meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Siết phát hành trái phiếu doanh nghiệp: “Không để 1 nhà F0 đóng cửa cả làng”

Thứ năm, 12/05/2022-07:05
Để thực hiện các dự án, đảm bảo nguồn cung bất động sản đưa ra thị trường, góp phần tăng trưởng kinh tế, các doanh nghiệp bất động sản rất cần đến nguồn vốn lớn và được huy động từ nhiều kênh để đảm bảo dòng tiền bền vững. Trong đó, nguồn vốn đến từ trái phiếu đã trở thành kênh huy động vốn tích cực cho các doanh nghiệp.

Nguồn vốn là sự sống của doanh nghiệp bất động sản. Ảnh minh họa
Nguồn vốn là sự sống của doanh nghiệp bất động sản. Ảnh minh họa

Nguồn vốn là sự sống

Theo thông tin từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đóng góp của thị trường bất động sản trong GDP giai đoạn 2019 - 2021 khoảng 14%. Thị trường bất động sản có khả năng lan tỏa đến gần 40 ngành quan trọng khác của nền kinh tế và trở thành nhịp cầu nối cho các thị trường khác, góp phần phát triển đồng bộ các loại thị trường và đó là điều quan trọng để cơ chế thị trường phát huy tác dụng.

PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho biết, để thực hiện các dự án, đảm bảo nguồn cung bất động sản đưa ra thị trường, góp phần tăng trưởng kinh tế, các doanh nghiệp bất động sản rất cần đến nguồn vốn lớn và được huy động từ nhiều kênh để đảm bảo dòng tiền bền vững. Có thể nói, sự sống của doanh nghiệp bất động sản phụ thuộc vào nguồn vốn. 

Thực tế, tại Việt Nam, vốn đầu tư vào thị trường bất động sản thời gian qua bao gồm 5 nguồn: Vốn tự có của doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bất động sản trong nước; vốn đầu tư nước ngoài; vốn huy động từ các nhà đầu tư trực tiếp thông qua hình thức mua bán bất động sản hình thành ở tương lai; nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng - chủ yếu là từ các ngân hàng thương mại; vốn huy động từ thị trường chứng khoán - trái phiếu, cổ phiếu.

Mặc dù các kênh vốn trên thị trường đang khá đa dạng, nhưng từ trước đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đều phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi Ngân hàng Nhà nước có những động thái siết tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản, nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuyển sang huy động vốn thông qua phương thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong khoảng 3 năm gần đây, trái phiếu trở thành công cụ gọi vốn hữu hiệu cho rất nhiều doanh nghiệp, khiến quy mô của thị trường này tính trên GDP có sự tăng trưởng mạnh.

Cũng theo PGS.TS Ngô Trí Long, giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp thiếu vốn trong khi vay ngân hàng cần tài sản đảm bảo, quy trình mất thời gian; vay vốn lưu động không được nhiều do sản xuất kinh doanh khó khăn nên phải tìm cách huy động vốn mới để đảm bảo hoạt động. Khi đó, trái phiếu đã trở thành kênh huy động vốn tích cực cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn trung, dài hạn, qua đó giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Có thể nói, kênh gọi vốn trái phiếu đóng vai trò quan trọng với doanh nghiệp và san sẻ gánh nặng cho các ngân hàng, định hướng nhà đầu tư tập trung vào các khoản đầu tư trung, dài hạn thay vì gửi tiền tiết kiệm ngắn hạn.

Thận trọng với phát hành trái phiếu


Trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn tích cực của doanh nghiệp, tuy nhiên cần có sự kiểm soát chặt chẽ. Ảnh minh họa
Trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn tích cực của doanh nghiệp, tuy nhiên cần có sự kiểm soát chặt chẽ. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, việc doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chuyển sang thực hiện huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, lượng phát hành quy mô lớn, lãi suất cao sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thị trường, do lượng trái phiếu phát hành lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, có trường hợp gấp 40 lần.

Kỳ hạn phát hành trái phiếu ngắn chỉ từ 3 đến 5 năm nhưng thời gian triển khai dự án thường kéo dài trên 5 năm. Đáng quan ngại, một số doanh nghiệp dùng tài sản đảm bảo là các bất động sản, dự án trong khi việc định giá tài sản đảm bảo có thể không sát với giá thực tế, thậm chí định giá cao hơn giá trị thực.

Chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo rằng, việc các doanh nghiệp bất động sản ồ ạt phát hành trái phiếu, đưa ra lãi suất cao để thu hút người dân tham gia mà không cung cấp thông tin đầy đủ, không có sự giám sát, quản lý của cơ quan chức năng sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng đảo nợ và tiềm ẩn nguy cơ bong bóng bất động sản.

Trước vấn đề này, cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 01 về tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Bộ Xây dựng cũng nhanh chóng vào cuộc khi kiến nghị nghiên cứu sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trong nước và ra thị trường quốc tế, siết chặt việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản để thị trường ổn định, góp phần vào ổn định chung cho cả nền kinh tế.

Giới chuyên gia cho rằng, việc “bắt sâu nhổ cỏ”, “gạn đục khơi trong” và có những quy định siết chặt hơn việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp là vô cùng cần thiết, song cần tránh làm ách tắc dòng vốn hay giảm đi cơ hội tiếp cận vốn đối với bất kỳ doanh nghiệp nào.

Bà Hoàng Hải Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam cho hay, siết phát hành trái phiếu là cần thiết, nhưng các giải pháp đưa ra cần tính toán kỹ lưỡng, không vì những hậu quả của giai đoạn vừa qua mà thắt chặt đến mức triệt tiêu động lực phát triển của thị trường bất động sản. 

Việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để làm trong sạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp đồng nghĩa với tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tiềm năng và phát triển thị trường an toàn, lành mạnh. Thời gian tới, yêu cầu “đánh chuột không được làm vỡ bình”, xử lý hành vi sai phạm mà không làm ngưng đọng hay đổ vỡ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản liên quan càng có ý nghĩa quan trọng, khi mà tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực bất động sản đang bị siết chặt, còn thị trường bất động sản đứng trước nhiều cơ hội bùng nổ, đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần lan tỏa tác động tích cực vào đà phục hồi, tăng sức bật phát triển kinh tế vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài trong bối cảnh bình thường mới.

Đồng quan điểm, TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cũng nhận định rằng, bài học về phòng chống Covid-19 vẫn còn đó, không thể vì một nhà F0 mà đóng cửa cả làng. Vì vậy cũng không nên đối xử với thị trường bất động sản như vậy. Bất cứ cản trở nào gây ra khủng hoảng với thị trường bất động sản cũng sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế và những ngành liên đới.

Thanh Tùng
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Thấy gì từ gần 26.000 sản phẩm tồn kho của doanh nghiệp bất động sản?

Thí điểm mở rộng đất xây dựng nhà ở thương mại: Tránh tạo cơ chế xin cho

Sân pickleball mọc lên ồ ạt, đầu tư không còn “hái ra tiền”

Thúc đẩy chuyển đổi dự án để tăng nguồn cung NOXH

Huyện Hoài Đức tiếp tục đấu giá đất tại khu Lòng Khúc: Kịch bản nào sẽ xảy ra?

Chuyên gia dự báo, thị trường bất động sản sẽ bật lên sau 3-4 năm nữa

Đề xuất đánh thuế bất động sản thứ hai: Lo ngại những "phản ứng ngược"!

Dự án NOXH đầu tiên tại Quảng Ninh có mức giá "dễ chịu", nhiều căn dưới 600 triệu đồng

Tin mới cập nhật

"Nhập cuộc" đường đua NOXH, Nam Định sắp có dự án hơn 900 tỷ đồng với 1.100 căn hộ

22 giờ trước

Thấy gì từ gần 26.000 sản phẩm tồn kho của doanh nghiệp bất động sản?

22 giờ trước

Thí điểm mở rộng đất xây dựng nhà ở thương mại: Tránh tạo cơ chế xin cho

22 giờ trước

Kết thúc đấu giá đất Hoài Đức: 2 lô đắt nhất 15 tỷ đồng/lô, gấp 14 lần khởi điểm

22 giờ trước

Công nghệ đang định hình tương lai cho người mua nhà lần đầu như thế nào?

1 ngày trước