo chiều tăng giá, trong đó, HPG, HSG, NKG được kéo lên mức giá trần.
Sau đó, lực cầu đã lan tỏa ra nhiều nhóm ngành khác như ngân hàng, chứng khoán, kéo theo nhiều mã đảo chiều và VN-Index cũng bứt phá lên sau khi chớm đỏ trong ít phút đầu phiên chiều. Thậm chí, chỉ số này được kéo thẳng qua ngưỡng kháng cự MA20, lên sát mốc 1.080 điểm.
Chốt phiên, chỉ số VN-Index tăng 6,38 điểm (+0,6%), lên 1.072,22 điểm với 210 mã tăng, trong khi chỉ còn 188 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 569,3 triệu đơn vị, giá trị 10.010 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 89 triệu đơn vị, giá trị 1.910,7 tỷ đồng.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,62 điểm (+0,29%), lên 210,62 điểm với 92 mã tăng và 69 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 62 triệu đơn vị, giá trị 881,9 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
UPCoM-Index tăng 0,89 điểm (+1,18%), lên 76,43 điểm với 127 mã tăng và 114 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 25,9 triệu đơn vị, giá trị 334,5 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên giao dịch hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,5 triệu đơn vị, giá trị 14,3 tỷ đồng.
Xét theo từng nhóm ngành, cổ phiếu ngân hàng diễn biến tương đối khả quan, trong đó, VCB tăng 2,39%, BID tăng 1,6%, CTG tăng 2,4%, TCB tăng 1,64%, HDB tăng 1,67%, LPB tăng 2,58%... Chỉ có số ít cổ phiếu ghi nhận sắc đỏ như STB giảm 2,91%, EIB giảm 2,2%, OCB giảm 2,69%.
Cổ phiếu chứng khoán giao dịch khá tích cực có thể kể đến như SSI tăng 2,36%, VND tăng 1,74%, VCI tăng 2,94%, HCM tăng 3,65%, VIX tăng 1,5%, FTS tăng 2,14%, CTS tăng 2,22%.
Những khó khăn trong cuộc họp về tín dụng bất động sản đã không có giải pháp cụ thể. Do đó, nhóm bất động sản phiên hôm nay bị rớt lại phía sau trên thị trường, dù giá có phần cải thiện hơn so với phiên sáng.
Phần lớn các mã vốn hóa lớn của nhóm này đều giảm trong phiên hôm nay. Bất chấp việc nhóm này ghi nhận tới 36 mã cổ phiếu tăng giá, 16 mã đứng giá, chỉ có 28 mã giảm giá và 1 mã giảm sàn. Cụ thể, NVL giảm 2,05%; NLG giảm 2,53%, DXG giảm 1,57%, PDR giảm 3,52%, KHG giảm 2,56%, HDG giảm 1,54%, VIC giảm 1,09%, VHM giảm 0,43%, VRE giảm 0,18%...
Điểm sáng trong phiên hôm nay phải kể đến nhóm cổ phiếu thép. Các mã HPG, HSG, KKC, NKG và VGS đều ghi nhận sắc xanh tăng mạnh từ 5% - 6.5% nhờ giá thép trong nước hôm nay tiếp tục diễn biến tăng giá mạnh.
Các nhóm cổ phiếu bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, cao su, xây dựng,... ghi nhận phiên phân hóa.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng 400 tỷ đồng
Về giao dịch khối ngoại, họ tiếp tục mua ròng phiên thứ 6 liên tiếp với tổng giá trị lên đến 400 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Tại chiều mua, STB là mã được mua ròng mạnh nhất với giá trị 204 tỷ đồng. Bên cạnh đó, xếp tiếp theo trong danh sách mua ròng mạnh trên HoSE là HPG với 159 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng DPM, SSI, HCM với giá trị lần lượt là 52, 25 và 24 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VHM chịu áp lực bán ròng mạnh nhất của nhà đầu tư ngoại với giá trị 118 tỷ đồng. Theo sau đó là VNM và VIC bị bán khoảng 25 tỷ và 18 đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng giá trị khoảng 16 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại giải ngân mạnh nhất IDC với 8 tỷ đồng, xếp sau đó là PVS với 7 tỷ đồng. Ngược lại, HUT bị bán ròng khoảng 1 tỷ đồng, PVI, TNG, PLC,... cũng bị bán ròng, nhưng giá trị không đáng kể.
Trên UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhẹ 2 tỷ đồng. Tại chiều mua, QNS là mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 3 tỷ đồng, ngoài ra, khối này cũng mua ròng BSR và MML mỗi mã 1 tỷ đồng. Tại chiều bán, ACV bị bán mạnh khoảng 3 tỷ đồng. Xếp vị trí tiếp theo trong danh sách bán ròng trên sàn này còn có VEA, SKH, SIP, MCH,... bị bán ròng với giá trị 200-300 triệu mỗi cổ phiếu.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai của chỉ số VN30 đều tăng, trong đó 2 hợp đồng đáo hạn tháng 2 và tháng 3 tăng mạnh hơn VN30. Cụ thể, VN30-Index tăng 3,88 điểm (+0,36%), lên 1.073,38 điểm, còn hợp đồng đáo hạn tháng 2 tăng 4,7 điểm (+0,44%), lên 1.072 điểm với 289.877 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở 52.776 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, thanh khoản phiên hôm nay tăng khá tốt với 8 mã ghi nhận thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó, CTCB2213 do HSC phát hành có thanh khoản tốt nhất với 4,06 triệu đơn vị, tuy nhiên đóng cửa ở mức tham chiếu 20 đồng. Trong khi đó, mã có mức giảm mạnh nhất trong nhóm thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là CMWG2212 do SSI phát hành với mức giảm 25% xuống 30 đồng.