Quản lý chất lượng, kiểm soát hoạt động môi giới bất động sản
Báo động tình trạng môi giới không có chứng chỉ
Theo báo Xây dựng, thống kê của Hội môi giới BĐS Việt Nam cho thấy, toàn quốc có tới gần 500.000 người hoạt động trong ngành nghề môi giới BĐS, tuy nhiên chỉ khoảng 10% trong đó có chứng chỉ hành nghề. Thực tế, pháp luật hiện nay vẫn chưa chặt chẽ với những đối tượng này. Môi giới viên từ trước tới nay có rất nhiều trường hợp hoạt động không tuân thủ pháp luật, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây lộn xộn khi thực hiện giao dịch.
Số môi giới viên có chứng chỉ hành nghề tập trung nhiều ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Riêng tại Hà Nội chỉ có gần 50% môi giới chuyên nghiệp, hoạt động trong các sàn giao dịch, còn lại là môi giới nghiệp dư, rất nhiều người tay ngang chuyển sang khi thị trường bất động sản tăng nóng.
Ông Trần Đình Quý - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản tỉnh Khánh Hòa nhận xét: “Thị trường dịch vụ môi giới bất động sản đang phát triển không kiểm soát và cạnh tranh không lành mạnh. Hiện nay, môi giới bất động sản là ngành nghề gần như không có rào cản khi gia nhập hay rút lui, mọi người, mọi chủ thể, mọi cá nhân đều dễ dàng tham gia. Thông thường, đến thời điểm sốt nóng, lao động từ các ngành nghề khác gia nhập vào làm môi giới với tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Việc phát triển quá nhanh dẫn đến sự cạnh tranh khá gay gắt và không lành mạnh giữa các môi giới. Tình trạng bị chủ đầu tư chèn ép hoặc các sàn tự “cắt máu” diễn ra khá phổ biến, dẫn tới chất lượng dịch vụ suy giảm, lừa đảo phát sinh, gây nên nhiều tiếng xấu trong xã hội”.
Các sàn giao dịch BĐS hiện nay thực chất chỉ cần một cái tên để làm thương hiệu. Bởi khi thành lập sàn giao dịch thì các tổ chức phải chịu trách nhiệm báo cáo về thị trường, các cơ quan thuộc Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng… sẽ giám sát hoạt động của họ. Trong khi đó, các đơn vị không đăng ký hoạt động sàn giao dịch BĐS lại vẫn được thực hiện các hoạt động như môi giới, tư vấn, phân phối sản phẩm như một công ty môi giới BĐS. Điều này đã khiến thị trường xuất hiện các hệ lụy và rủi ro như những giao dịch chụp giật, làm lợi cho cá nhân.
Nhất là trong thời điểm thị trường BĐS sốt nóng ở nhiều nơi, đã khiến lao động từ các ngành nghề khác bỏ việc để lao vào nghề môi giới. Tuy nhiên, vì không có chuyên môn nên mạnh ai nấy làm, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt và không lành mạnh. Thậm chí nhiều giao dịch không được kiểm soát đã phát sinh tình trạng lừa đảo, làm mất hình ảnh môi giới viên chân chính.
Bên cạnh đó, giao dịch BĐS hiện nay còn được diễn ra trực tiếp giữa người mua với người bán nên phần nào làm mờ nhạt đi vai trò của môi giới BĐS. Đây chính là thực tế đang diễn ra trong nghề môi giới hiện nay và làm ảnh hưởng tới sự phát triển của thị trường BĐS.
Hội Môi giới BĐS Việt Nam lý giải, hiện nay Nhà nước chưa ra cơ chế khuyến khích hay tạo điều kiện cho môi giới BĐS hành nghề, tham gia sâu vào những giao dịch BĐS hay có các cơ chế pháp lý ràng buộc trong giao dịch BĐS phải có sự tham gia của môi giới viên… Ngoài ra, công tác đào tạo, kiểm tra cấp chứng chỉ cho môi giới BĐS đến nay đã rất lạc hậu.
Trong bối cảnh thị trường đang theo đuổi công nghệ số, các mô hình đầu tư, hoạt động kinh doanh BĐS liên tục đổi mới sẽ đòi hỏi người môi giới phải tiếp cận các tri thức mới. Do đó, những môi giới BĐS phải được đào tạo thường xuyên để tránh để bản thân tụt hậu.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, nghề môi giới BĐS trong thời gian tới phải được cấp mã số định danh để quản lý hoạt động hành nghề. Đồng thời, bắt buộc đào tạo, sát hạch và cấp chứng chỉ môi giới BĐS, phải có trình độ nghiệp vụ và được quản lý bằng các hệ thống công nghệ tiên tiến.
“Tất cả những thông tin về môi giới viên và hoạt động của họ phải được đưa lên hệ thống số để được quản lý khoa học, chặt chẽ, thông suốt. Các đơn vị chức năng nhờ vậy không mất nhiều thủ tục, thời gian kiểm soát” - Ông Đính nói.
Cũng theo quan điểm này, một số chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ, thị trường BĐS trong giai đoạn chuyển biến mới, áp dụng ứng dụng công nghệ để vượt qua đại dịch. Theo đó, việc quản lý hoạt động của môi giới BĐS thông qua công nghệ số sẽ là hướng đi cần phải được xem xét và nghiên cứu kỹ hơn.
Lời giải cho bài toán khó
Để dịch vụ BĐS được phát triển một cách chuyên nghiệp, lành mạnh, bền vững thì Chính phủ và Nhà nước phải đưa ra được những giải pháp đồng bộ trong các chính sách. Cùng với đó là phát huy tối đa vai trò của Hội Môi giới BĐS Việt Nam. Đơn vị này trước đó đã đề xuất thực hiện một loạt các giải pháp để tháo gỡ. Trong đó, đề xuất Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng các địa phương nhanh chóng tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề và đưa ra ràng buộc trách nhiệm đối với những môi giới BĐS. Việc cấp chứng chỉ cần gắn với mã số hành nghề để các cơ quan chức năng thuận tiện trong khi quản lý, giám sát và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm.
Ngoài ra, theo Luật Kinh doanh BĐS, hoạt động kinh doanh sàn BĐS và cá nhân kinh doanh BĐS phải báo cáo theo các mẫu gửi về các sở, ban, ngành để quản lý. Tuy nhiên thực tế, các mẫu báo cáo này chỉ mang tính chất đối phó đã khiến các cơ quan quản lý Nhà nước không có được những số liệu thực tế. Bấy lâu nay, việc giám sát hoạt động các sàn rất lỏng lẻo và cơ quan quản lý cũng khó đánh giá chính xác chất lượng hay năng lực của các sàn giao dịch BĐS hiện nay. Vì vậy, phải thực hiện giải pháp là siết chặt mã số định danh cá nhân môi giới BĐS, các công ty, sàn BĐS phải có báo cáo bằng văn bản gửi định kỳ tới cơ quan Nhà nước kiểm soát.
Hơn nữa, cần củng cố lại hành lang pháp lý, giám sát chặt chẽ trong chế tài và hướng tới sự phát triển minh bạch của thị trường và sự chuyên nghiệp của môi giới viên. Phải có quy chuẩn rõ hơn giữa môi giới cá nhân và tổ chức. Nâng cao vai trò của người môi giới BĐS trong mỗi giao dịch… Ngoài ra, các cơ quan phải thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật tới các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới. Nêu rõ hành vi trốn thuế và các chế tài xử phạt vi phạm .
Cuối cùng là chấn chỉnh lại quy cách đào tạo chứng chỉ hành nghề BĐS, loại bỏ những lớp học không đủ điều kiện về đào tạo đang tràn lan trên mạng. Chỉ có những cơ sở xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới BĐS, điều hành sàn giao dịch BĐS theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018 thì mới được mở lớp, tổ chức thu sát hạch, cấp chứng chỉ môi giới BĐS trên các địa phương nếu được Sở Xây dựng giao hoặc ủy quyền tổ chức thi sát hạch.
Thực tế, thị trường BĐS hiện tại đang rất khó đoán vì phụ thuộc quá nhiều vào các yếu tố bên ngoài thì hoạt động môi giới BĐS phải được chấn chỉnh, quản lý tốt hơn để góp phần tạo điều kiện cho thị trường phát triển lành mạnh, ổn định, không xảy ra những tình trạng sốt đất, bóng bóng như thời gian qua.