Thị trường chứng khoán hôm nay 18/3: VN-Index nối dài chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 17/3: VN-Index yên bình trong ngày đáo hạn phái sinhThị trường chứng khoán hôm nay 16/3: VN-Index tăng phiên thứ 2 liên tiếp giữa lúc thanh khoản trầm lắngThị trường chứng khoán hôm nay 15/3: Nhiều cổ phiếu hồi phục mạnh, VN-Index tăng hơn 6 điểmVN-Index chưa thể chạm mốc 1.470 điểm
Thị trường đã có phiên giao dịch sáng cuối tuần khá tích cực. Bên cạnh thanh khoản cải thiện, nhóm cổ phiếu bluechip có những tín hiệu tích cực cùng sự trở lại của các nhóm ngành như thép, dầu khí, phân bón…, đã giúp VN-Index vượt ngưỡng kháng cự 1.470 điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, đà tăng của thị trường vẫn duy trì khá ổn định nhờ dòng tiền tham gia sôi động giúp thanh khoản cả phiên cải thiện tích cực so với 2 phiên trước. Tiếc rằng áp lực bán gia tăng trong đợt khớp lệnh ATC đã khiến thị trường hạ độ cao và VN-Index không giữ được mức giá cao nhất trong ngày.
Kết thúc ngày giao dịch hôm nay, VN-Index tăng tiếp 7,76 điểm (0,53%) lên vùng trên 1.469 điểm. Sàn có 228 mã tăng và 195 mã giảm giá.
Như vậy chỉ số đại diện sàn HoSE đã tăng gần 23 điểm (gần 1,6%) trong 4 phiên vừa qua. Tuy nhiên do mức giảm lớn trên 20 điểm phiên đầu tuần nên chỉ số nhìn chung chỉ nhích nhẹ trong xu hướng đi ngang.
Sàn HNX có 125 mã tăng và 110 mã giảm, HNX-Index tăng 5,04 điểm (+1,13%) lên 451,21 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 111 triệu đơn vị, giá trị 3.165,43 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 19 triệu đơn vị, giá trị 784,95 tỷ đồng.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,1 điểm (+0,09%) lên 116,04 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 100,98 triệu đơn vị, giá trị 1.324,21 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,84 triệu đơn vị, giá trị 121,25 tỷ đồng.
Chỉ số đi lên chủ yếu nhờ lực kéo của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Rổ VN30 hôm nay tăng hơn 7 điểm (0,48%) với 18/30 mã tăng giá, trong đó có nhiều mã tăng giá đến 2-3%.
Nhiều nhóm cổ phiếu hàng hóa tăng trở lại
Thanh khoản đã gia tăng đáng kể trong phiên chiều nhờ hoạt động mua bán mạnh của các quỹ ETF trong kỳ tái cơ cấu. Dĩ nhiên khi cung cầu thay đổi đột ngột, nhiều cổ phiếu cũng xuất hiện biến động giá mạnh. Tuy vậy điều quan trọng hơn cả vẫn là dòng tiền vào nhiều hơn.
Đi sâu vào từng nhóm ngành, cổ phiếu ngân hàng phân hóa khi VCB tăng 1,45%, BID tăng 0,92%, TCB tăng 0,41%, CTG tăng 0,31%...; ngược lại, VPB giảm 0,55%, MBB giảm 0,47%, SHB giảm 2,04%, EIB giảm 2,31%...; ACB và OCB đứng giá tham chiếu.
Cổ phiếu chứng khoán giao dịch ảm đạm khi SSI đứng giá tham chiếu, VCI giảm 0,68%, HCM giảm 0,28%, VND giảm 0,47% trong khi VIX tăng 3,87%, FTS tăng 0,97%.
Phân hóa cũng là tình trạng xảy ra ở cổ phiếu bất động sản. Hàng loạt cổ phiếu lớn ghi nhận sắc xanh như VHM tăng 0,81%, VIC tăng 0,51%, NVL tăng 0,65%, BCM tăng 2,7%, VRE tăng 2,33%, DIG tăng 3,71%. Trái lại, PDR giảm 1,62%, KDH giảm 0,78%, NLG giảm 0,53%, VPI giảm 2,11%...
Ở nhóm sản xuất, cổ phiếu HPG của Hòa Phát cũng gây chú ý khi tăng giá 1,2% lên 46.500 đồng. Hôm qua tập đoàn thông báo đã ký kết hợp đồng với 8 ngân hàng lớn để thu xếp khoản hợp vốn tín dụng 35.000 tỷ đồng cho dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2.
Hay như GAS của PV Gas tăng 2,7% đạt 108.900 đồng nhờ hưởng lợi từ việc giá dầu thế giới phục hồi mạnh. Ngoài ra nhiều mã dầu khí khác cũng bứt phá như PXS tăng trần, PXT tăng 4,4%, PVD tăng 3,2% hay BSR có thêm 3,1%...
Không chỉ nhóm vốn hóa lớn mà nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ cũng có đà tăng tốt. Đơn cử như FLC giao dịch với khối lượng nhiều nhất thị trường đạt gần 43 triệu cổ phiếu và thị giá tăng 2,6% lên 14.000 đồng. ROS cùng nhóm cũng tăng giá 1,4% với hơn 30 triệu cổ phiếu được sang tay. Hay như DAG và OGC dư mua trần khối lượng lớn.
Tại thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ ngày hôm qua cũng tăng điểm phiên thứ 3 liên tiếp. Dow Jones tăng gần 418 điểm (1,23%) để kết phiên ở 34.481 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tăng 1,23%, Nasdaq Composite thêm 1,22%.
Tương tự khi Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản tăng 3,98%. Chỉ số Nikkei 225 tăng 3,46% và Topix tăng 2,47% tại Nhật Bản.
Giá dầu Brent tương lai tăng 8,62 USD, tương đương 8,79% lên 106,64 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 7,94 USD, tương đương 8,35% đạt 102,98 USD/thùng.
Khối ngoại trở lại bán ròng gần 230 tỷ đồng trên HoSE
Hôm nay là phiên giao dịch có sự tham gia của các quỹ ETF ngoại do đến kỳ cơ cấu nên giao dịch khối ngoại tương đối sôi động. Họ mua vào giá trị 3.482 tỷ và bán ra 3.711 tỷ, tương đương bán ròng 229 tỷ đồng trên HoSE.
Các mã được mua ròng nhiều nhất là STB (278 tỷ), VJC (123 tỷ) và VRE (109 tỷ). Ngược lại các mã bị bán ròng lớn nhất vẫn quen thuộc như MSN (-236 tỷ), VNM (-151 tỷ) và VIC (-149 tỷ).
Trên HoSE, khối ngoại phiên hôm nay trở lại bán ròng 567 nghìn cổ phiếu, giá trị bán ròng ghi nhận hơn 229 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu bán lẻ là MSN chịu áp lực bán ròng mạnh nhất của khối ngoại khi bị bán ròng 235 tỷ đồng. VNM và VIC cũng lần lượt bị bán ròng 151 tỷ đồng và 149 tỷ đồng. Xếp tiếp theo danh sách bán ròng còn có PDR (86 tỷ đồng), VHC (85 tỷ đồng).
Tại chiều mua, cổ phiếu STB được khối ngoại rót ròng tích cực với 278 tỷ đồng, bên cạnh VJC cũng được mua ròng 123 tỷ đồng, VRE được mua ròng 109 tỷ đồng. Ngoài ra, danh sách mua ròng còn có cổ phiếu DPM (77 tỷ đồng), hay mã KBC (64 tỷ đồng).
Trên HNX, khối ngoại hôm nay mua ròng gần 782 nghìn cổ phiếu, giá trị mua ròng hơn 40 tỷ đồng. Tại chiều mua, CEO hôm nay được mua ròng 44 tỷ đồng, ngoài ra HUT và SHS lần lượt được mua ròng 27 tỷ đồng và 19 tỷ đồng.
Ngược lại, PVS và IDC bị bán ròng lần lượt là 27 tỷ đồng và 16 tỷ đồng; ngoài ra THD cũng bị bán ròng khoảng 7 tỷ đồng, danh sách bán ròng còn có LHC, EID...
Trên sàn UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 762 nghìn cổ phiếu với giá trị ghi nhận xấp xỉ 14 tỷ đồng. Cổ phiếu BSR hôm nay được khối ngoại mua ròng hơn 8 tỷ đồng. Danh sách mua ròng trên 1 tỷ đồng còn có TVTP, VEA, QTP, MCM, CLX, HVG.
Trong khi đó, QNS hôm nay bị khối ngoại bán ròng khoảng 7 tỷ đồng; ngoài ra họ cũng bán ròng tại VNA, LTG, HPP...