Thị trường chứng khoán đang trên đà hồi sinh, đem lại kỳ vọng tích cực cho nhà đầu tư
BÀI LIÊN QUAN
Sáu giải pháp ổn định thị trường chứng khoán của Bộ Tài chínhThị trường chứng khoán: Xử phạt chưa đủ sức răn đeCTCP Chứng khoán Vina (Vina Securities) chính thức về tay Finhay của CEO 9X Nghiêm Xuân HuyTrong vòng chưa đầy hai tháng, VN-Index đã rơi một mạch từ 1.530 xuống 1.160 điểm. Tuy nhiên, hơn 2 tuần qua thị trường này đã hồi phục được hơn 110 điểm. Ngoài ra, S&P Global Ratings vừa nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ BB lên BB+ với triển vọng ổn định. Điều này phản ánh nền kinh tế Việt Nam đang chuyển mình một cách mạnh mẽ và mang lại kỳ vọng tích cực cho nhà đầu tư.
Đầu tư cổ phiếu có cơ hội trở lại?
Qua diễn biến của thị trường chứng khoán trong 2 tuần qua, chúng ta có thể thấy rằng, các nhà đầu tư vẫn còn rất thận trọng và luôn trong trạng thái thăm dò. Tuy nhiên, các chuyên gia về kinh tế lại cho rằng đây là cơ hội tốt để tích lũy cổ phiếu. Bởi hàng loạt mã chứng khoán có kết quả kinh doanh tốt đang nằm ở mức thấp nhất trong vòng 2-3 năm. Ngoài ra, nhiều cổ phiếu đang được giao dịch ở mức giá chỉ bằng 50%-60% lúc VN-Index gần 1.500 điểm.
Thời gian vừa qua các cơ quan chức năng đã xử lý hàng loạt lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp vi phạm do thao túng chứng khoán, thổi giá cổ phiếu... Điều này đã giúp các nhà đầu tư lấy lại niềm tin, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, dòng vốn ngoại đã mua ròng trở lại trên thị trường từ ngày 30-5 đến 3-6 vừa qua có giá trị 2.127 tỉ đồng và khối tự doanh các công ty chứng khoán cũng mua ròng 208 tỷ đồng.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV - TS Cấn Văn Lực nhận định rằng, thị trường chứng khoán trong thời gian tới sẽ ổn định và lành mạnh hơn, nguyên nhân là nhờ thị trường cổ phiếu đã có những điều chỉnh cần thiết. Chỉ số VN-Index đã có chuyển biến tích cực và có thể tăng lên 1.610 điểm.
Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ xuất hiện nhiều yếu tố nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng trưởng. Cụ thể, thời gian này Trung Quốc về cơ bản đã kiểm soát được đại dịch Covid-19 và kinh tế cũng dần được khôi phục bằng cách hỗ trợ lãi suất, bơm tiền vào nền kinh tế với quy mô lên tới 5.000 tỷ USD... Còn đối với nước ta cũng đã mở cửa trở lại đối với lĩnh vực thương mại, du lịch, giải trí... Các gói kích thích kinh tế mới được đẩy mạnh; dòng vốn FDI phục hồi đồng thời xuất khẩu được tạo điều kiện chính là động lực lớn để thị trường chứng khoán khởi sắc. Sau dịch bệnh, các doanh nghiệp niêm yết cũng có lợi nhuận ròng rất tốt, dự báo trên HoSE lợi nhuận dòng của doanh nghiệp trong 2 năm tới sẽ tăng 21%. Tốc độ này cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng trong vòng 15 năm qua.
Ông Lê Quang Minh, Giám đốc phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán Mirae Asset cũng cho rằng thị trường chứng khoán ngắn hạn đang có nhiều chuyển biến tích cực. Ngoài những ngành hưởng lợi từ tình hình thế giới như dầu khí, phân bón, hóa chất, nông sản, thủy hải sản, dệt may,... thì nhiều khả năng ngành ngân hàng cũng sẽ có những dấu ấn mới nếu được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng để phục vụ các hoạt động sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế.
Giúp các nhà đầu tư lấy lại niềm tin
Dưới góc độ nhà đầu tư, TS Lê Đạt Chí của Trường Đại học Kinh tế TP HCM cho biết, hiện tại, P/E của các doanh nghiệp niêm yết đang ở mức trung bình chỉ gần 11 lần. Đây là điều hiếm khi xảy ra khi tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết vẫn duy trì ở mức 18%-19%. Điều này chứng tỏ cổ phiếu đang định giá rất hấp dẫn.
TS Lê Đạt Chí cũng cho biết thêm: "Trong thị trường chứng khoán rủi ro luôn đi kèm với cơ hội. Xét trên phương diện giá, so sánh nội tại nền kinh tế, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì cơ hội để thị trường hồi phục là rất cao. Các thông điệp của Chính phủ cũng như cơ quan quản lý ngành chứng khoán cho thấy thị trường chứng khoán sẽ được định hướng một cách bền vững, lành mạnh nên nhà đầu tư hoàn toàn có thể an tâm".
Dưới góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh quá trình thử nghiệm và hoàn thiện hệ thống giao dịch KRX. Hoạt động này giúp thị trường chứng khoán triển khai sản phẩm, dịch vụ mới từ đó cung cấp nhiều tiện ích như giao dịch lô lẻ trên một bảng riêng, giao dịch trong ngày (T+0)... Ngoài ra, để thị trường phái sinh không ảnh hưởng lớn đến giao dịch trên thị trường cơ sở thì việc đề xuất sửa đổi một số tiêu chí của chỉ số VN30 là giải pháp thích hợp.
Trong tuần quan, tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đua ửa nhận định rằng: "thị trường chứng khoán đang rất tốt". Trong khi thị trường chứng khoán Việt Nam mới chỉ hoạt động 22 năm so với sự phát triển của các thị trường chứng khoán trên thế giới. Bên cạnh đó, năm 2021 trái phiếu doanh nghiệp đạt hơn 1,34 triệu tỷ đồng (tương đương 15% GDP). Trong khi đó trái phiếu doanh nghiệp của Trung Quốc chiếm 35,6% GDP, Nhật Bản là 17,4%, Malaysia 56%...
Ông Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, mặc dù thời gian qua thị trường chứng khoán đã xảy ra một số sai phạm nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính vẫn tin tưởng thị trường này sẽ là kênh huy động vốn trung và dài hạn tốt.
Theo phân tích của TS Cấn Văn Lực, trong năm 2022, với lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đã chính thức vận hành. Từ năm nay Việt Nam sẽ thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2030 với mục tiêu phát triển như: quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025, Nghị định 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Chính phủ dự kiến sẽ được sửa đổi với mục đích tăng cường tính minh bạch, kiểm soát rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là đối với các đợt phát hành riêng lẻ cùng với việc rà soát các nghị định liên quan và Luật Chứng khoán.
TS Cấn Văn Lực kỳ vọng rằng: "Công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm đang ngày càng được đẩy mạnh. Từ đó giúp thị trường chứng khoán hoạt động công khai, minh bạch và có kỷ luật hơn. Những bước đi giúp thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi của MSCI trong giai đoạn 2024-2025"