Thị trường bất động sản "hút" gần 2 tỉ USD từ M&A
BÀI LIÊN QUAN
Quảng Bình: Dự án khu đô thị gần 1.000 tỷ tại TP. Đồng Hới đã tìm được chủ đầu tưCó nên dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản?Hà Nội: Lộ diện nhà đầu tư đăng ký thực hiện Khu đô thị mới Mê LinhTheo thống kê, giao dịch có giá trị cao nhất là 982 triệu USD, cao gấp 2,2 lần so với thương vụ lớn nhất tính đến đầu tháng 12/2023. Dù chưa xác định rõ giá trị giao dịch của 2 thương vụ còn lại, giá trị bình quân các thương vụ M&A trong 9 tháng đầu năm 2024 vẫn đạt mức cao nhất trong 6 năm trở lại đây, gấp đôi so với năm 2023.
Những thương vụ nghìn tỉ tiếp tục xuất hiện
Bên cạnh những thương vụ đã hoàn tất như báo cáo của VARS đã nêu, trong quý cuối năm, thị trường M&A tiếp tục được “hâm nóng” bởi những cuộc đàm phán trị giá hàng chục nghìn tỉ đồng. Chẳng hạn, trong những ngày đầu tháng 10, Jencity Limited, một công ty con của Keppel (Singapore), đang tiến hành thoái 70% vốn tại Công ty TNHH Saigon Sports City, chủ đầu tư của dự án Saigon Sports City với diện tích 64 ha.
Tổng giá trị thương vụ được ước tính trong khoảng từ 344 đến 391 triệu SGD, tương đương từ 6.558 đến 7.450 tỉ đồng, phụ thuộc vào việc thực hiện các cam kết theo thỏa thuận, đặc biệt là tiến độ phê duyệt pháp lý của dự án.
Các bên nhận chuyển nhượng bao gồm Công ty TNHH HTV Đại Phước và Công ty CP Bất động sản Vinobly đều cùng mua 35%, thanh toán qua 2 đợt. Hiện tại, phía bên mua vẫn chưa chính thức công bố về thương vụ này, nhưng nhiều tin đồn cho rằng hai doanh nghiệp liên quan đều thuộc một tập đoàn lớn trong nước.
Đáng chú ý, song song với hoạt động thoái vốn tại Saigon Sports City, Keppel cũng khởi động giai đoạn 3 của khu phức hợp Saigon Centre (quận 1, TP.HCM). Hồi cuối tháng 9, Keppel thông báo Toshin Development (Nhật Bản), thành viên của Tập đoàn Takashimaya, sẽ đầu tư khoảng 46,4 triệu USD để mua gần 46,4 triệu cổ phiếu mới từ Himawari VNSC3 Pte Ltd, công ty con của Saigon Centre Investment Ltd.
Himawari sở hữu cổ phiếu ưu đãi tại Keppel Land (Saigon Centre) Limited và Krystal Investments Pte. Ltd., hai công ty nắm giữ lần lượt 68% và 16% cổ phần tại Keppel Land Watco-IV và Watco-V, những doanh nghiệp có quyền sử dụng đất cho Saigon Centre giai đoạn 3.
Tập đoàn Bitexco gần đây đã thông báo chính thức về việc chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Saigon Glory, nhà đầu tư chủ dự án The Spirit Saigon (Khu tứ giác Bến Thành). Theo phương án chuyển nhượng đã được các bên đồng thuận, Bitexco sẽ chuyển toàn bộ vốn góp tại Saigon Glory sang Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội.
Một thương vụ khác liên quan đến Công ty tái bảo hiểm toàn cầu AON Plc, chủ sở hữu khu phức hợp ba tòa Landmark 72, bao gồm tòa nhà chọc trời cao thứ hai tại Việt Nam là Keangnam Hanoi Landmark Tower, đang có kế hoạch bán 100% cổ phần trong tài sản bất động sản này với giá trên 1 tỉ won (tương đương khoảng 750 triệu USD theo tỷ giá hiện tại). Công ty chứng khoán Mirae Asset của Hàn Quốc và một số công ty quản lý quỹ bất động sản và hạ tầng đang xem xét khả năng mua lại tòa nhà này.
Sẽ còn bùng nổ?
Nhìn vào những thương vụ M&A vừa qua có thể nhận thấy, sân chơi M&A trên thị trường bất động sản không chỉ giới hạn ở các tập đoàn nước ngoài mà còn có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, ít nhất là về mặt công bố.
Điều này chứng tỏ thị trường M&A Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, với các công ty trong nước ngày càng tự tin và chuyên nghiệp hơn. Đồng thời, một số nhà đầu tư nước ngoài cũng đang xem Việt Nam như một thị trường chiến lược quan trọng trong khu vực.
Theo các chuyên gia, những biến động đáng kể trong khung pháp lý mới đã thúc đẩy các giao dịch M&A trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là từ các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, năm 2024, áp lực từ việc đáo hạn trái phiếu đang trở thành một thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp trong ngành bất động sản.
Trước áp lực trả nợ cũng như tái cấu trúc nội bộ, các doanh nghiệp rất cần thanh khoản cho hoạt động kinh doanh hàng ngày, khiến hoạt động M&A sẽ ngày càng sôi động.
Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield cho biết, các nhà đầu tư ngoại bắt đầu chuyển vốn vào các dự án bất động sản thông qua mua lại cổ phần, chủ yếu từ Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, với quy mô mỗi thương vụ khoảng 20-50 triệu USD. Đây là cơ hội tốt cho những nhà đầu tư có sẵn nguồn tiền, sẵn sàng mua hoặc đầu tư vào các dự án cần vốn.
TS. Nguyễn Duy Phương - Giám đốc đầu tư DG Capital cho rằng, sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản trong nước còn yếu, chưa tiếp cận được nguồn vốn lớn, trong khi chi phí phát triển dự án tăng. Do đó, việc bán dự án cho chủ đầu tư có tiềm lực tài chính và năng lực triển khai tốt hơn sẽ giúp bên bán thu về nguồn tiền lớn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.
"Dự kiến, một lượng lớn vốn từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026, cùng với nhiều giao dịch đang đàm phán tích cực. Khẩu vị đầu tư là các dự án có quỹ đất sạch, chất lượng tốt, giá trị thực, quyền sở hữu hợp pháp, giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh và tiềm năng phát triển", TS. Phương cho biết.