Thanh lý condotel lỗ nặng, nhà đầu tư méo mặt
BÀI LIÊN QUAN
“Luật hóa” condotel: Giải pháp "tháo gỡ điểm nghẽn" bất động sản du lịchSố phận của condotel sẽ đi về đâu khi Luật đầu tư Đất đai được sửa đổi?Khi những căn hộ condotel không được...thừa nhậnChấp nhận lỗ để thu hồi vốn
Khi vấn đề nút thắt pháp lý cho condotel vẫn chưa được đặt ra trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi thì số phận phân khúc bất động sản này vẫn còn nhiều lênh đênh. Thời gian qua, ghi nhận nhiều trường hợp nhà đầu tư bán tháo cắt lỗ condotel nhưng vẫn khó tìm được người mua. Một số khác chấp nhận lỗ nặng để đẩy đi loại hình sản phẩm này.
Năm ngoái, bà Lê Thu Huyền (Đống Đa - Hà Nội) cùng bạn rủ nhau đầu tư vào một dự án nghỉ dưỡng tại Nha Trang (Khánh Hòa). Sau nhiều lần tìm hiểu, tham khảo qua các sàn, bà được một sale tư vấn bùi tai nên đã xuống tiền mua 2 căn condotel tại dự án này. “Đến bây giờ mới thấy, hiệu quả đầu tư khác xa so với những cam kết mà sale đưa ra khi tư vấn. Nên chúng tôi buộc phải cắt lỗ để đẩy hàng, hòng thu hồi vốn”, bà Huyền chia sẻ.
Bà Lan, bạn của bà Huyền nói thêm, bà cũng mua 2 căn giống như bạn mình, nhưng hiệu quả đầu tư thì quá thấp. Cả 2 đóng mỗi căn gần 700 triệu đồng, hiện đã đưa vào khai thác nhưng hiệu quả thấp nên đã bàn nhau chấm dứt hợp đồng, thanh lý những sản phẩm này.
“Mỗi căn chúng tôi bị phạt hơn 300 triệu đồng, tính ra mất nửa số vốn đã bỏ ra. Nhưng thôi, coi như đầu tư thất bại, phải thu hồi lại vốn, được đồng nào hay đồng đó”, bà Lan nói.
Trước khi thanh lý hợp đồng với chủ đầu tư, bà Lan bà Huyền đã tìm kiếm nhà đầu tư khác để nhượng lại, nhưng sau thời gian dài rao bán mà không có ai mua. Thế nên, 2 bà phải chấp nhận bị phạt để thanh lý hợp đồng.
Giống trường hợp của bà Huyền, bà Lan, anh Hồng Đăng (TP. Thủ Đức) cũng vừa cắt lỗ 400 triệu đồng để thanh lý căn condotel anh mua tại Đà Nẵng.
Theo đánh giá của các công ty bất động sản, mặc dù nguồn cung condotel rất èo uột nhưng giá bán lại liên tục giảm, thậm chí nhiều nơi phân khúc này còn bị lãng quên.
Nhiều nơi vốn là điểm nóng phát triển condotel những năm qua, nhưng thời gian gần đây lại trở nên trầm lắng bất thường, nguồn cung ít, không có giao dịch.
Anh Trần Văn Công, một môi giới bất động sản ở Hà Nội chia sẻ, trước đây anh rất “khoái” bán condotel, biệt thự du lịch biển, nhưng thời gian gần đây đành phải chuyển hướng vì thị trường quá ảm đạm.
Thị trường BĐS du lịch quá èo uột dẫn tới nên số lượng nhà đầu tư quan tâm cũng thưa thớt.
Nhiều tháng trước, anh Công đã rao bán 5 căn condotel ở Bãi Cháy (Quảng Ninh), dù chấp nhận cắt lỗ nhưng mới chỉ bán được 2 căn. Nhiều tháng qua, khách hàng không ngó ngàng đến những căn còn lại. Cứ tưởng thời điểm du lịch sẽ dễ đẩy hàng đi, nhưng các nhà đầu tư vẫn không mặn mà.
Theo anh Công, điều mà khách hàng, nhà đầu tư e ngại nhất chính là vấn đề pháp lý của loại hình bất động sản này.
“Bỏ ra số tiền không nhỏ nhưng vẫn chưa biết số phận của nó ra sao, rõ ràng đó là điều nhà đầu tư nào cũng lăn tăn”, chị Thanh Hải - môi giới bất động sản lý giải.
Thế nên, nhiều nhà đầu tư muốn đẩy hàng đi để thu hồi vốn, chuyển hướng đầu tư nhưng vẫn rất khó bán. “Cứ nói du lịch phục hồi, kênh BĐS nghỉ dưỡng phục hồi nhưng thanh khoản yếu, rao bán căn hộ cũng khó khớp”, một nhà đầu tư than thở.
Pháp lý trói chân
Xung quanh vấn đề này, TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phân tích, vấn đề pháp lý không rõ ràng đã trói chân bất động sản du lịch.
Ông Đính nhận định, pháp lý chưa rõ ràng chính là vấn đề mang tính then chốt khiến phân khúc này bị kéo lùi lại. Theo ông Đính, điều này đi ngược với chủ trương phát triển ngành công nghiệp không khói ở nước ta, lãng phí tiềm năng dồi dào của du lịch. Một khi, những cơ sở du lịch, nghỉ dưỡng, lưu trú thiếu thốn thì sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của du lịch, dù tiềm năng có tốt đến mấy.
“Quan điểm của tôi là cần hoàn thiện pháp lý cho các loại hình BĐS mới trên thị trường như condotel, officetel, shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng… Làm sao đáp ứng đầy đủ được nhu cầu về pháp lý cho loại hình BĐS mới này là điều kiện tiên quyết thúc đẩy phát triển tốt thị trường du lịch trong nước”, ông Đính nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Văn Đính lấy làm tiếc khi Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này lại không đề cập đến một vấn đề mà giới bất động sản đang mong chờ, đó là condotel. Theo ông Đính, cần đưa vấn đề này vào bàn bạc, lấy ý kiến, hoàn thiện cơ sở pháp lý bởi suốt 10 năm qua, loại hình bất động sản này đã ra đời, tồn tại và phát triển. Nhu cầu của người dân, của xã hội là rất thực tế.Chính vi thế, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - VARS kiến nghị, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến loại hình bất động sản này để vá lỗ hổng và cởi trói cho bất động sản du lịch.
Theo ông Đính, việc cơ quan quản lý nhà nước chưa giải quyết thấu đáo vấn đề pháp lý cho condotel là một thiệt thòi cho loại hình bất động sản này. Nếu lần sửa luật Đất đai 2013 này không giải quyết được thì thị trường BĐS du lịch sẽ tiếp tục bị “trói chân” như thời gian qua.