Thị trường chứng khoán hôm nay 14/3: Nhóm hàng hóa bị bán sàn hàng loạt, VN-Index "bốc hơi" hơn 20 điểm
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 11/3: Áp lực bán gia tăng, VN Index "bốc hơi" gần 13 điểmThị trường chứng khoán hôm nay 10/3: Nhóm dầu khí hạ nhiệt, VN-Index mất mốc 1.480 điểm trong những phút cuối phiênThị trường chứng khoán hôm nay 9/3: Cổ phiếu hàng hóa tiếp tục "thăng hoa"VN-Index lao dốc trong phiên đầu tuần
Thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày 14/3 biến động khá mạnh. Trong buổi sáng, hàng loạt cổ phiếu giảm giá khiến VN-Index có lúc mất hơn 27 điểm và xuống xa dưới ngưỡng 1.450 điểm. Tuy nhiên, việc thị trường giảm sâu đã kích hoạt dòng tiền bắt đáy.
Đầu giờ chiều, chỉ số VN-Index có lúc chỉ còn giảm vài điểm. Dù vậy, áp lực bán lại tăng mạnh sau đó và kéo chỉ số này chung cuộc giảm 20,29 điểm (-1,38%) về 1.446,25 điểm, chính thức mất mốc 1.450 điểm và rơi xa ngưỡng 1.500 điểm cũng như đỉnh cao 1.530 điểm ghi nhận hồi đầu năm.
Trên các sàn chứng khoán tại Hà Nội, HNX có 94 mã tăng và 157 mã giảm, HNX-Index giảm 5,44 điểm (-1,22%) xuống 442,2 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 125,66 triệu đơn vị, giá trị 3.483,53 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 16,9 triệu đơn vị, giá trị 729,15 tỷ đồng.
Trên UPCoM, thị trường vẫn duy trì sắc đỏ trong suốt cả phiên chiều. Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,32 điểm (-0,27%) xuống 115,05 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 88,95 triệu đơn vị, giá trị 1.969,53 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,84 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 99,2 tỷ đồng.
Sắc đỏ chiếm áp đảo trên toàn thị trường bởi áp lực bán trên diện rộng. Tổng số mã giảm giá là 758, cao hơn gấp đôi so với 314 mã tăng giá.
Cổ phiếu hàng hóa bị xả mạnh với hàng loạt nhóm bán kịch sàn
Cơn lốc bán tháo thực tế diễn ra ở khắp thị trường, với số lượng cổ phiếu giảm giá trên hai sàn niêm yết nhiều gấp 3 lần số tăng. Tuy vậy các cổ phiếu hàng hóa rơi “thảm” nhất, khi lợi nhuận quá tốt trở thành “con dao 2 lưỡi”.
Điển hình nhất là cổ phiếu phân bón bị chốt lời mạnh sau chuỗi tăng nóng. Hàng loạt mã có vốn hóa đáng kể trong ngành như DCM, DPM hay LAS, SFG, BFC,PMB đều dư bán sàn, bên cạnh PSW giảm 9,2%, NFC mất 5,1% hay PCE giảm 5,7%.
Trên thị trường thế giới, giá dầu thô giảm mạnh từ đỉnh cao 140 USD/thùng ghi nhận trong tuần trước xuống ngương 105-109 USD/thùng như hiện nay, qua đó khiến cho áp lực bán diễn ra mạnh mẽ đối với nhóm cổ phiếu dầu khí trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Riêng GAS của PVS Gas mất 6,1% về 106.000 đồng để trở thành mã chứng khoán có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số. Hay PLX của nhà bán lẻ xăng dầu Petrolimex cũng có tác động xấu khi giảm 3,6% về 55.900 đồng.
Một số bluechip khác có diễn biến xấu lên thị trường như HPG của Hòa Phát giảm 3,8%, MSN của Masan Group lao dốc 4,5%, GVR của Tập đoàn Cao su mất 3,3%...
Ngành vận tải thủy cũng điều chỉnh rất sâu khi GMD, VOS, PDN, VIP, TCO đều giảm kịch sàn, trong khi đó, MVN giảm 4,37%, SGP giảm 8,42%, PVP giảm 8,63%... Cổ phiếu bán lẻ không thoát khỏi xu hướng chung khi MWG giảm 0,98% và PNJ giảm 5,74%.
Ở chiều ngược lại là lực kéo của cổ phiếu hàng không, trong đó VJC của Vietjet tăng 4,7% lên 145.000 đồng là mã có tác động tích cực nhất, hay HVN của Vietnam Airline tăng giá 1,4%.
Ngoài ra, cổ phiếu ngân hàng cũng ghi nhận không ít sắc xanh. Cụ thể, VCB tăng 0,48%, MBB tăng 0,64%, TPB tăng 1,42%, STB tăng 1,4%, SHB tăng 3,8%, EIB tăng 3,39%. Các cổ phiếu còn lại đa phần giảm dưới 1,5%. Trên sàn UPCoM, KLB bất ngờ tăng kịch trần 15%.
Cổ phiếu chứng khoán giao dịch tiêu cực hơn khi SSI giảm 4%, VCI giảm 5,65%, HCM giảm 3,87%, VND giảm 2,31%, FTS giảm 5,05%, TVS giảm 6,18%...
Ở nhóm bất động sản, sắc đỏ hiện lên ở VHM, VIC và NVL nhưng mức giảm đều dưới 1%. Tuy nhiên, cũng không thiếu những cổ phiếu giảm mạnh, như SZC giảm 3,39%, IJC giảm 3,45%, TCH giảm 4,29%, ITA giảm 6,33%.
Mặc dù thị trường bị bán tháo nhưng vẫn có nhiều cổ phiếu riêng lẻ tăng trần gây chú ý. Điển hình như cổ phiếu bất động sản KHG và DRH tăng hết biên độ.
GTA của Gỗ Thuận An tăng 7% lên 19.950 đồng, bên cạnh các cổ phiếu ngành gỗ khác như TTF tăng 1,5% và PTB tăng 1%. Hay như cổ phiếu NVT của Ninh Vân Bay cũng kết phiên trong sắc tím sau thông tin được Tasco rót vốn. Kéo theo đó cổ phiếu HUT của Tasco cũng tăng 9,2% lên 40.300 đồng.
Khối ngoại bán ròng thêm 728 tỷ đồng trên HoSE
Nhà đầu tư nước ngoài phiên chiều tiếp tục duy trì sức ép bán ra khá lớn, với khoảng 1.150 tỷ đồng nữa. Tuy nhiên phía mua lại yếu hơn đáng kể, khiến tổng giá trị bán ròng HoSE cả ngày vọt lên 728,3 tỷ đồng từ mức 282 tỷ đồng thời điểm cuối phiên sáng. Các mã bị xả khủng nhất là MSN -153,5 tỷ, NVL -149,6 tỷ, DXG -127,9 tỷ và HPG -112,9 tỷ.
Sức ép lớn từ các tài khoản ngoại có ảnh hưởng đáng kể đến giá cổ phiếu. MSN là ví dụ, lượng bán của khối ngoại chiếm gần 73% thanh khoản và giá rớt 4,49%. MSN cũng giảm nhanh không kém các cổ phiếu hàng hóa khác khi T+3 đã bốc hơi 12,48% giá trị, giá rơi xuống đáy 5 tháng. Tính chung cổ phiếu blue-chips VN30 bị bán ròng 397,6 tỷ đồng và giá trị xả tại rổ này chiếm 15,5% tổng thanh khoản rổ.
Khối phân tích các công ty chứng khoán đều lo ngại về xu thế của thị trường trong tuần này bởi quan điểm rủi ro đang lớn hơn cơ hội.
Chứng khoán Tân Việt đánh giá VN-Index tạm thời mất xu hướng tăng trong trung hạn. Trong ngắn hạn chỉ số được dự báo có nhịp kiểm tra lại đỉnh tháng 7 năm ngoái tại vùng quanh 1.425 điểm.
Chứng khoán Vietcombank khuyến nghị có thể tận dụng nhịp điều chỉnh giảm để giải ngân với tỷ trọng nhỏ. Tuy nhiên nhà đầu tư cũng cần chú trọng quản trị rủi ro một cách chặt chẽ và tránh lạm dụng đòn bẩy trong những thời điểm thị trường xuất hiện biến động mạnh.
Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội nhận định, trong tuần này, chỉ số VN-Index có thể sẽ điều chỉnh về vùng hỗ trợ tiếp theo 1.425-1.450 điểm nếu như không sớm lấy lại được ngưỡng 1.470 điểm.
Theo Chứng khoán MBS, bối cảnh chứng khoán thế giới đang ổn định trở lại và nhà đầu tư đang chờ đợi phiên họp chính sách tiền tệ từ Fed vào giữa tuần sau, do vậy tâm lý thận trọng sẽ lên cao, đặc biệt tuần sau hợp đồng tương lai tháng gần nhất cũng đáo hạn.