"Nỗi đau" nghề môi giới (bài 1): Cuộc gọi xem đất lúc 3 giờ sáng
BÀI LIÊN QUAN
Sốt đất đi qua, môi giới bất động sản đau đầu vì bị trách mắngMôi giới bất động sản xin nghỉ việc ngang vì "chán" không bán được hàngỨng dụng công nghệ, môi giới không chuyên cũng có thể thành “siêu cò”Bỏ hàng chục triệu quảng cáo không ra khách
Bỏ hàng chục triệu đồng để chạy quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội, mong sẽ kết nối được với khách hàng, dẫu vậy để có được khách không phải là điều dễ dàng gì. Có lần, chi hết 20 triệu tiền quảng cáo nhưng chỉ một khách hỏi thăm rồi....đi. Đó là tình cảnh mà không ít môi giới bất động sản đang gặp phải hiện nay.
“Nhóm bọn em có 3 người góp tổng 60 triệu để chạy quảng cáo. Chạy đến bây giờ hết 20 triệu mà không ký được hợp đồng nào. Có được một khách duy nhất muốn tìm mảnh đất rộng khoảng 500 - 1000m nhưng khi bọn em tìm được thì khách đó đã đầu tư chỗ khác rồi. Cũng có thể là người ta không có nhu cầu nhưng vẫn trêu mình. Thế là coi như bằng không”, chị Đoàn Thị Thu Thủy, nhân viên sale sàn Newstarland bắt đầu trải lòng về nghề môi giới bất động sản.
Theo chị Thủy, các nhà đầu tư bây giờ hoặc đã có một môi giới chăm riêng hoặc họ sẽ tham khảo rất nhiều nơi khác nhau. Gặp được môi giới nào có sẵn sản phẩm phù hợp, họ sẽ xuống tiền luôn, chỉ cần chậm chân là coi như mất khách. Có thể nói, nghề môi giới ăn nhau ở thời điểm.
Không phải là người có quá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực môi giới bất động sản, nhưng với Thanh Thủy, 5 năm từng trải với nghề này cũng đã mang lại cho chị rất nhiều câu chuyện mà trước khi vào nghề, chắc chị không bao giờ nghĩ tới. Những trải nghiệm sau 5 năm làm nghề khiến một nữ sinh vốn "tiểu thư, đài các" như Thủy trở nên già dặn, từng trải hơn hẳn.
"Nói về trải nghiệm của nghề ư? Nhiều lắm. Bạn muốn nghe từ đâu?", Thủy bắt đầu buổi trò chuyện bằng một câu hỏi.
"Chị cứ nói những điều mà chị thấy sốc, thậm chí là thấy sợ", tôi gợi ý.
"Nghề này thì cũng chả có gì đáng sợ lắm đâu, cái quan trọng là phải biết thích nghi và chấp nhận thích nghi. Giả dụ, nếu bạn đi làm văn phòng, chả khi nào bạn nhận được những cuộc gọi lúc 2-3h sáng để trao đổi công việc cả. Nhưng với nghề môi giới thì đó không có gì là lạ", chị Thủy bắt đầu.
Nữ môi giới bắt đầu kể, các nhà đầu tư, khách hàng thường họ rất bận, nên họ thường tranh thủ đi xem dự án lúc rảnh bất chợt hoặc vô tình đi qua dự án nào khiến họ hứng thú. Vậy nên, nghề môi giới giờ làm việc gần như là 24/7 vậy. Chính vì vậy, những cuộc gọi hỏi về dự án, rủ đi xem đất lúc sáng sớm, hay đêm khuya là việc xảy ra như cơm bữa.
"Không cứ gì 2,3 giờ sáng khách gọi đâu. Nhiều khi còn nhận được cọi gọi đi xem đất ở hoàn cảnh oái ăm hơn nhiều. Nhưng mình phải đi chứ ạ. Bất cứ lúc nào khách cần là phải có mặt ngay lập tức. Đây là câu chuyện thật luôn, một anh trong công ty em có khách gọi đi xem dự án nhưng vì anh ấy không thể đến ngay lập tức mà mất luôn một hợp đồng vì họ tìm được môi giới khác. Các nhà đầu tư hầu hết đều rất bận, họ sẽ tranh thủ đi xem dự án vào những lúc rảnh bất chợt, hoặc vô tình đi qua dự án nào đó khiến họ hứng thú, họ cũng có thể xuống tiền. Chưa kể ban ngày thường sẽ không thể liên lạc với họ, cứ 10 - 11 giờ đêm mới trao đổi được thông tin dự án, nhiều khi tâm sự với khách đến sáng để tạo mối quan hệ. Giờ làm việc của bọn em là 24/7", chị Thủy chia sẻ.
Ngoài ra, chị Thuỷ cũng cho biết, thời điểm hiện tại khá khó để nhà đầu tư xuống tiền vì hầu hết các dự án đều đã sang giai đoạn ba, vừa khan hiếm sản phẩm, giá cũng cao hơn giai đoạn mở bán đầu tiên. Còn đối với khách mua nhà để ở thì thời điểm hiện tại hầu như không có, vì giá nhà cũng đang rất cao. Chị Thuỷ và team dự định sẽ dừng chạy quảng cáo thời gian này, đợi cơ hội từ các dự án mới.
Bán một căn, ấm cả tháng. Nhưng...
Khi nhận câu hỏi về tiền lương, chị Thuỷ lạc quan chia sẻ: “Bên mình không có lương cứng mà tính theo hoa hồng. Một căn mình bán được sẽ có hoa hồng khoảng 1 - 1,5% tuỳ quy định của chủ đầu tư, nếu bán được một căn nhà liền kề tầm 10 tỷ là có 100 triệu tiền hoa hồng. Bán được một căn là ấm cả tháng rồi đó. Nhưng mà bao giờ bán được thì mình đang hy vọng”..
Vậy là mấy tháng vừa rồi Thủy đi làm không công à? Tôi hỏi.
"Lúc thử việc thì công ty có hỗ trợ, còn qua thử việc thì phải tự lực cánh sinh. Mình còn đang nợ gia đình một khoản tiền đầu tư ban đầu. Chỉ cần đến khi có được lượng khách quen nhất định rồi thì mọi việc sẽ thuận lợi rất nhiều. Bọn mình trêu nhau là giờ mà bán được một căn biệt thự thì cả nhóm đi du lịch luôn", chị Thủy.
Đợt vừa rồi thị trường trải qua nhiều biến động, lượng tiền đầu tư cũng giảm nhiều. Khó khăn này có khiến nhân sự công ty Thủy giảm không?
"Ở sàn mình, thường thì những người mới vào, cảm giác làm được mấy hôm không hoà đồng được với mọi người hoặc cảm thấy không phù hợp với công việc thì sẽ nghỉ. Còn những người làm lâu rồi thì ít lắm, một số rất ít thôi vì người ta có mối rồi, cứ thế mà bán", chị Thủy bộc bạch.
Nữ môi giới này nói thêm, khó khăn thường thấy nhất là những người chưa có kinh nghiệm sẽ không biết bắt đầu từ đâu. Tầm trên dưới 22 tuổi sẽ nằm trong nhóm này, trừ những người có duyên bán hay vào nghề từ sớm thì may ra sành sỏi. Có một bạn “ôm” được khách bitcoin từ đợt trước, người ta thắng lớn nên dồn tiền vào bất động sản rất nhiều, giờ cứ “chăm” khách đó là đủ rồi. Nhưng trong bối cảnh chứng khoán, cổ phiếu, bitcoin đều đỏ như bây giờ thì kiếm đâu ra vận may như thế.
Để tư vấn được cho khách thì môi giới phải hiểu biết về rất nhiều dự án. Hàng nghìn dự án thì hàng nghìn quy định, chế độ ưu đãi, chính sách khác nhau, mức giá, số lượng sản phẩm cũng khác nhau, thực sự không thể nào nhớ hết nổi. Mỗi môi giới thường cũng chỉ tập trung vào một số dự án nhất định, khi khách hỏi ngoài luồng thì em mới tìm hiểu thêm. Dễ cho mình nhưng đấy cũng là điểm yếu vì mình không thể tư vấn lập tức cho nhà đầu tư được. Thế nên càng chăm học thì càng tốt.
Về nguồn khách, chị Thuỷ cho biết công ty chỉ cấp cho môi giới viên mới data lạnh (dữ liệu khách không thực sự quan tâm đến các dự án bất động sản sàn cung cấp, thường những số này đều đã được gọi qua), thế nên muốn có khách hàng đầu tiên, môi giới phải vận dụng mối quan hệ, tự tìm kiếm khách hàng như bằng cách chạy quảng cáo. Khó khăn cứ thế chồng chất khó khăn.
Phải “cắt máu” để giữ doanh số
Tâm sự với phóng viên, cô môi giới trẻ cho rằng: Môi giới bây giờ thì nhiều nhan nhản, nhà đầu tư họ có quyền lựa chọn mức giá tốt nhất, dẫn đến cảnh phải “cắt máu” để chạy doanh số.
“Ví dụ bán một căn hộ studio giá khoảng 1 tỷ đồng, hoa hồng cũng chẳng được mấy, 1% thì đâu đó khoảng 10 triệu, vẫn phải cắt cho khách một nửa. Nhiều khách họ tính toán lắm, môi giới sau khi trừ thuế và các chi phí như chạy quảng cáo, công đi lại, xăng xe,... chưa kể làm theo nhóm thì chẳng được mấy, có những lần còn làm không công. Thế nhưng mà bán được nhiều, chạy doanh số cao thì sẽ được công ty thưởng cao. Như bán được 3 căn shophouse cho Vinhomes thì sẽ được thưởng một chuyến du lịch Singapore chẳng hạn
Với cả ký hợp đồng xong bọn em cũng không nhận được hoa hồng ngay, trừ khi là dự án đã hoàn thiện 100% nhưng hầu như các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến dự án đang xây dựng vì giá còn thấp, nhiều ưu đãi và còn nhiều sản phẩm để lựa chọn. Lúc ký hợp đồng, họ sẽ vào tiền khoảng 30%, sau đó tiền vào sẽ theo giai đoạn, có khi kéo dài cả mấy năm, hoa hồng cũng vì thế mà nhận lắt nhắt”, chị chia sẻ thêm.
Kể lại một số câu chuyện của các anh chị đi trước, nữ môi giới này cho biết nhiều môi giới sử dụng mánh khóe đưa giá cao hơn giá của chủ đầu tư, sau đó giả vờ chiết khấu, để ép khách chốt hợp đồng nhanh. Có những người “ăn dày” thì khai chênh cả 200-300 triệu đồng, nhà đầu tư vì thế mà lỗ ngay từ thời điểm mua.
“Nghề môi giới thì cũng có những vấn đề phức tạp và chiêu trò nhất định nhưng để nói là tràn lan thì cũng không hẳn. Bây giờ nhà đầu tư họ rất cẩn trọng, lừa được họ một lần thì coi như mất mối dài lâu”, chị Thuỷ nói.