"Quay cuồng" với đất ven biển, miền núi: Lấp ló những hệ lụy phía sau
BÀI LIÊN QUAN
Số phận buồn của nhà đầu tư: Nóng ruột gom tiền lao vào cơn sốt, bạc mặt chôn vốn ôm hận chục nămThời của sốt đất: Một dự án tăng giá, các dự án xung quanh đồng loạt tăng theoGiá đất ven biển Quảng Ngãi tăng "đột biến", nhảy múa liên tụcTheo Người Lao Động, tình trạng sốt đất ở các tỉnh ven biển, miền núi đã kéo theo việc nhà nhà, người người dắt nhau đi làm "cò" đất. Thậm chí, có nhiều trường hợp bỏ công việc ổn định trong công xưởng, doanh nghiệp lớn hay công sở với thu nhập ổn định để làm "cò", rồi người thì nợ nần, kẻ lại thất nghiệp.
"Cò gãy cánh"
Trong số những người "ôm hận" vì lao theo cơn sốt đất ở tỉnh Quảng Ngãi, éo le nhất có lẽ là trường hợp của anh N.M.T (trú tại TP. Quảng Ngãi).
T. kể trước kia, anh vốn là công nhân, dù thu nhập không cao nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống. "Khi môi giới thành công được vài trường hợp, thấy nhà đầu tư "lướt sóng" thu về bộn tiền, tôi liền nghĩ tại sao mình không làm theo? Bi kịch bắt đầu từ đó", anh buồn bã chia sẻ.
Kết quả, sau 8 tháng làm "cò" kiêm nhà đầu tư "lướt sóng", giấy tờ căn nhà nhỏ của anh T. ở TP. Quảng Ngãi đã "chui" vào ngân hàng. "Giờ việc này quá bấp bênh vì ai cũng làm "cò" nên vợ chồng tôi lục đục suốt, nguy cơ tan vỡ vì tôi không nghe lời vợ an phận mà lao theo cơn sốt đất", anh T. than vãn và mơ cuộc sống như ngày còn làm công nhân.
Ở tỉnh Nghệ An, nhắc đến trường hợp của anh Lê Văn N. (trú tại TP.Vinh), người thân và bạn bè đều không khỏi nuối tiếc cho quyết định chuyển nghề sai lầm của anh. Tốt nghiệp đại học loại giỏi, anh T. được tuyển vào một công ty lớn ở TP Vinh và sau vài năm đã lên quản lý với thu nhập khá ổn định là 18 triệu đồng/tháng. Đầu năm 2021, thấy giá đất tăng và nghe theo một số người bạn, anh quyết định nghỉ việc, tham gia môi giới bất động sản.
"Mấy tháng đầu công việc khá suôn sẻ, môi giới thành công một số lô đất, tôi kiếm được tiền hoa hồng hơn 100 triệu đồng. Thấy dễ kiếm tiền, cuối năm 2021, ngoài việc môi giới, tôi còn vay mượn gần 2 tỷ đồng để hùn với một số anh em khác "ôm" mấy lô đất chờ lên giá. Ai ngờ, sau đó giá đất giảm, tôi chịu lỗ rao bán nhưng không ai mua", anh N kể. Anh cho hay, do thất nghiệp, mỗi tháng lại phải trả hơn 10 triệu đồng tiền lãi suất ngân hàng nên có lúc phải vay nóng để trả nợ.
"Ôm" khu đất "khủng" bằng số tiền lãi do làm môi giới và "lướt sóng" nhà đất cộng với vay mượn, anh N.V.M (một công chức ở tỉnh Khánh Hòa) như đang ngồi trên đống lửa. Theo anh M., ban đầu anh hùn vốn với mấy người bạn mua đất ở Ninh Hòa với giá thấp, sau đó dựa vào đợt sốt mà bán ra. Chỉ trong 2 tháng, nhóm của anh M. mỗi người góp từ 100-300 triệu đồng đã có lợi nhuận từ việc bán đất từ 30-100 triệu đồng.
Sau khi môi giới và "lướt sóng" vài lô đất, anh M. đã cầm cố nhà cửa để lấy vốn góp mua hơn 10.000 m2 đất rừng ở huyện Khánh Vĩnh và phân lô bán nền. Tuy nhiên, hiện tại, với việc siết chặt tình trạng phân lô bán nền thì chuyện "kinh doanh" đất đai của anh M. bị đình trệ nên lãi suất từ khoản vay đang khiến cho anh đứng ngồi không yên.
Cũng như anh T., bây giờ cả anh N. và anh M. đều ước quay lại cuộc sống như ngày xưa.
"Ôm hận" sau khi nhận cọc
Không chỉ hàng loạt "cò gãy cánh", trong cơn sốt đất ở những địa phương miền biển, miền núi, có nhiều chủ đất không những không đạt được giấc mộng đổi đời mà còn đối diện với nợ nần chồng chất vì bị lừa hoặc lấy tiền cọc để xây nhà trong khi người mua thì "bóng chim, tăm cá".
Tại thôn Hà Tây, xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, trong thời gian diễn ra sốt đất, nhiều hộ dân được những người môi giới cọc từ 100-200 triệu đồng để mua đất nhưng rồi lại "thả nổi".
"Một số hộ ở thôn Hà Tây sau khi nhận tiền đặt cọc đã mua vật liệu xây dựng, thuê thợ làm nhà ở. Tuy nhiên, đến nay đã vài tháng trôi qua, người mua vẫn chưa chồng đủ tiền nên bà con đang lâm cảnh tiến thoái lưỡng nan. Móng nhà đã xây rồi nhưng đất vẫn chưa bán được nên họ đành phải vay mượn thêm để hoàn thành công trình", Phó Ban Công tác mặt trận thôn Hà Tây - ông Phan Bội Châu cho biết. Ông dự đoán rằng sẽ có nhiều người phải bán nhà để trả nợ.
Hậu quả nặng nề do sốt đất gây ra đối với các chủ đất còn xảy ra ở xã Cư Suê, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk. Đây là một trong những khu vực sốt đất bậc nhất tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua do có thông tin xã này sẽ sáp nhập về TP. Buôn Ma Thuột. Trong đó, có một số đối tượng sau khi đặt cọc, tự nhận tách thửa đất, sang tên rồi tách toàn bộ đất thổ cư vào sổ của mình hoặc cầm giấy tờ đất đai và trốn mất.
Trưởng buôn Sút M'đưng, xã Cư Suê - ông Y Hoa Niê cho biết, trong buôn có hơn 120 hộ đã bán đất, trong đó có 4 hộ bị lừa lấy hết đất thổ cư. Nguyên nhân là do thiếu hiểu biết, người dân không kiểm tra kỹ hợp đồng khi công chứng nên đã bị người mua lừa. Đa số các hộ bán đất đều có hoàn cảnh khó khăn. "Giờ họ chỉ mong các cơ quan chức năng vào cuộc "giải cứu" mà thôi", ông Y Hoa Niê bày tỏ.
Lãng phí nghiêm trọng
Tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng như TP. Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, huyện Lâm Hà hay huyện Lạc Dương..., sau cơn sốt đất, nhiều người đã mua bán, chuyển nhượng qua nhiều đời chủ, đẩy giá đất tăng lên chóng mặt dù vị trí sâu trong rừng, đồi núi cao... Thế nhưng, sau khi vi phạm bị phát hiện, những khu đất này liền trở thành những bãi đất hoang tàn. Hệ lụy phân lô bán nền hiện rõ trên từng bãi đất, căn nhà hoang.
Đi dọc QL20, đoạn qua xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, người ta không khó để thấy những khu đất bạt ngàn nhưng lại gần như bị bỏ hoang. Những khu đất này trước đây được thu gom để "hô biến" thành các dự án phân lô bán nền được quảng cáo vô cùng hấp dẫn.
"Ở đây, nhiều người không có đất canh tác, phải bỏ xứ đi làm thuê, làm mướn. Trong khi đó, hàng chục, hàng trăm hecta đất bị bỏ hoang thế này thì thật quá lãng phí", ông Nguyễn Văn Trung (ngụ tại xã Lộc An, huyện Bảo lâm) băn khoăn. Ông mong các cơ quan chức năng sớm có giải pháp nhằm khai phóng nguồn lực đất đai giúp cho địa phương có thêm điều kiện phát triển.
Còn ở xã Cư Suê, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk, ngoài việc nhiều chủ đất bị lừa thì hệ lụy để lại sau cơn sốt đất chính là đất đai bị bỏ hoang bởi người mua chỉ quây lại rồi để đó. Hay ở Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, UBND huyện cho hay tình trạng chuyển nhượng đất nông nghiệp diễn ra ồ ạt và bị "thổi" lên quá cao dẫn tới nhiều hệ lụy. Đất nông nghiệp ngày càng ít, trong khi địa phương là huyện đảo nên cần sự tự lực trong canh tác rất lớn.