Samsung Electronics có quý lãi kỷ lục nhờ chip nhớ
BÀI LIÊN QUAN
“Gã khổng lồ” Samsung cắt giảm giờ làm tại Việt Nam nhằm mục đích gì?Thị trường đìu hiu, Samsung tồn kho tới 50 triệu smartphoneTổng giám đốc Choi Joo Ho: Người thuyền trưởng đưa Samsung Việt Nam vững bước trên chặng đường mớiTrong lần báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2022, hãng điện tử Samsung Electronics đã đạt mức lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2018 nhờ doanh thu lớn từ mảng chip nhớ. Theo Bloomberg, Samsung đã đạt được kết quả vô cùng khả quan này bất chấp nhu cầu của các nhà sản xuất di động thông minh hạ nhiệt do tác động của lạm phát.
Sau khi Samsung công bố kết quả kinh doanh sơ bộ quý II, giá cổ phiếu của nhà sản xuất smartphone và chip nhớ lớn nhất thế giới đã tăng 2,5% trong phiên giao dịch sáng ngày 7/7, mạnh hơn mức tăng 1,5% của thị trường.
Trong quý II/2022, Samsung ghi nhận lợi nhuận hoạt động 14.000 tỷ Won (tương đương 10,7 tỷ USD), tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021 và gần bằng mức dự báo 14.450 tỷ Won của các nhà phân tích theo khảo sát của Refinitiv. Doanh thu của doanh nghiệp này cũng tăng 21% lên 77.000 tỷ USD, bằng với mức dự báo của các nhà phân tích. Tập đoàn này, trong quý I, cũng đã ghi nhận tình hình kinh doanh khả quan khi lợi nhuận hoạt động đạt 11,6 tỷ USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức dự báo (11 tỷ USD). Đây là quý I có lợi nhuận cao nhất của Samsung từ năm 2018. Doanh thu của Samsung cũng cao hơn dự báo và đạt 63,2 tỷ USD, tăng 18% so với quý I/2021.
Trước đó, các nhà phân tích đã dự đoán Samsung sẽ duy trì đà tăng trưởng trong năm 2022. "Chúng tôi dự đoán doanh thu (của Samsung) sẽ duy trì tăng trưởng trong năm 2022 nhờ thị trường bán dẫn và màn hình phục hồi vào nửa cuối năm", nhà phân tích Peter Lee tại Citigroup nhận định.
"Tình hình kinh doanh của Samsung vượt mức thị trường dự đoán, có thể do doanh số chip nhớ ổn định và giá cả tốt hơn mong đợi", Park Sung-soon, nhà phân tích tại công ty tài chính Cape Investment & Securities cho biết.
Samsung Electronics có kết quả kinh doanh khả quan dù một số nhà máy sản xuất chip lớn khác đã cảnh báo về tình trạng thừa chip do nhiều khách hàng đẩy mạnh dự trữ chip trong đại dịch nhằm đón đầu nhu cầu tăng khi các hoạt động trở lại bình thường thời hậu đại dịch.
Các nhà sản xuất chip hàng đầu như Micron và Advanced Micro Devices, gần đây, đều đưa ra dự báo nhu cầu chip sẽ suy yếu do lạm phát cao khiến người tiêu dùng siết chặt hầu bao.
“Các nhà sản xuất chip nhớ dự kiến sẽ tăng lượng hàng tồn kho và tăng hàng bán khi giá phục hồi và nhu cầu tăng trở lại vào năm tới”, nhà phân tích Park Sung-soon của Cape Investment & Securities, dự báo.
Theo TrendForce, giá chip DRAM, loại chip dùng trong các thiết bị điện tử và máy chủ, tháng 6 đã giảm khoảng 12% so với một năm trước. Còn giá chip NAND Flash, dùng để lưu trữ dữ liệu, cũng được dự báo sẽ giảm 5% trong quý III so với quý II.
Theo các nhà phân tích, lạm phát gia tăng, nỗi lo suy thoái tại các nền kinh tế lớn, chiến tranh ở Ukraine và các biện pháp phong tỏa, hạn chế nghiêm ngặt để phòng dịch Trung Quốc đã khiến doanh số smartphone giảm. Nhu cầu chip dùng cho máy chủ trở thành điểm sáng duy nhất có doanh số tăng.
Trong quý I, lợi nhuận của Samsung được đảm bảo khi các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Amazon, Microsoft, Google, Alphabet và Meta tiếp tục mua chip dùng cho các trung tâm dữ liệu khổng lồ của mình nhằm đáp ứng nhu cầu về điện toán đám mây của khách hàng.
Dự báo nhu cầu chip máy chủ tiếp tục cao, nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng Foxconn ngày 4/7 đã nâng dự báo triển vọng kinh doanh của mình trong quý III và cả năm 2022.
Ngoài ra, việc đồng USD tăng giá – hiện ở mức cao nhất 20 năm – cũng góp phần mang lại cho lợi nhuận cao cho Samsung trong quý II. Nguyên nhân là doanh thu chip của công ty này chủ yếu tính bằng USD trong khi báo cáo lợi nhuận bằng đồng Won.
Trong quý II, doanh số smartphone ước tính của Samsung sẽ trong khoảng 62-64 triệu chiếc, thấp hơn 5-8% so với dự báo hồi tháng 3 của Counterpoint Research. Lạm phát là nguyên nhân chủ đạo gây ảnh hưởng tới nhu cầu của mặt hàng này. Quý I/2022, “ông lớn” công nghệ này bán ra 74 triệu chiếc smartphone.
“Xu hướng tương tự cũng xảy ra với các nhà sản xuất smartphone lớn trên thế giới, dù khác nhau ít nhiều ở mức độ. Đặc biệt, nhu cầu smartphone cấp thấp và cấp trung dường như còn giảm mạnh hơn”, nhà phân tích cấp cao Jene Park, tại Counterpoint, nhận xét.
Mặc dù lãi đậm nhưng các nhà đầu tư của Samsung vẫn rất lo lắng. Theo nhà phân tích Lee Seung-woo của Eugene Investment & Securities, tăng trưởng giá cổ phiếu kém của Samsung cho thấy công ty này đang đối mặt nhiều rủi ro. Trong 12 tháng qua, giá cổ phiếu này đã giảm 3,3%, trong khi đó chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc tăng 3,6% cùng giai đoạn.
"Chúng tôi không thể không thở dài khi chứng kiến giá cổ phiếu tăng trưởng kém như vậy, trái ngược với mức lợi nhuận lớn. Kế hoạch đầu tư lớn của hãng chip Mỹ Intel là một yếu tố đáng lo ngại. Nếu Mỹ đổi hướng chiến lược bán dẫn để giảm bớt sự phụ thuộc vào châu Á, việc này chắc chắn sẽ tạo ra gánh nặng không chỉ cho Samsung mà cả ngành công nghiệp chip của Hàn Quốc và cả nền kinh tế nước này”, ông Lee viết trong một báo cáo công bố đầu tuần này.
Tháng trước, Intel đã công bố giai đoạn đầu của kế hoạch đầu tư tới 80 tỷ Euro (87,2 tỷ USD) vào Liên minh châu u (EU) trong thập kỷ tới, với các mục tiêu nằm trên toàn bộ chuỗi giá trị chất bán dẫn, từ nghiên cứu phát triển, sản xuất cho tới hiện hóa công nghệ đóng gói.
Bên cạnh mảng sản xuất chip nhớ, tập đoàn Samsung cũng đang đẩy mạnh đầu tư phát triển các lĩnh vực chiến lược khác. Hồi cuối tháng 5, tập đoàn này thông báo sẽ đầu tư 450.000 tỷ Won (tương đương 356 tỷ USD) trong 5 năm tới để thúc đẩy tăng trưởng trong các lĩnh vực chiến lược gồm bán dẫn, dược sinh học và các công nghệ thế hệ mới khác. Tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc sẽ đầu tư mạnh vào ngành dược sinh học nhằm đạt được những thành công tương tự như đã làm với ngành chip.