Thị trường BĐS xuất hiện nghịch lý: Lãi gấp 2 nhưng nhà đầu tư vẫn quyết "ôm hàng", môi giới lo lắng
BÀI LIÊN QUAN
Lương dưới 10 triệu đồng thì đầu tư và tiết kiệm ra sao?Cú ngã đầu đời của Warren Buffett và bài học "đáng đồng tiền": Dục tốc bất đạt, đầu tư muốn thắng lớn phải đi đường dàiThấy gì trước động thái của các chủ đầu tư với ngân hàng liên kết giữa giữa lúc "siết" cho vay BĐS?Lãi gấp 2 nhưng nhà đầu tư vẫn quyết "ôm hàng"
Theo Nhịp sống kinh tế, mới chỉ qua vài tháng đầu năm 2022, nhiều khu vực đã ghi nhận giá đất biến động mạnh. Thậm chí có những khu vực giá đất đã tăng lên tới 30 - 40%. Nếu như bình thường, khi thị trường đang sôi động, nhiều nhà đầu tư đã mua trước đó sẽ tranh thủ chỗ lãi khi đã đạt kỳ vọng. Tuy nhiên, tâm lý lạ đang xuất hiện ở các nhà đầu tư lâu năm, dù gái đất tăng gấp 2 lần so với thời điểm xuống tiền nhưng vẫn quyết không chịu bán. Điều này xuất phát từ việc giá đất tại các khu vực đồng loạt tăng mạnh, nếu có bán cũng chỉ đủ tiền mua một mảnh đất tương tự, bên cạnh đó là nỗi lo lạm phát khiến nhà đầu tư có tâm lý "găm đất".
Ngoài ra, thay vì liên tục tung tin quy hoạch, khoe ảnh đặt cọc để làm nhiễu loạn thị trường thì nhiều môi giới bất động sản đang tỏ ra e ngại trước việc nhiều nhà đầu tư không chịu bán, trong khi nguồn cung mới đang dần cạn kiệt.
Anh Thắng - nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội chia sẻ, hồi đầu năm 2021, anh mua một mảnh đất tại Bắc Giang nằm tại vị trí lô góc, diện tích 150m2, với mức giá 14 triệu đồng/m2, tổng giá trị là 2,1 tỷ đồng.
"Thời điểm đó xuống tiền mua, ai cũng nói tôi mua đắt sợ sau bán lỗ. Tuy nhiên tôi vẫn tự tin mua mảnh đất vì tình hình dịch bệnh khi đó vẫn còn khá phức tạp không thể kinh doanh được. Ban đầu tôi cũng kỳ vọng trong năm nay nếu thuận lợi có thể lãi 20 - 30%", anh Thắng cho hay.
Đến thời điểm hiện tại, anh Thắng khoe mảnh đất của anh đã được định giá lên 29 triệu đồng/m2, giá trị mảnh đất hiện nay là 4,35 tỷ đồng, tức lãi gấp 2 lần so với thời điểm mua.
Mặc dù vượt kỳ vọng lãi rất nhiều nhưng anh Thắng vẫn chưa quyết định bán và muốn giữ thêm. Theo anh phân tích, dù lãi gấp 2 nhưng bán đi cũng chỉ mua được một mảnh đất tương tự. Hơn nữa, những mảnh đất ở vị trí đẹp gần như không còn, nên dù có bán đi cũng rất khó để mua lại. Thêm vào đó, yếu tố lạm phát khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại tiền sẽ mất giá, trong khi đó khó có thể đầu tư kinh doanh ngành khác ở thời điểm hiện tại.
Trước những động thái quyết tâm "ôm hàng" của các nhà đầu tư, nhiều môi giới bất động sản cũng cảm thấy lo lắng khi giá đất ngày càng tăng cao còn nguồn cung thì hạn chế.
Môi giới lo lắng không có hàng bán
Anh Thanh Tùng - một môi giới bất động sản tại Hà Nội chia sẻ, 8 năm theo nghề nhưng chưa bao giờ anh thấy giá bất động sản tăng mạnh như trong 2-3 năm trở lại đây. Ngay cả những căn nhà phố, nhà liền kề hay biệt thự ở các khu đô thị cũng tăng đến 2-3 lần trong mấy năm gần đây.
Nhà môi giới này chia sẻ: "Nếu trước kia các môi giới chỉ cần có giao dịch hoặc đặt cọc có khi sẽ liên tục đăng đi đăng lại để làm thị trường tạo sức nóng. Nhưng sang tới năm 2021 nói thật là không dám làm thị trường nữa".
Theo anh Tùng lý giải, nếu tiếp tục làm thị trường, tạo sức nóng giá bất động sản sẽ còn tiếp tục tăng. Trong khi đó, nhà liền kề và biệt thự tại các khu đô thị hiện chỉ là hàng thứ cấp, nhà đầu tư vẫn thấy thị trường nóng sẽ nhất quyết không chịu bán ra dù nhu cầu mua thì vẫn nhiều, khiến môi giới không có hàng bán, đồng nghĩa sẽ không có thu nhập.
Anh Tùng cho biết thêm, đa phần những nhà đầu tư đang nắm hàng biệt thự, nhà liền kề đều là những người có năng lực tài chính nên họ đều không vội vàng bán ra. Trong khi đó, thị trường vẫn tăng giá tốt nên nhà đầu tư đều không muốn bán, họ chấp nhận giữ thêm để chờ tăng giá tiếp. "Với mức giá mỗi căn nhà phố, liền kề, biệt thự có giá từ 15 tỷ đồng trở lên, chỉ cần tăng 10% mỗi năm là họ có thêm cả tỷ rồi, chưa nói tới chuyện mỗi năm nay toàn tăng từ 20 - 30%/năm", nhà môi giới này cho hay.
Bên cạnh đó, anh Tùng cho biết, với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, khi bán sản phẩm ra họ sẽ tìm sản phẩm khác để mua. Tuy nhiên, với số tiền bán đi cũng chỉ đủ mua một sản phẩm tương tự, thậm chí còn phải bù thêm tiền vì phải trả cao hơn hẳn thị trường mới có người bán. Đó chính là lý do khiến nhà đầu tư không muốn bán.
"Nói chung, thị trường chững môi giới cũng lo vì không bán được bất động sản, còn thị trường sôi động quá chúng tôi cũng không làm ăn được vì nhà đầu tư quyết ôm hàng không chịu bán", anh Tùng tâm sự.
Về triển vọng thị trường bất động sản và các phân khúc bất động sản trong quý II/2022, dự báo xu hướng tăng trưởng ở hầu hết các phân khúc, trong đó bất động sản công nghiệp, đất nền và nhà ở có nhiều khả năng tăng trưởng mạnh nhất. Bên cạnh đó là sự phục hồi mạnh mẽ của nhóm bất động sản nghỉ dưỡng và thương mại.
Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report nhận định, động lực tăng trưởng cho ngành bất động sản nói chung, không chỉ riêng giai đoạn hậu Covid-19 còn chịu tác động bởi xu hướng đô thị hóa và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu cả về số lượng lẫn giá trị tài sản, lượng xe hơi cá nhân đang tăng nhanh cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu về một số phân khúc căn hộ cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng và đất nền.
Chia sẻ với báo chí về tình hình thị trường, ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển (DKRA Vietnam) cho biết, nguồn cung mới đang có sự cải thiện ở một số phân khúc. Đặc biệt, chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm nay, nguồn cung nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng đã tăng gấp 26 lần so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc.
"Trong quý II/2022, thị trường sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng, trong đó, phân khúc bất động sản công nghiệp, đất nền, nhà ở có nhiều khả năng tăng trưởng mạnh nhất. Bên cạnh đó là sự phục hồi mạnh mẽ của nhóm bất động sản nghỉ dưỡng và thương mại", ông Thắng nhận định.