Sửa Luật Đất đai lần thứ tư "lỡ hẹn": Những bất cập cần sớm được tháo gỡ
BÀI LIÊN QUAN
Những lý do nên chọn văn phòng tư vấn luật đất đai khi xây dựngTrả lời một số câu hỏi về khiếu nại luật đất đaiQuy định chung về luật đất đai và nhà ở tại Việt Nam mới nhất 2021Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đến sau thời điểm Trung ương có chủ trương, định hướng, chỉ đạo về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi dự án Luật. Thời điểm đó, Chính phủ sẽ hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng thời hạn đề xuất lùi của Chính phủ chưa cụ thể, trong khi đây là dự luật rất cấp thiết, phải ban hành sớm. "Dự án luật đã được đưa vào chương trình từ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, tháng 5/2019, sau đó phải điều chỉnh nhiều lần. Lần này là đề nghị điều chỉnh thứ tư", ông Tùng nhấn mạnh.
"Không thể không lùi"
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Một trong những nội dung đáng chú ý là Chính phủ tiếp tục đề nghị xin lùi thời hạn trình Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đến sau thời điểm Trung ương có chủ trương, định hướng, chỉ đạo về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi dự án Luật. Thời điểm đó, Chính phủ sẽ hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội.
Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đây là dự án luật rất cấp thiết, cần phải ban hành sớm và đã được đưa vào Chương trình từ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2019), sau đó phải điều chỉnh nhiều lần, lần này là đề nghị điều chỉnh lần thứ tư.
Do đó, các cơ quan của Quốc hội đề nghị chỉ nên lùi 1 kỳ để trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và vẫn xem xét, thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp như Quốc hội đã quyết định. Tức là, đến kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2023) sẽ thông qua.
Theo Ủy ban Kinh tế, công tác chuẩn bị Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) triển khai còn chậm so với kế hoạch đề ra. Qua quá trình phối hợp công tác, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, đến thời điểm hiện tại, việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại (Nghị quyết số 19-NQ/TW) vẫn đang triển khai, dự kiến sẽ trình Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (tháng 5/2022).
Trong khi đó, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ thể chế hóa những quan điểm, chủ trương mới của Đảng và có phạm vi tác động rất rộng, nhiều vấn đề dự kiến đưa vào dự thảo Luật có tính chất phức tạp, nhạy cảm, còn nhiều ý kiến khác nhau, do đó việc đến thời điểm hiện tại chưa có Nghị quyết (mới) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng dẫn đến quá trình xây dựng dự thảo Luật còn chậm trễ, khó khăn do thiếu các quan điểm chỉ đạo, định hướng.
Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Luật đất đai (sửa đổi) là dự án Luật khó, đã trình lên trình xuống lần thứ tư và được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.
Quá trình giám sát về công tác quy hoạch cũng cho thấy khá nhiều vướng mắc về đất đai, nên phải sớm đưa dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, ông Thanh nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết thêm là 19 nhóm vướng mắc cần sửa đổi đến nay đã gom lại còn 6 vấn đề nên đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình Quốc hội để đáp ứng mong mỏi của đại biểu Quốc hội và nhân dân.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân báo cáo, theo Nghị quyết 17 của Quốc hội, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3, tháng 5/2022. Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp các bộ ngành, các ủy ban của Quốc hội xây dựng luật này.
Theo Thứ trưởng Nhân, Bộ đã xây dựng, hoàn thiện các dự thảo, tờ trình về Luật Đất đai (sửa đổi), rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tổng kết việc thi hành Luật Đất đai 2013 cũng như đánh giá tác động các chính sách liên quan theo quy định.
Tuy nhiên, ông Nhân nhấn mạnh, Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như xây dựng các chính sách về đất đai phải có nghị quyết của Trung ương làm cơ sở chính trị, đây là căn cứ quan trọng để lấy ý kiến, thẩm định trình Quốc hội.
“Chính phủ cũng đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Tờ trình số 01 ngày 9/3, đề nghị lùi thời hạn trình Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đến sau thời điểm Trung ương có chủ trương, chỉ đạo làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi Luật Đất đai”, ông Nhân thông tin.
Thứ trưởng cũng xác định sẽ trình dự thảo luật này vào kỳ họp Quốc hội tháng 10/2022 (sau Hội nghị Trung ương vào tháng 5/2022).
Thừa nhận dự án luật này trước đó cũng được lùi nhiều lần, song, “đến nay vẫn không thể không lùi được. Do căn cứ chính trị, pháp lý của luật này phải có nghị quyết của Trung ương về đổi mới chính sách pháp luật về đất đai", ông Nhân trình bày.
Đồng tình lùi Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nói rõ là chỉ lùi đến kỳ họp thứ tư của Quốc hội. "Trước mắt cứ thế đã rồi sau tính tiếp, lần này quyết tâm trình ở kỳ họp thứ tư", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Luật Đất đai (sửa đổi) đúng là phải lùi, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nói khi hồi âm các vấn đề đặt ra tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý lùi thời gian trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) 1 kỳ họp, từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận.
Nhiều kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai
Theo nhận định của các chuyên gia dự án sửa đổi Luật đất đai 2013 là một dự án lớn, sửa đổi một đạo Luật quan trọng bậc nhất, quyết định và có ảnh hưởng đến hàng loạt các Luật liên quan khác.
Nói như Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, Luật Đất đai sửa đổi sẽ quyết định triển vọng phát triển của đất nước. Chính vì vậy, Luật Đất đai sửa đổi phải mang tính trí tuệ, bao quát phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới.
PGS.TS Doãn Hồng Nhung - Giảng viên cao cấp Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội thừa nhận dự án sửa Luật đất đai lần này là một dự án rất phức tạp khi mà đã ra đời hơn 30 năm với 5 lần sửa đổi nhưng vẫn còn tồn tại bất cập, chồng chéo.
Việc thận trọng, xem xét kỹ có thể hiểu được bởi việc sửa đổi Luật đất đai 2013 sẽ phải xử lý được những những tồn tại hiện hữu liên quan đến đất đai trong một loạt Luật khác như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh Bất động sản; Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp, Luật Quy hoạch,…
"Và việc lùi này là hợp lý để có thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, cẩn trọng bởi ảnh hưởng của Luật đất đai là rất lớn đối với nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là khối doanh nghiệp" - bà Nhung bày tỏ.
Các chuyên gia cũng đề xuất những kiến nghị, bất cập tại Luật Đất đai cần sớm được tháo gỡ gồm: Vấn đề cho phép tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài thế chấp quyền sử dụng đất; Về vấn đề cho người nước ngoài sở hữu và giao dịch bất động sản. Hiện nay Luật Kinh doanh bất động sản đã cho phép điều này, trong khi Luật Nhà ở thì không.
Về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất: Cần bổ sung khái niệm về chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trong đó, chuyển đổi này phải phù hợp với quy hoạch nếu không sẽ bị “phá vỡ”.
Về cơ chế chuyển dịch đất đai, hiện nay vẫn thiếu và chưa có khuyến khích chuyển dịch đất đai tự nguyện, đa số vẫn còn thiên hướng về cưỡng ép, chưa tự nguyện. Ví dụ như Nghị định 42 còn bó hẹp về tính tự nguyện.
Về bồi thường và hỗ trợ tái định cư: Hiện nay việc này khó thực hiện là do phương án tính giá đất, mức giá 5 năm mới thay đổi 1 lần trong khi thực tế nền kinh tế xã hội thay đổi rất nhanh trong 5 năm. Do đó cần đẩy nhanh chu kỳ thay đổi giá đất, bên cạnh đó cần có cơ chế thu hồi đất thoả đáng hơn.
Liên quan đến hệ thống tài chính đất đai, cần xem lại thẩm quyền ban hành khung giá đất, bảng giá đất. Hiện nay chính quyền địa phương đang thực hiện thủ tục này đề xuất thuê cơ quan định giá đất độc lập.
Về phương pháp định giá đất: Mỗi địa phương đang áp dụng một phương pháp. Đề xuất chỉ nên có 2 phương pháp: So sánh trực tiếp hoặc hệ số điều chỉnh phù hợp, tần suất nhanh hơn.