Thế Giới Di Động, FPT Shop thi nhau mở chuỗi bán đồ chính hãng, thị trường Việt Nam đã được nâng hạng sau "tin vui" từ Apple?
BÀI LIÊN QUAN
Apple Watch và MacBook sẽ được sản xuất tại Việt Nam trong thời gian tớiApple hợp tác, ăn chia doanh thu quảng cáo cùng Facebook?Các Big Tech “lao đao” vì Apple và Tik Tok, chưa có ai đủ sức đấu lạiĐầu tháng 8 này, Tim Cook - CEO Apple đã nêu tên Việt Nam như là một trong số 4 thị trường của Apple ghi nhận doanh thu ở mức trên 2 con số, đóng góp nhiều nhất vào khoản doanh thu kỷ lục trong quý 2 của hãng là 83 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, con số này đã ghi nhận mức tăng 2% bất chấp những biến động khó khăn của thị trường thời điểm hiện tại.
CEO Apple nhấn mạnh rằng: "Chúng tôi đã lập kỷ lục mới trong quý 2 tại thị trường châu Mỹ, châu u cùng với phần còn lại của khu vực châu Á Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, công ty cũng ghi nhận doanh thu kỷ lục ở các thị trường đang phát triển và mới nổi với mức tăng trưởng mạnh mẽ ở mức hai con số, bao gồm Brazil, Việt Nam và Indonesia và doanh thu ở Ấn Độ tăng gần gấp đôi".
Có thể thấy, Tim Cook nhấn mạnh những tín hiệu tích cực này dường như là dấu hiệu cho thấy Táo Khuyết đang ngày càng đánh giá cao hơn thị trường Việt Nam.
Từ thị trường hạng ba đến một trong những con "gà đẻ trứng vàng" của Apple
Nhớ lại năm 2019, khi đó thị trường Việt Nam mới chỉ có hơn 10 thương hiệu smartphone. Tuy nhiên, các dòng ở phân khúc cao cấp thường có giá từ 15 triệu đồng trở lên và hai cái tên Apple và Samsung gần như đóng vai trò chủ đạo. Mỗi hãng đều chiếm tới gần 50% thị phần ở phân khúc giá trên 15 triệu ở thời điểm đó. Các thương hiệu còn lại chỉ có thể “xâu xé” một miếng bánh rất nhỏ còn lại.
Tuy nhiên, thời điểm đó hai hãng này đều có cách làm dịch vụ tại Việt Nam vô cùng khác nhau. Trong khi gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc liên tục tung ra các chương trình và chiến dịch quảng cáo lớn thì Táo Khuyết lại dường như chẳng mấy mặn mà với các hoạt động này. Khi đó, các sản phẩm iPhone cũng đã xuất hiện tại thị trường Việt Nam được cả thập kỷ, được các khách hàng tiếp cận thông qua nhiều kênh bán lẻ và thậm chí còn được xách tay khá nhiều.
Thế nhưng khi đó, Apple vẫn chưa quá coi trọng thị trường Việt Nam. Đại diện một đơn vị bán lẻ cho biết: “Khi đó, Apple coi Việt Nam chỉ là thị trường hạng ba, điều này đã mang tới một số bất lợi. Ví dụ như bán máy chậm hơn, hàng hóa cũng không được đa dạng như các thị trường khác. Nói chung, thị trường Việt Nam khi đó không được ưu tiên”. Trong khi đó, một số thị trường láng giềng khác như Malaysia đã được ưu tiên trong hệ sinh thái của Táo Khuyết, được bán các sản phẩm iPhone sớm hơn Việt Nam lên tới cả tháng.
Theo thời gian, thời thế đã thay đổi khi thị trường Việt Nam mang tới doanh thu ấn tượng cho gã khổng lồ công nghệ Mỹ. Trong chuyến thăm và làm việc với các tập đoàn Intel, Apple và Google của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong tháng 5 vừa qua, Giám đốc điều hành Tập đoàn Apple Tim Cook chia sẻ, Apple đang có mong muốn mở rộng chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam. Đồng thời, Táo Khuyết cũng muốn phối hợp với những doanh nghiệp Việt Nam có đủ tiêu chuẩn và điều kiện tham gia vào chuỗi giá trị của mình.
Đây không chỉ là lời nói suông, những động thái mới nhất của Apple đã chứng minh điều này. Có vẻ như, Táo Khuyết đang dần mở rộng chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam. Cụ thể, theo thông tin từ tờ Asia Nikkei cho thấy, Apple hiện đang thực hiện đàm phán để lần đầu tiên có thể sản xuất Apple Watch và MacBook tại Việt Nam trong bối cảnh hãng đang muốn đa dạng hóa năng lực sản xuất ra bên ngoài thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Luxshare Precision Industry và Foxconn - các đối tác cung ứng của Apple đã bắt đầu thực hiện việc thực nghiệm sản xuất sản phẩm Apple Watch tại thị trường Việt Nam, theo như 3 nguồn tin thân cận chia sẻ với Nikkei. Được biết, đây chính là lần đầu tiên Apple Watch được sản xuất bên ngoài thị trường Trung Quốc.
Hiện tại, Việt Nam đang dần trở thành một trong số những trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Táo Khuyết ngoài Trung Quốc. Một số sản phẩm của Apple đang được sản xuất ở Việt Nam gồm có tai nghe AirPod và máy tính bảng iPad.
Hàng loạt chuỗi đại lý ủy quyền xuất hiện trên thị trường
Có thể nói, một trong những lý do khiến thị trường Việt Nam trong quá khứ chưa được Apple coi trọng là do thị trường hàng xách tay và các loại máy nhập khẩu không chính ngạch vẫn còn tương đối nhiều. Trước đây, thị trường hàng xách tay tồn tại tại Việt Nam là nhờ 2 ưu điểm: Thứ nhất, có hàng sớm hơn; thứ hai là giá rẻ hơn so với các đại lý chính hãng. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, những lợi thế này đã dần mất đi.
Thực tế, Apple thường mở bán iPhone ở một số thị trường trọng điểm, vài tháng sau đó mới bán chính thức tại Việt Nam. Vì thế, nhiều người mong muốn sở hữu những sản phẩm mới của Apple không thể chờ đợi trong một khoảng thời gian dài như thế đã chuyển sang mua hàng xách tay. Do đó, sự xuất hiện của hàng loạt các đơn vị bán sản phẩm chính hãng của Táo Khuyết trong những năm gần đây tại thị trường Việt là một tín hiệu tích cực, giúp giảm bớt sự ảnh hưởng của thị trường xách tay.
Trong thời gian qua, một trong số những cái tên gây chú ý nhất là TopZone - chuỗi cửa hàng chuyên bán đồ Apple trực thuộc hệ sinh thái của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) mới được khai trương từ cuối năm 2021. Chuỗi cửa hàng này được xây dựng dựa trên mô hình mang tên AAR (Apple Authorized Reseller - Nhà bán lẻ chính thức của Apple) và APR (Apple Premium Reseller - Nhà bán lẻ cao cấp của Apple). Vì thế, hàng hóa được bày bán tại chuỗi đều có nguồn gốc rõ ràng và dành cho thị trường Việt.
Ưu điểm của đơn vị này đã được thể hiện ngay từ khi khai trương. Cụ thể, dòng iPhone 13 đã được ra mắt tại Việt Nam ngày 22/10/2021 - đúng ngày mà TopZone khai trương. Tính đơn giản, người dùng chỉ cần chờ chưa đến một tháng đã có thể sở hữu những siêu phẩm mới của Apple, giúp hạn chế đáng kể ưu thế của những bên chuyên bán hàng lậu và hàng không chính hãng.
Trước đó, ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh cũng đã chia sẻ mục tiêu về việc mở mới 200 cửa hàng TopZone vào cuối năm nay, đạt doanh thu 1 tỷ USD vào cuối 2023, đưa các sản phẩm iPhone thế hệ sau về sớm ngang ngửa với thị trường Mỹ; đồng thời nâng cấp thị trường bán lẻ hệ sinh thái Apple tại Việt Nam ngang tầm với Singapore.
Trước TopZone, F.Studio thuộc CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã: FRT) thông qua việc hợp tác với Apple cũng đã được ra mắt vào năm 2012. Khi ấy, FPT Retail cũng đã thay đổi tên nhận diện hệ thống bán lẻ sản phẩm Apple tại Việt Nam, cụ thể, hệ thống iStore Premium đã được đổi tên thành Hệ thống F.Store. Theo FPT, đây là cửa hàng được ủy quyền chính hãng của Táo Khuyết, chuyên bán các sản phẩm iPhone, iPad, MacBook... cùng với các phụ kiện kèm theo.