Tại sao bất động sản xanh có sức hút mạnh đến vậy?
Theo Người lao động, các tập đoàn hàng đầu thế giới đã nhìn nhận Việt Nam là điểm đến lý tưởng để triển khai dự án, công xưởng có quy mô lớn khi xu hướng chuyển đổi xanh đang ngày càng mạnh tại các khu công nghiệp, tòa nhà văn phòng.
Những ưu thế mạnh của khu công nghiệp xanh
CBRE Việt Nam cho biết, tính tới quý II/2023, đã có nhiều dự án BĐS công nghiệp đăng ký cấp chứng nhận LEED (chứng nhận công trình xanh do Hội đồng Công trình xanh Mỹ cấp), đơn cử như Logos - Bắc Ninh, Core5 - Hải Phòng, KCN Xuyên Á - Long An, KCN Phú Tân - Bình Dương,...
“Dù chúng tôi chưa thấy rõ về sự chênh lệch giá thuê của các dự án công nghiệp đạt chứng chỉ xanh tại Việt Nam, nhưng khách thuê đang có xu hướng ưu tiên hơn với các dự án được phát triển bền vững và chú trọng vào năng lượng tái tạo. Thực tế, đang có nhiều hơn dự án công nghiệp được đăng ký và có chứng nhận LEED tại Việt Nam" - Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh chia sẻ.
Ở các khu bán lẻ, văn phòng xanh đang thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, bất chấp thị trường khó khăn, những văn phòng hạng A vẫn luôn thu hút khách thuê, giá không giảm nhiều.
Bà Thanh cho rằng, xu hướng văn phòng xanh được CBRE thường xuyên nhắc tới trong những năm qua, hiện dần rõ nét tại TP. HCM và Hà Nội. Dự kiến hơn 75% nguồn cung văn phòng tương lai xuất hiện từ quý III/2023 đến hết năm 2025 tại TP. HCM đều là các tòa nhà đạt chứng chỉ xanh.
Theo thống kê của đơn vị, hiện có khoảng 33% nguồn cung văn phòng hạng A tại TP. HCM đã đạt một trong những chứng chỉ xanh với giá thuê trung bình cao hơn khoảng 6% so với những tòa nhà cùng phân khúc. Trong khi đó, các nước phát triển có tỷ lệ văn phòng hạng A đạt chứng chỉ xanh trên tổng nguồn cung có thể tới gần 50%.
“Việc đầu tư vào công trình xanh hay tòa nhà có yếu tố xanh, bền vững đã dần trở thành một thông lệ được chủ đầu tư ở các nước phát triển áp dụng để bảo chứng giá trị tài sản. Trên thực tế, những tòa nhà hạng A có vị trí đẹp, đạt tiêu chuẩn mặt bằng và vận hành sẽ thu hút sự quan tâm của khách thuê dù chưa đi vào hoạt động chính thức. Có thể thấy nhu cầu về dịch chuyển sang mặt bằng chất lượng hơn sẽ tiếp tục phát triển mạnh, bất chấp hàng loạt thách thức từ nền kinh tế” - Vị chuyên gia nhìn nhận.
Báo cáo của Collier Việt Nam cho thấy sự sụt giảm trong ngắn hạn của hoạt động xuất khẩu không làm ảnh hưởng nhiều tới hiệu suất đầu tư xây dựng và cho thuê của các khu công nghiệp trong quý II/2023.
Nhanh chóng đẩy mạnh chuyển đổi
Nhìn nhận dưới góc độ của doanh nghiệp nước ngoài, đại diện Tập đoàn Pandora (thương hiệu trang sức hàng đầu thế giới) - Ông Michael Jensen cho biết, hầu hết các nhà bán lẻ đều muốn tòa nhà nơi họ làm việc đạt tiêu chuẩn LEED. Vì thế các chủ tòa nhà hay khu công nghiệp muốn nâng giá thuê thì phải đạt chuẩn xanh…
Nắm bắt được xu thế này, Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM (HEPZA) mới đây đã xây dựng đề án định hướng phát triển các KCX - KCN trong giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Như vậy sẽ có 5 khu sản xuất công nghiệp đầu tiên của TP. HCM, bao gồm: KCX Tân Thuận và 4 KCN gồm Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước và Bình Chiểu được thí điểm chuyển đổi trong năm 2023, 2024.
Những khu vực này được chuyển đối theo hướng phát triển công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và sáng tạo; Những sản phẩm và công đoạn đều có giá trị gia tăng cao; Ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Cùng với TP. HCM, “thủ phủ công nghiệp” Bình Dương cũng định hướng chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang mô hình thông minh - sinh thái. Đồng thời, tập trung thu hút các ngành nghề, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nâng cao chất lượng lao động, tạo giá trị gia tăng, vượt bẫy thu nhập trung bình…
Theo Ông Phạm Ngọc Thuận - Tổng Giám đốc Becamex IDC, kể từ tháng 2/2023 tới nay, Becamex hợp tác với Ngân hàng Thế giới và tư vấn kỹ thuật KPMG (Ấn Độ) thực hiện dự án nghiên cứu tiền khả thi về cơ hội phát triển khu công nghiệp sinh thái cho KCN Bàu Bàng.
Vị lãnh đạo thông tin: “Các đơn vị đã khảo sát thực tế các khu công nghiệp tại Bình Dương, nhất là ở Bàu Bàng, phỏng vấn trực tiếp doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, trao đổi thông tin với những đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông… nhằm nắm bắt nhu cầu và hiện trạng của các bên; Xử lý dữ liệu, tư liệu thu thập được, để phân tích, thảo luận và lên kế hoạch xây dựng một EIP đúng nghĩa trong tương lai".
Theo Savills Việt Nam, mô hình khu công nghiệp xanh đã đem tới lợi ích cho nhiều phía. Nhìn nhận dưới góc độ khách thuê, nhà máy đạt chứng chỉ xanh có thể giúp họ đạt được các yêu cầu từ Chính phủ và hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững của chính doanh nghiệp. Vì vậy, các dự án đáp ứng tiêu chuẩn môi trường hiện nay được nhiều bên quan tâm và tìm hiểu, bao gồm cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây chính là một lợi thế cạnh tranh cho những doanh nghiệp phát triển bất động sản có khả năng đáp ứng được những điều kiện ngặt nghèo như vậy.