Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường bất động sản tại Bình Phước phát triển nhờ "đòn bẩy" hạ tầng, khu công nghiệpBất động sản khu công nghiệp sẽ "bùng nổ" trong 6 tháng cuối năm?Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng thu hút nguồn vốn đầu tư FDI vào khu công nghiệpNhu cầu thuê đất công nghiệp tiếp tục tăng
Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, số dự án thứ phát đang hoạt động là 707 dự án, trong đó, có 305 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vốn đăng ký trên 6,1 tỷ USD; 402 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 18.000 tỷ đồng.
Về kết quả sản xuất kinh doanh, ước 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp là 4.869 triệu USD; nộp ngân sách Nhà nước 238,5 triệu USD; xuất khẩu 3.124 triệu USD.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội nhận định, nhu cầu thuê đất tại các khu công nghiệp tiếp tục tăng trưởng tích cực nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, hồi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, nổi bật với việc gỡ bỏ thủ tục thành lập khu công nghiệp nhằm giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp muốn đầu tư phát triển khu công nghiệp.
Đồng thời, phân quyền quản lý nhà nước nhiều hơn cho Bộ kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh, thành phố trong triển khai hoạt động các khu công nghiệp. Đáng chú ý, việc đơn giản hóa các thủ tục pháp lý, phân quyền nhiều hơn cho các địa phương có thể giúp giảm thủ tục cấp phép đầu tư tại các khu công nghiệp. Ngay khi được chấp thuận đầu tư các khu công nghiệp sẽ có thể nhận được giấy phép đầu tư.
Ông Lê Quang Long, Giám đốc Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho rằng đây là điểm mới đột phá, tạo thuận lợi rất lớn cho địa phương, các đơn vị kinh doanh hạ tầng vì thủ tục này thực hiện thường xuyên nhưng trước đây phải theo một quy trình phức tạp và kéo dài.
“Nhằm cụ thể hoá Nghị định 35 cũng như tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp - khu kinh tế, Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội đã nỗ lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính: cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O theo mức độ 3 trong thời gian 2h; giảm 25% thời gian, chi phí thực hiện đối với 18 thủ tục hành chính; rút gọn bộ thủ tục hành chính còn 77 thủ tục hành chính, triển khai giải quyết 12 thủ tục hành chính cấp độ 3 cho các doanh nghiệp khu công nghiệp, đang triển khai hoàn thiện 11 thủ tục hành chính cấp độ 3”, ông Long chia sẻ.
Công nhân được quan tâm về nhà ở
Một điểm mới thu hút sự quan tâm của các chuyên gia lẫn doanh nghiệp là công nhân được quan tâm về nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích tại khu công nghiệp. Nghị định 35 quy định khi xác định danh mục các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải đảm bảo quỹ đất để quy hoạch xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc tối thiểu là 2% tổng diện tích của các khu công nghiệp.
Trong khi đó, điều kiện xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp là có quy hoạch xây dựng khu nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động. Để xem xét mở rộng khu công nghiệp cần đạt điều kiện đã xây dựng, đưa vào sử dụng khu nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho công nhân.
Chuyên gia kinh tế La Văn Thái cho rằng, quy định này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với nhu cầu nhà ở của công nhân tại các khu công nghiệp. Để công nhân tiếp cận với chính sách nhà ở, ngoài trách nhiệm của chính quyền, cần có Thông tư hướng dẫn phân rõ trách nhiệm của chủ đầu tư khu công nghiệp trong vấn đề này.
“Với những khu công nghiệp đã triển khai nhưng chưa có đất làm nhà ở, chính quyền địa phương nên xem xét, bố trí quỹ đất xây nhà công nhân cho chủ đầu tư khu công nghiệp hoặc các doanh nghiệp. Trường hợp khu công nghiệp lớn chưa lấp đầy hết, còn đất trống thì xem xét cho điều chỉnh quy hoạch phần đất chưa sử dụng để làm nhà ở công nhân”, chuyên gia Lê Văn Thái nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Minh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát cho rằng, Nghị định 35 tạo các hành lang chính sách quy định cụ thể về loại hình dự án khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, đây là loại hình chính sách tiến bộ được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.
“Để doanh nghiệp tiếp cận được với chính sách này, thiết nghĩ Nhà nước cần nghiên cứu cơ chế, ban hành chính sách riêng về việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp theo hướng ưu tiên, bố trí quỹ đất và các thiết chế ở khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là hạ tầng thiết yếu tại khu công nghiệp. Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phải có trách nhiệm đầu tư nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp”, bà Minh kiến nghị.
Có thể thấy, với những chính sách mới đã mở ra nhiều cơ hội cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vào các khu công nghiệp. Đồng thời, các chính sách mới này còn đề cao nhu cầu “an cư lạc nghiệp” của đại đa số người lao động tại chính các khu công nghiệp.