Quảng Nam: Nhà đất “chạm đáy”, bất động sản công nghiệp tiếp tục có nguồn cung mới
Nguồn cung sụt giảm
Theo Vietnamfinance, báo cáo thị trường BĐS nhà ở Đà Nẵng và vùng phụ cận quý I/2023 của DKRA Group mới đây cho thấy, thị trường BĐS khu vực này rơi vào trạng thái trầm lắng, thanh khoản thấp. Nguồn cung hay sức cầu đề sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, đất nền ghi nhận 2 dự án mới mở bán với khoảng 33 nền, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới chỉ 15%, tương đương 5 nền, bằng 2% quý I/2022. Các dự án mở bán mới tập trung chủ yếu tại Quảng Nam khi chiếm 90,9% nguồn cung toàn thị trường. Giá bán sơ cấp không có nhiều biến động so với lần mở bán trước, mặt bằng giá thứ cấp giảm 8 - 12% so với cùng kỳ.
Nguồn cung căn hộ có thêm 2 dự án mở bán trong quý, đạt khoảng 136 căn, giảm 285 so với quý trước, nhưng tăng 40% so với cùng kỳ. Nguồn cung mới này chủ yếu tới từ các dự án ở Đà Nẵng, trong khi Quảng Nam và Thừa Thiên Huế vẫn khan hiếm. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 23%, tương đương 29 căn, giảm 335 so với quý I/2022.
Nguồn cung mới nhà phố/biệt thự giảm đáng kể vì động thái thanh tra hàng loạt dự án BĐS. Trong quý I, nguồn cung mới chỉ có duy nhất 1 dự án tại Quảng Nam với 12 căn bán ra, bằng 18% cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 42%, tương đương 5 căn, giảm 86% so với cùng kỳ. Đây là mức hấp thụ thấp kỷ lục trong vòng 5 năm qua.
Nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng trong quý không có bất kỳ dự án nào mở bán ở tất cả các phân khúc. Nguồn cung trên thị trường hầu hết là hàng tồn kho, mặt bằng giá bán sơ cấp không biến động nhiều.
DKRA Group dự báo, nguồn cung phân khúc đất nền trong quý II sẽ tăng nhẹ so với quý I, dao động từ 90 - 120 nền, chủ yếu tới từ Quảng Nam và Đà Nẵng. Mặt bằng sơ cấp vẫn ở mức ổn định và khó có đợt tăng giá trong ngắn hạn. Những dự án đủ pháp lý, vị trí tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường… vẫn tiếp tục thu hút các nhà đầu tư.
Dự kiến nguồn cung căn hộ trong quý II sẽ tăng nhẹ, dao động từ 200 - 300 căn, tập trung tại Đà Nẵng. Những thông tin về chính sách tháo gỡ, ngân hàng hạ lãi suất giúp sức cầu chung hồi phục, nhưng vẫn khó để đột biến.
Tỷ trọng nguồn cung căn hộ hạng A, hạng sang dự báo tăng trong quý II. Tuy nhiên phân khúc chủ đạo vẫn là căn hộ hạng B và hạng C, giá dao động từ 30 - 40 triệu đồng/m2. Giá bán sơ cấp duy trì mức cao trước áp lực chi phí đầu vào, lãi vay, chi phí hoàn thiện pháp lý dự án…
Trong quý II, nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc nhà phố/ biệt thự có thể tăng so với quý trước, dao động từ 100 - 150 căn, chủ yếu tập trung tại Đà Nẵng. Mặt bằng giá sơ cấp giữ mức ổn định, thanh khoản thứ cấp tiếp tục đi ngang.
Nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng dự kiến có thêm 20 - 50 căn, riêng condotel và nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng vẫn chưa có nguồn cung mới. Sức cầu thị trường ở mức thấp, khó có sự đột biến trong thời gian ngắn. Giá bán sơ cấp không nhiều biến động, có nhiều chủ đầu tư áp dụng chính sách chiết khấu, ân hạn nợ gốc, chia sẻ doanh thu… trong quý II/2023.
Quảng Nam vừa có 10 khu công nghiệp đi vào hoạt động
Tỉnh Quảng Nam cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045, tỉnh đã hoàn thiện và đưa vào khai thác hiệu quả nhiều khu, cụm công nghiệp.
Về mặt hạ tầng KCN, kể từ năm 2018, Quảng Nam đã thành lập mới 3 KCN với tổng diện tích là 1.134 ha, tổng vốn đầu tư là 4.403 tỷ đồng. Ngoài ra, địa phương tập trung vào giải phóng mặt bằng các KCN Tam Thăng mở rộng; KCN Thaco Chu Lai, KCN An An Hòa.
Cho tới nay, trên địa bàn tỉnh có 14 KCN đã được thành lập với tổng diện tích lên đến 3.676 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng 8.925 tỷ đồng và tổng vốn thực hiện khoảng 4.217 tỷ đồng, đạt 47% tổng vốn đăng ký đầu tư. Quảng Nam hiện tại đã đưa 10/14 KCN đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy là 53%.
Về hạ tầng giao thông đường biển, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Cảng biển Quảng Nam là cảng biển loại 1, tiếp tục xúc tiến triển khai những dự án đầu tư vào các cảng biển, luồng tàu 5 vạn tấn, cũng như lập đề xuất quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Nam tích hợp với quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành.
Đồng thời, sân bay Chu Lai được tổ chức quy hoạch lại đạt tiêu chuẩn cấp 4F, hạ tầng sân bay đã được đầu tư nâng cấp và đưa vào khai thác các chuyến bay nội địa, quy mô đạt 1,7 triệu lượt hành khách/năm.
Trong giai đoạn 2018 - 2022, tỉnh Quảng Nam phát triển và đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông trọng điểm như: đường trục chính KCN Tam Thăng giai đoạn 1, đường trục chính nối KCN Ô tô Trường Hải với KCN Tam Anh (giai đoạn 1), đường trục chính từ KCN Tam Thăng đi sân bay Chu Lai, đường nối cảng Tam Hiệp và cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng, đường trục chính KCN Tam Quang, nút giao vòng xuyến hai tầng…
Về khu vực lưu trí cho công nhân, tỉnh Quảng Nam cấp phép cho 2 dự án nhà ở công nhân là Khu nhà ở công nhân Panko và Khu nhà ở công nhân Tam Hiệp, có tổng diện tích 6,4ha, tổng vốn đầu tư là 425 tỷ đồng. Khu nhà ở công nhân Panko đã đưa vào sử dụng với công suất thiết kế là 3.000 người, hiện đã có 500 công nhân vào ở.