"Doanh nghiệp nói đang chết trên đống tài sản, sao không hạ giá, bán bớt sản phẩm đi?"
BÀI LIÊN QUAN
Doanh nghiệp đề xuất tái cấu trúc nợ tại Hội nghị Tín dụng bất động sản Dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản vẫn tăng dù thị trường khó khănTS Lê Xuân Nghĩa nhận định: Sẽ không có "món quà" nào cho tín dụng bất động sản trong năm 2023Không chỉ đạo “siết tín dụng”
Tại hội nghị tín dụng bất động sản ngày 8/2, Ngân hàng Nhà nước cho biết dư nợ tín dụng BĐS đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỉ đồng. Đây cũng là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất và chiếm tỷ trọng lớn 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế cao nhất trong 5 năm qua.
Doanh số bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai từ năm 2018 đến nay khoảng 110 nghìn tỉ đồng và các tổ chức tín dụng cũng tích cực triển khai cho vay theo các chương trình về nhà ở.
Như vậy, hiện nay các tổ chức tín dụng vẫn cấp tín dụng cho lĩnh vực BĐS với mức tăng trưởng cao và đang có dư nợ lớn. Theo đó, các dự án vay vốn khả thi vẫn được tổ chức tín dụng cho vay theo đúng quy định.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tỷ trọng tín dụng BĐS trên tổng dư nợ tín dụng chung ổn định ở mức 19%-21%. Tín dụng tập trung chủ yếu vào nhu cầu tự sử dụng (chiếm khoảng 68% dư nợ tín dụng). Dư nợ tín dụng về nhà ở chiếm tỷ trọng cao nhất với trên 60%. Tuy nhiên, bà Giang cũng lưu ý, về cơ cấu sản phẩm, hiện đang mất cân đối cung - cầu và dư thừa nhà ở cao cấp, trong khi thiếu nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ; năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế.
Thêm vào đó, hiện nay, việc huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, các doanh nghiệp BĐS thuộc nhóm ngành phát hành trái phiếu lớn nhất. Tuy nhiên, sau việc một số doanh nghiệp BĐS vi phạm trong phát hành đã gây mất lòng tin của nhà đầu tư, ảnh hưởng tới việc huy động vốn trên thị trường này.
Về tín dụng vào bất động sản, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước chưa có chỉ đạo nào về siết chặt tín dụng. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với một số phân khúc rủi ro, đầu cơ để giữ an toàn hệ thống. Còn với tín dụng phục vụ mục đích chính đáng của người mua nhà đều được đảm bảo công bằng”, ông Tú nhấn mạnh.
“Số liệu cho thấy tốc độ tăng tín dụng lĩnh vực BĐS và tỷ trọng cho vay BĐS cao nhất trong nhất các lĩnh vực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng tiếp cận tín dụng khó khăn, hội nghị hôm nay sẽ làm rõ vấn đề này để cùng nhau tháo gỡ”, ông Tú nói. Cũng theo ông Tú, các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp BĐS là quan hệ cộng sinh, cùng chung một chiếc thuyền.
Đối với vấn đề room tín dụng, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, năm 2022 ở thời điểm nhiều doanh nghiệp đề nghị nới room thì thực tế các ngân hàng vẫn chưa hết room. Đến cuối năm 2022, khi gần hết room, NHNN đã quyết định nới thêm 1,5-2% hạn mức. Ông Tú cho hay, đầu năm không ngân hàng nào thiếu room, nên nếu doanh nghiệp không vay được vốn thì không phải vấn đề của room tín dụng.
Doanh nghiệp lo chết trên đống tài sản, sao không bán bớt đi?
Trước những khó khăn trên của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, hết 31/12/2022, dư nợ BĐS tại Vietcombank chiếm trên 20%, bao gồm cả cho vay doanh nghiệp BĐS và khách hàng cá nhân mua bất động sản. Điều này cho thấy Vietcombank vẫn đáp ứng đủ room tín dụng cho BĐS và đây là lĩnh vực không bị hạn chế.
Về mục đích cho vay, đại diện Vietcombank cho biết, phân khúc khu công nghiệp, khu chế xuất là lĩnh vực Vietcombank rất quan tâm và luôn áp dụng chính sách tín dụng ưu đãi. Dư nợ đối với lĩnh vực này tăng gấp 4 lần so với cuối 2021.
Ông Tùng cho hay, với BĐS du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng, sau giai đoạn COVID-19, du lịch trong nước đã phục hồi và du lịch quốc tế đã tăng dần và Vietcombank sẽ điều chỉnh chính sách tín dụng vào lĩnh vực này nhưng có sự chọn lọc.
“Đối với bất động sản nhà ở, những đơn vị phát triển dự án uy tín, tài chính minh bạch, ngân hàng sẽ áp dụng các chính sách lãi suất hợp lý. Đối với cá nhân mua nhà ở, ngân hàng sẽ thận trọng hơn đối với phân khúc giá trị cao”, ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, lãnh đạo các ngân hàng thương mại đã họp và thống nhất giảm lãi suất huy động, việc này nhằm giảm lãi suất cho vay nói chung và lãi suất cho vay BĐS nói riêng.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng giám đốc, phụ trách Ban điều hành - Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) chia sẻ rằng, về tình hay về lý, ngân hàng đều chia sẻ với doanh nghiệp.
“Về tình, từ 20 năm về trước, khi trao đổi với tôi, nhiều anh chị chỉ là doanh nghiệp nhỏ chứ không phải đại gia như bây giờ, cúng ta đã có một quá trình dài đồng hành với nhau. Về lý, hiện nay chúng tôi cho vay lĩnh vực BĐS 21%, tập trung cho khu công nghiệp, nhà ở, tiêu dùng… Ngoài ra, chúng tôi còn một lượng lớn tài sản bảo đảm thế chấp là BĐS. Do đó, khi BĐS khó khăn thì chúng tôi cũng lo lắng không kém các doanh nghiệp”, ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi và doanh nghiệp BĐS ngồi chung một xuồng, thậm chí là một chiếc xuồng nhỏ. Những người ngồi trên đó phải hết sức bình tĩnh, đi cùng một hướng. Khi xuồng chìm thì tất cả cùng rơi xuống. Chúng tôi muốn hành động cùng các doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay bằng các biện pháp trong khuôn khổ pháp luật".
Ông Dũng cũng cho hay, phía ngân hàng thậm chí còn tìm kiếm các nguồn vốn nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp. Thậm chí có định chế tài chính còn nói rằng “dường như chúng tôi rất thích BĐS”. Dù cho, dư nợ tín dụng của riêng một ngành BĐS đã rất lớn, tỷ lệ khoảng 21%, trong khi nền kinh tế có tới hơn 1.500 ngành nghề.
“Các doanh nghiệp nói đang chết trên đống tài sản, tại sao các doanh nghiệp không bán bớt sản phẩm đi? Vấn đề các doanh nghiệp bán giá bao nhiêu? Việc giảm giá có thực chất hay không?”, ông Dũng nói.
Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khẳng định, ngân hàng vẫn cho vay và không có việc giảm hay kiểm soát đối với dư nợ tín dụng bất động sản.
Tuy nhiên, theo ông Lâm, thời gian tới BIDV sẽ tập trung cho vay đối với BĐS khu công nghiệp và ưu tiên những dự án có quy mô lớn, từ 50ha trở lên. Còn đối với bất động sản nhà ở, BIDV ưu tiên tại các địa bàn Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh… và ưu tiên các chủ đầu tư, khách hàng có uy tín.