Tháo gỡ điểm nghẽn đầu tư công để trợ lực thị trường bất động sản
BÀI LIÊN QUAN
Được đầu tư công trợ lực, nhóm vật liệu xây dựng có kinh doanh khởi sắc?Nhóm doanh nghiệp xây lắp hưởng lợi từ "cú hích" đầu tư công trong quý 2/2023Bất động sản 6 tháng đầu năm 2023: Nhà ở xã hội trở thành điểm sáng, BĐS công nghiệp tiếp tục đón sóng đầu tư côngĐầu tư công: Tác dụng lớn, nhưng giải ngân chậm chạp
Giải ngân đầu tư công có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt của kinh tế - xã hội; góp phần tạo động lực mới, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông. Khi hạ tầng phát triển, nhiều nhà phát triển bất động sản có xu hướng nương theo sóng hạ tầng và công nghiệp, chuyển dòng vốn vào đây.
Theo báo cáo mới đây của UBND TP.HCM, quý 3/2023, thị trường bất động sản TP.HCM có tín hiệu hồi phục nhẹ so với năm ngoái và đầu năm nay.
“Với nỗ lực của thành phố trong việc giải ngân vốn đầu tư công (tăng 100,4% so với cùng kỳ 9 tháng năm 2022), đã thúc đẩy ngành xây dựng hồi phục 9 tháng đầu năm (chỉ còn -2,02%), trước đó 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng âm (-8,45%)”, báo cáo nêu.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, giai đoạn kinh tế khó khăn vừa qua khiến đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài (FDI) bị hạn chế. Theo đó, dòng đầu tư công là nguồn lực rất quan trọng bổ sung, giúp duy trì động lực và mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Ông Phong cho rằng, việc tập trung đầu tư các dự án trọng điểm, có tính liên vùng để đưa vào khai thác sẽ tạo tác dụng lan toả, khiến các nguồn đầu tư xã hội “ăn theo” đầu tư công.
Chung quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, khi đầu tư công được đẩy mạnh, các dự án hạ tầng lớn được triển khai thì thị trường bất động sản sẽ hưởng lợi.
“Không chỉ thanh khoản thị trường tốt mà các nhà thầu xây dựng, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu… cũng sẽ hưởng lợi theo. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm, các doanh nghiệp ngành này gặp nhiều khó khăn như thời điểm hiện nay”, ông Thịnh nói.
Dù có ý nghĩa quan trọng, nhưng nhìn chung, tình hình giải ngân đầu tư công vẫn chưa có đột phá.
Kết quả giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2023 cả nước là hơn 389 nghìn tỷ đồng, đạt 55,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đến nay, giải ngân 11 tháng của cả nước khoảng 461 nghìn tỷ đồng, đạt 65,1%, cao hơn cùng kỳ (58,33%) và số tuyệt đối cao hơn gần 123 nghìn tỷ đồng.
Số vốn chưa giải ngân của kế hoạch năm 2023 còn khoảng 247 nghìn tỷ đồng. Trong khi từ nay đến cuối năm chỉ còn hơn 35 ngày. Do đó cần có sự quyết tâm rất cao mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Giải phóng mặt bằng là nút thắt
Có thể thấy, các vướng mắc trong giải ngân đầu tư công chủ yếu liên quan đến các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng; tình trạng thiếu nguyên liệu thi công; các vướng mắc trong tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, vướng quy hoạch sử dụng đất…
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế, TS Lê Bá Chí Nhân cho hay, đầu tư công góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, liên kết vùng, nên có ý nghĩa quan trọng không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn tạo nền tảng phát triển cho nhiều năm sau này.
“Tôi ví dụ, nếu 10 năm trước mà có những cao tốc như bây giờ thì tốt biết mấy. Quốc lộ 1 quá chật hẹp, đường thuỷ thì tàu lớn cũng khó di chuyển. Các doanh nghiệp nước ngoài trước khi họ vào đầu tư họ cũng xem xét đến vấn đề hạ tầng, nếu thấy đường sá phát triển, vận chuyển hàng hoá thuận lợi thì họ mới đầu tư”, ông Nhân nói và cho rằng, những yếu tố này sẽ thúc đẩy cả nền kinh tế phát triển, trong đó có bất động sản.
Đề cập đến câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công, TS Nhân cho rằng, việc giải ngân “quý 3 nhiều hơn quý 2, quý 2 nhiều hơn quý 1” cũng đáng hoan nghênh, nhưng vấn đề cần chú ý là tổng thể giải ngân được bao nhiêu, liệu đã đạt mục tiêu chưa? Hiện tại, việc giải ngân đầu tư công vẫn còn khá chậm.
“Theo tôi, cần phải chấn chỉnh lại. Kế hoạch đã có, mục tiêu đã có nhưng vì sao không đạt, cần phải làm rất rõ. Ví dụ, cần làm bao nhiêu kilomet cao tốc, thì cần bao nhiêu cát, đá và nguyên vật liệu này sẽ lấy ở đâu, khai thác ra sao, cấp phép thế nào? Nếu không tính toán trước được những điều này thì làm sao đầu tư công được?”, ông Nhân nêu.
Một điểm nghẽn lớn nữa theo ông Nhân là giải phóng mặt bằng. “Có tỉnh chỉ mấy tháng đã đạt 80-90%, nhưng có tỉnh thì kéo dài mãi không xong, trong khi cơ chế, chính sách, giá đất thì như nhau? Vấn đề lớn là ở chính sách tuyên truyền, vận động”.
“Anh phải sâu sát xuống dân. Có thể một lần họ chưa hiểu, nhưng “mưa dầm thấm lâu”, vận động nhiều lần họ sẽ hiểu ra. Cần phân tích việc một dự án, cao tốc đi qua thì người dân họ sẽ được hưởng lợi những gì? Đồng thời có chính sách đền bù, hỗ trợ, tái định cư… hợp lý mới có thể thuyết phục họ giải phóng mặt bằng”, ông Nhân nói và cho rằng đây là vấn đề cốt lõi cần giải quyết.
Ông Nhân nhấn mạnh: "Thời gian qua, Thủ tướng đã chỉ đạo sâu sát trong vấn đề này, nhưng cần quyết liệt hơn, cụ thể hơn ở khâu thưởng, phạt. Nơi làm tốt phải thưởng, làm không tốt thì khiển trách với các mức độ khác nhau. Tại các cuộc họp vừa qua, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt vấn đề này".
Liên quan đến vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, các chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cần có sự điều chỉnh bảng giá đất tỉnh theo từng năm. Lý do là bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần là quá dài và không phản ánh đúng quy luật cung cầu của thị trường.
Mặt khác, cần quy định cụ thể về áp dụng phương pháp định giá đất trong quá trình xác định giá đất cụ thể, thống nhất kết quả tư vấn xác định giá đất cụ thể từ tổ chức tư vấn độc lập.