Những tín hiệu tích cực cho cổ phiếu hàng không “cất cánh”
BÀI LIÊN QUAN
Cổ phiếu đầu tư công gia tăng sức hútChuyên gia chứng khoán: VN-Index có thể tiệm cận vùng đỉnh cũ, nhà đầu tư tận dụng cơ hội gom cổ phiếu "sáng cửa" trong quý 4/2023Nhà đầu tư “né” cổ phiếu trụ, tập trung tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừaNhiều khó khăn vẫn “đè nặng cánh bay”
Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, nhóm ngành hàng không vẫn chưa thực sự khởi sắc. Một phần nguyên nhân là do kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hàng không vẫn “chật vật”.
Giới phân tích cho rằng, do thị trường khách quốc tế vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu nên các hãng bay vẫn chưa thoát lỗ hoặc vẫn lao đao vì dư âm từ đại dịch.
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh vận tải cốt lõi vẫn chưa cân bằng được thu chi do thị trường quốc tế chưa hoàn toàn hồi phục, đặc biệt là các thị trường trọng điểm. Nhìn chung, các yếu tố rủi ro tài chính và chi phí đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá biến động mạnh, lãi suất cũng gây ảnh hưởng tiêu cực, “đè nặng cánh bay”.
Nhìn chung từ đầu năm đến nay, nhóm ngành hàng không vẫn chưa thực sự khởi sắc |
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu này còn chịu ảnh hưởng chung đến từ sự kiện giảm điểm mạnh trong phiên 18/8 trước đó (giảm tới 55,49 điểm, tương đương 4,49%) và duy trì tính thiếu ổn định kéo dài cho đến hiện tại. Theo đó, hầu hết các mã cổ phiếu ngành hàng không đều giảm mạnh, nhiều mã vẫn ghi nhận thị giá hiện chưa phục hồi về mức ở thời điểm đầu tháng 8.
Đơn cử, kết thúc phiên giao dịch ngày 14/12 vừa qua, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines ghi nhận mức giá 10.950 đồng/cp. So với điểm rơi trong phiên 18/8, cổ phiếu này vẫn chưa quay lại được mức giá cao tại thời điểm tháng 7, khoảng 14.500 đồng.cp.
Trước đó, HVN đã bị Sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) đưa vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 12/7/2023 do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày so với thời hạn quy định.
Bên cạnh đó, một số cổ phiếu ngành hàng không khác như: ACV (Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam), NCT (CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài), SGN (CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn), MAS (CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng)… cũng vẫn chưa phục hồi.
Ở chiều ngược lại, điểm sáng hiếm hoi xuất hiện ở cổ phiếu VJC của hãng hàng không Vietjet. Cổ phiếu này hiện đang dừng ở mức 105.300 đồng/cp (phiên 14/12), vượt mức giá trước điều chỉnh phiên 18/8 và trụ vững ở vị trí cổ phiếu ngành hàng không đắt giá nhất.
Điểm sáng hiếm hoi xuất hiện ở cổ phiếu VJC của hãng hàng không Vietjet |
Thêm động lực tích cực cho cổ phiếu hàng không
Tuy vậy, tín hiệu tích cực đang bắt đầu le lói sau những thông tin nóng hổi về chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo đó, cổ phiếu nhóm ngành hàng không trên thị trường đã hưởng ứng tích cực với thông tin này. Cụ thể, trong phiên 13/12, lực bán áp đảo tại nhóm vốn hóa lớn một lần nữa đã đẩy VN-Index chìm sâu. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu hàng không ngược dòng với 2 đại diện là HVN và VJC đều đồng loạt phát tín hiệu tích cực trong ngày thị trường ngập sắc đỏ.
Trong báo cáo của Chứng khoán Mirae Asset về nhóm cổ phiếu hưởng lợi nhờ Việt Nam - Trung Quốc thúc đẩy hợp tác đã đưa ra dự báo rằng nhóm cổ phiếu hàng không sẽ là một trong những nhóm ngành nhiều triển vọng.
Theo số liệu từ Mirae Asset cho biết, trong năm 2019, Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, trong đó khách đến từ Trung Quốc chiếm 32,2%, đạt 5,8 triệu lượt. Sang giai đoạn 2020 - 2021, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh. Cụ thể, lượng khách quốc tế trong năm 2021 đạt 157 triệu lượt và năm 2022 là 3,6 triệu lượt. Riêng tổng lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trong năm 2021 ghi nhận thấp nhất trong 10 năm, ở mức 57.000 lượt.
Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm nay ghi nhận lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 9 triệu lượt và riêng khách Trung Quốc đạt hơn 1,1 triệu lượt. Điều này cho thấy khách Trung Quốc đang dần phục hồi. Ngoài ra, đất nước tỷ dân này dự kiến sẽ có thêm 1 hãng bay tới Việt nam giúp lượng khách sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Dự báo tốc độ tăng trưởng của lượng hành khách quốc tế sẽ bình thường hóa trong năm 2024 |
Tương tự, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng từ cuối năm 2023, động lực từ khách du lịch Trung Quốc và chính sách visa thông thoáng hơn sẽ tiếp tục hỗ trợ xu hướng tích cực của sản lượng hành khách hàng không quốc tế cũng như bức tranh lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp trong ngành hàng.
Theo đó, các doanh nghiệp có vị thế cạnh tranh tốt như: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP, CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn, CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco… có thể duy trì tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi ở mức cao, mặc dù sẽ chậm lại đôi chút so với nửa đầu năm khi hiệu ứng nền thấp dần trôi qua.
Hơn thế, tốc độ tăng trưởng của lượng hành khách quốc tế sẽ bình thường hóa trong năm 2024, lợi nhuận trước thuế dự đoán sẽ tăng 42% so với năm 2023 nhờ khối lượng thị trường quốc tế đóng góp cao hơn, dẫn đến giá bán trung bình của phí dịch vụ hàng không và tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
“Thị trường khách quốc tế phục hồi về mức trước dịch vào năm 2025 và xu hướng này giúp phần lớn các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục tăng trưởng tích cực về lợi nhuận trong năm 2024”, Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng.
Mặc dù có nhiều cơ hội, song nhà đầu tư cũng cần lưu ý bởi nhóm ngành hàng không vẫn đối mặt với nhiều thách thức trên hành trình phục hồi và phát triển.
Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, thách thức lớn nhất đối với các hãng bay trong nước những tháng cuối năm 2023 là việc giá nhiên liệu đang có xu hướng tăng mạnh. Ngoài yếu tố giá nhiên liệu tăng, lãi suất, tỷ giá (tỷ giá các đồng bản tệ và VND so với USD) và nhiều yếu tố đầu vào khác cũng đã ở mặt bằng cao hơn, gây bất lợi cho các hãng bay Việt so với giai đoạn trước Covid-19. Những yếu tố này sẽ “chất thêm gánh nặng” tài chính cho các hãng bay.