Tết Nguyên Đán là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Đán
BÀI LIÊN QUAN
Lau dọn bàn thờ ngày Tết đúng phong thủy, đón tài lộc cả nămMách bạn cách dọn nhà đón Tết Nhâm Dần 2022 nhanh chóng và hiệu quảTử vi 12 con giáp 2022: Tuổi Tý hạn chế đầu tư, tuổi Tỵ đừng cho vay tiềnTết Nguyên Đán là lễ hội quan trọng nhất của người Việt, thế nhưng không phải ai cũng biết được nguồn gốc và ý nghĩa của nó. Bài viết đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích để hiểu rõ hơn về ngày Tết cổ truyền của dân tộc nhé!
1. Tết Nguyên Đán là gì?
Tết Nguyên Đán (còn có tên gọi là Tết Cả, Tết Âm lịch, Tết ta, Tết cổ truyền hay đơn giản là Tết) là dịp lễ đầu năm quan trọng và có ý nghĩa lớn đối với người Việt.
Tên gọi của Tết có nguồn gốc từ tiếng Hán. “Tết” được Việt hóa từ từ “tiết”; “nguyên” là sự khởi đầu, sơ khai, mới mẻ; “đán” là buổi sáng sớm. Như vậy Tết Nguyên Đán có ý nghĩa là buổi sớm mai của đầu năm.
Theo ảnh hưởng của Âm lịch và nền văn minh lúa nước, do nhu cầu canh tác nông nghiệp nên người ta đã chia một năm ra thành 24 khí tiết khác nhau. Trong đó, tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu một chu kỳ canh tác của năm đó là Tiết Nguyên Đán hay theo người Việt mình gọi là Tết Nguyên Đán.
2. Cách tính thời gian của Tết Nguyên Đán
Tết Nguyên Đán của người Việt Nam được tính theo Âm lịch, bắt đầu vào ngày đầu tiên của năm Âm lịch, đến muộn hơn tết Dương lịch (Tết Tây). Do quy luật cứ 3 năm lại nhuận 1 tháng nên Tết Âm lịch thường đến sau Tết dương lịch từ 1 - 2 tháng nhưng không bao giờ diễn ra trước ngày 21/01 Dương lịch và sau ngày 19/02 Dương lịch.
Theo truyền thống, hầu hết người Việt đều làm nông nên Tết Nguyên Đán thường vào đúng dịp nông dân nhàn rỗi, đang nghỉ ngơi để chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo.
3. Nguồn gốc của Tết Nguyên Đán
Nguồn gốc của Tết Nguyên Đán như thế nào đến ngày nay vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Nhiều thông tin cho rằng, Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ Trung Quốc, được du nhập vào nước ta trong những năm Bắc thuộc. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã tìm ra nhiều bằng chứng từ lâu Tết Nguyên Đán là Tết của người Việt cổ, chứ không phải xuất xứ từ Trung Quốc. Bằng chứng thứ nhất chính là trong sự tích “Bánh chưng bánh dày”, nội dung truyện đã nói đến phong tục làm bánh chưng bánh dày và “Tết” đã xuất hiện từ thời vua Hùng, nghĩa là có trước cả thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc. Như vậy, Tết Nguyên Đán chính là Tết cổ truyền của người Việt ta.
4. Ý nghĩa của ngày Tết
Tết Nguyên Đán là thời điểm giao thoa giữa trời đất, thần linh và con người
Tết Nguyên Đán được xem là thời điểm giao thoa giữa đất trời, thần linh với con người. Do đó, nhiều người tin tưởng rằng trong những ngày đầu năm mới những ý nghĩ, mong ước và hành động đều sẽ được các vị thần linh nghe được và ban phước lành. Đồng thời, những lời chúc tốt lành được trao cho người thân, bạn bè của mình với mong muốn họ cũng sẽ nhận được những điều tốt trong năm mới. Ngoài ra, Tết cũng là dịp để tỏ lòng thành kính tới những vị thần liên quan đến mùa màng như thần Đất, thần Nước, thần Mưa, thần Sấm…
Tết Nguyên đán là dịp để tỏ lòng thành kính lên ông bà tổ tiên
Tết Nguyên Đán là dịp quan trọng nhất trong năm để con cháu trong nhà sum vầy, là dịp để con cháu đi làm ăn xa được về quê hương ăn Tết. Đây cũng là dịp để con cháu tập trung lại và chuẩn bị mâm cỗ Tết để dâng lên bàn thờ cúng ông bà, tổ tiên. Theo quan niệm của người xưa, vào dịp Tết ông bà, tổ tiên sẽ về nhà để ăn Tết và phù hộ cho con cháu trong gia đình mạnh khỏe, hòa thuận hơn.
Tết Nguyên đán là ngày may mắn và hy vọng
Năm mới tượng trưng cho mở đầu mới, vì vậy mỗi dịp Tết người dân thường đi lễ chùa cầu phúc và cầu cho một năm mới may mắn, bình an. Người xưa có quan niệm, đi chùa vào năm mới sẽ giúp xua đuổi những điều không may mắn của năm cũ và đón nhận thêm nhiều tốt đẹp cho năm mới.
Tết Nguyên đán là thời gian để gia đình quây quần bên nhau
Tết Nguyên Đán chính là dịp để những người con xa nhà về quê đoàn tụ với gia đình. Đây chính là thời điểm được những người thân trong gia đình được ngồi quây quần bên nồi bánh chưng, được cùng nhau ăn mâm cơm Tất niên, cùng nhau đón giao thừa chào năm mới. Đồng thời, đây cũng là dịp để con cháu tỏ lòng biết ơn, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ bằng những món quà ngày Tết thật ý nghĩa.
Tết Nguyên Đán là ngày rước tài lộc
Nhiều người có quan niệm, ngày Tết chính là dịp Thần tài gõ cửa từng nhà để ban tiền tài, sung túc và thịnh vượng. Vì vậy, nhiều gia đình thường mở cửa suốt đêm giao thừa để chào đón Thần Tài với hy vọng một năm mới làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn về tiền bạc. Theo thời gian, đây cũng đã trở thành một nét đẹp trong phong tục ngày Tết của người Việt ta.
Tết Nguyên Đán là ngày khởi nghiệp cho năm mới
Tết Nguyên Đán đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới với những cơ hội và thách thức mới. Trong những ngày đầu năm này, nhiều người thường đi xem ngày lành, tháng tốt để khai xuân, khai trương, khởi nghiệp với hy vọng công việc trong năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, thuận lợi hơn năm cũ.
Tết là sinh nhật của mọi người
Mỗi dịp Tết đến xuân về là người Việt thường có câu cửa miệng “Mừng thêm tuổi mới” khi gặp gỡ nhau. Đây cũng là dịp để mọi người trao cho nhau những câu chúc Tết may mắn nhất với hy vọng một năm mới sẽ tốt đẹp hơn. Người trưởng thành sẽ mừng tuổi người già và trẻ nhỏ với lời chúc các cụ sống lâu trăm tuổi, chúc cháu chú nhỏ hay ăn chóng lớn, ngoan ngoãn, học giỏi.
Từ bao đời nay, Tết Nguyên Đán đã trở thành dịp lễ không thể thiếu trong văn hóa của người Việt ta. Hy vọng những thông tin trong bài sẽ giúp bạn hiểu rõ về nguồn gốc cũng như ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Đán. Chúc bạn và gia đình có những phút giây ấm chúng, hạnh phúc và ngập tràn niềm vui trong dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022.