meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Những cổ phiếu thị giá chưa bằng cốc "trà đá" nhưng nhà đầu tư không nỡ buông tay do chính sách chi trả cổ tức “đáng mơ ước”

Thứ hai, 27/02/2023-16:02
Nằm ngoài biến động chung của thị trường, không ít cổ phiếu có thị giá cực thấp, "tắt thanh khoản" nhưng lại có chính sách chi trả cổ tức đều đặn tỷ lệ cao.

Theo Nhịp sống thị trường, khi nhắc đến những cổ phiếu có thị giá chỉ một vài nghìn đồng, nhiều nhà đầu tư thường cho rằng cổ phiếu này nằm trong diện hạn chế giao dịch hay có kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Tuy nhiên, phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi nhà đầu tư, nếu doanh nghiệp có nội lực tốt, hoạt động kinh doanh trong ngành nghề có tiềm năng thì việc đồng hành cùng những cổ phiếu "trà đá" này vẫn sẽ mang lại những kết quả đền đáp xứng đáng.

Mặt khác, cũng có không ít cổ phiếu "rẻ bèo" nhưng không dễ để sở hữu, nhà đầu tư dù miệt mài đặt mua còn khó hơn "mò kim đáy bể". Nguyên nhân bởi dù thị giá rất thấp, nhưng các doanh nghiệp này kinh doanh ổn định, duy trì mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt đều đặn hàng năm, với số tiền gấp hàng chục thậm chí hàng trăm lần thị giá cổ phiếu.

Kinh doanh ổn định, cổ tức "đáng mơ ước"

Nổi bật trong nhóm cổ phiếu này phải kể đến mã PTG của CTCP May Xuất khẩu Phan Thiết, có tiền thân là Xí nghiệp May Phan Thiết, trực thuộc Công ty May mặc Xuất khẩu Bình Thuận, được thành lập vào tháng 1/1994.

Theo tìm hiểu, doanh nghiệp này lên sàn UPCoM từ năm 2011. Đa phần phiên giao dịch này cũng ghi nhận lượng đặt mua ở giá trần, tuy nhiên số ngày có giao dịch của PTG lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chốt phiên ngày 24/2 vừa qua, thị giá của PTG ở mức giá 300 đồng/cp, chỉ bằng 1/10 cốc “trà đá”.


 
 

Điều khiến các nhà đầu tư không nỡ buông tay đó là chính sách chi trả cổ tức "đáng mơ ước". Cụ thể, gần đây nhất, công ty này quyết định chi tạm ứng cổ tức bằng tiền đợt 1 trong năm 2022 với tỷ lệ 20%, tương ứng mỗi cổ phiếu sẽ nhận được cổ tức 2.000 đồng.

Trước đó, vào ngày 30/5, cổ đông của công ty đã nhận được cổ tức lần 2 năm 2021 bằng tiền với trị giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ cổ tức 100%. Như vậy, trong năm 2022, PTG đã chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 120%, tương đương mỗi cổ phiếu nhận 12.000 đồng. Công ty này cũng từng chia cổ tức ở mức này vào năm 2018 và 2020.

Chính sách chi trả cổ tức cao đều đặn có đóng góp không nhỏ từ kết quả kinh doanh. Trong những năm gần đây, May Xuất khẩu Phan Thiết đều đạt lợi nhuận dương, dù mức tăng trưởng lợi nhuận giữa các năm không đều. Trong nhiều năm, khoản tiền dùng để chi trả cổ tức còn lớn hơn lãi ròng năm đó. Chẳng hạn như năm 2021, lãi ròng của PTG đạt 38 tỷ đồng, song công ty vẫn sẵn sàng chi gần 60 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2021.


 
 

Năm 2022, PTG ghi nhận doanh thu đạt 501 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ và cũng là mức cao kỷ lục kể từ khi hoạt động. Sau khi khấu trừ đi chi phí, lãi ròng của công ty cũng tăng ấn tượng 29% so với năm 2021, đạt 49 tỷ đồng.

Ngoài PTG với mức cổ tức cao ngất ngưởng, sàn UPCoM còn ghi nhận thêm 2 doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh độc, lạ. Thị giá cổ phiếu thua xa cốc "trà đá", nhưng không năm nào quên chi cổ tức cho cổ đông.

Được biết đến là doanh nghiệp hiếm hoi trên sàn chứng khoán phục vụ trong lĩnh vực tâm linh, phục vụ "cõi âm", hoạt động chính của CTCP Phục vụ Mai táng Hải Phòng (mã: CPH) trong 3 mảng kinh doanh là bán hàng với các loại bình, quách, mộ đá; bộ phận sản xuất với các sản phẩm mộ đơn, mộ đôi và cơ sở hạ tầng, bộ phận cung cấp dịch vụ tang lễ, cải táng, hỏa táng,...

Nhiều năm nay, CPH vẫn duy trì chế độ chi trả cổ tức cao đều đặn 16,4% (tức 1 cổ phiếu nhận 1.640 đồng) cho cổ đông. Kể từ khi lên sàn UPCoM vào tháng 2/2017 đến nay, cổ phiếu CPH không hề ghi nhận giao dịch, thị giá "bất động" tại mức giá 300 đồng/cổ phiếu.


 
 

Cùng với chính sách cổ tức đều đặn, CPH còn duy trì được độ ổn định trong kinh doanh. Mỗi năm, doanh nghiệp thu về cả trăm tỷ đồng, đáng lưu ý là doanh thu năm 2022 gây ấn tượng với 152 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Trừ đi chi phí vốn bỏ ra, công ty có lãi ròng tăng mạnh lên 11 tỷ đồng cả năm, trong khi đó, mức lãi ròng qua các năm kể từ khi lên sàn gần như đi ngang ở mức 9 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một cổ phiếu cũng trong tình trạng tương tự là MEF của Công ty cổ phần MEINFA. Nhà đầu tư nhớ đến Meinfa khi nhắc đến những doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề độc lạ. MEF là doanh nghiệp bán kềm duy nhất hiện có cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán.

Kể từ khi lên sàn vào cuối năm 2011 đến nay, cổ phiếu này đều trong trạng thái "tắt thanh khoản". Với thị giá dưới cả cốc trà đá là 1.600 đồng/cổ phiếu, cổ đông dường như cũng chẳng "thiết tha" với việc mang cổ phiếu ra giao dịch, chỉ nắm giữ để hưởng cổ tức hàng năm cũng đã đủ. Được biết, từ năm 2012 đến nay, Meinfa luôn duy trì mức cổ tức bằng tiền mặt hàng năm ở mức 30-40%, thậm chí vào năm 2017 cổ đông nhận về 5.000 đồng/cổ phiếu.


 
 

Công ty Meinfa chuyên sản xuất cơ khí, máy móc, thiết bị y tế thông dụng, các sản phẩm kim loại và dụng cụ cầm tay. Đặc biệt là nhà đầu tư biết đến Meinfa với các loại kềm. Kết quả kinh doanh của Meinfa cũng khả quan khi doanh thu 4 năm trở lại đây đều trên 300 tỷ đồng, trong đó doanh thu năm 2021 đạt 369 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2020. Lãi ròng của công ty cũng ở mức cao 37 tỷ đồng. Doanh nghiệp chưa công bố báo cáo tài chính năm 2022. 

Do không ghi nhận giao dịch, nên mức giá thấp như hiện tại của các cổ phiếu trên là do sự điều chỉnh kỹ thuật sau các kỳ chi trả cổ tức.

Mua cổ phiếu khó hơn "lên trời"

Bên cạnh việc cổ phiếu có thị giá cực thấp, chia cổ tức đều đặn và tình hình kinh doanh ổn định, điểm chung đáng chú ý nhất của các doanh nghiệp trên là đều xuất phát điểm từ các xí nghiệp, doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa.

Ngoại trừ Mai táng Hải Phòng vẫn đang được UBND Thành phố Hải Phòng nắm giữ 64,5% vốn, hai doanh nghiệp còn lại đều đang nằm trong tay các cổ đông là cá nhân. Tuy nhiên, Mai táng Hải Phòng cũng có tên trong nhóm doanh nghiệp nhà nước sẽ thoái vốn, dự kiến diễn ra ngay trong giai đoạn 2022-2023.

Cơ cấu cổ đông của hai doanh nghiệp còn lại khá cô đặc. Dựa theo báo cáo thường niên năm 2021 của Meinfa, tỷ lệ sở hữu của cổ đông cá nhân chiếm đến 98,81%. Còn với May Xuất khẩu Phan Thiết, các thành viên trong Hội đồng quản trị của công ty chiếm tỷ lệ gần 25% cổ phần (theo số liệu tính đến cuối năm 2021). Cũng theo báo cáo tài chính năm 2021 của doanh nghiệp, tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của các cổ đông nội bộ và người thân chiếm đến 64,93%.

Các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa sẽ thực hiện đăng ký giao dịch hoặc niêm yết trên sàn chứng khoán thường sẽ nhận được nhiều kỳ vọng về tính thanh khoản cho cổ phiếu, tạo cơ hội cho việc huy động vốn cũng như mở rộng kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp sẽ hoạt động minh bạch hơn, hiệu quả hơn do không còn phải chịu sự quản lý của Nhà nước mà chỉ còn dưới sự giám sát của công chúng.

Trên thực tế, với trường hợp của các doanh nghiệp nêu trên, việc lên sàn chứng khoán để giao dịch nhiều khả năng chỉ mang tính hình thức bởi họ không quan tâm nhiều đến biến động thị giá hay có huy động được nguồn vốn mới hay không.

Về diễn biến thị trường chứng khoán, với các động lực từ đầu tư công cùng việc Trung Quốc đang dần loại bỏ chiến dịch Zero Covid đã góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, du lịch và lĩnh vực sản xuất, hoạt động xuất nhập khẩu được cho sẽ tươi sáng hơn vào nửa cuối năm 2023, trong khi đó, nguồn vốn FDI tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong trung và dài hạn... Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đưa ra 3 kịch bản cho thị trường chứng khoán năm 2023.

Cụ thể, kịch bản cơ sở (có xác suất cao xảy ra) là chỉ số đạt 1.258 điểm trong năm 2023, tăng 24,9% so với phiên ngày 30/12/2022 và tăng 12,6% so với phiên 27/1/2023. Với kịch bản bi quan là chỉ số giảm điểm, dao động quanh ngưỡng 1.000 điểm. Còn kịch bản lạc quan là chỉ số sẽ đạt 1.405 điểm, khi Fed "quay xe" trong chính sách điều hành lãi suất cuối năm để hỗ trợ kinh tế tăng trưởng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ kiềm chế lạm phát.

Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Hà Nội "ra tối hậu thư" cho dự án NOXH của Liên danh Handico - Viglacera

Vành đai 4 thi công "xôi đỗ": Người dân có tâm lý chờ áp dụng quy định mới

Dự án "treo" 16 năm tại huyện Đan Phượng bị Hà Nội chính thức "khai tử"

Hà Nội duyệt quy hoạch đô thị có trường đua ngựa 420 triệu USD

Bình Định: Lộ diện chân dung nhà đầu tư khu đô thị gần 3.000 tỷ sau nhiều lần thông báo đấu giá

Livestream bán hàng bùng nổ và các cơ hội việc làm dành cho người trẻ

Bất động sản Hòa Bình kỳ vọng "cất cánh" với khu đô thị sinh thái gần 1.500 tỷ

Thái Bình có thêm khu công nghiệp hơn 330ha

Tin mới cập nhật

Hàn Quốc: Phát triển robot “Iron Man”, giúp người bị liệt nửa người có thể đi lại

12 giờ trước

Người Hà Nội ưu tiên chung cư, TP.HCM chọn nhà riêng

12 giờ trước

Bất động sản bất ngờ dẫn đầu lợi nhuận của quý IV/2024

12 giờ trước

Hà Nội "ra tối hậu thư" cho dự án NOXH của Liên danh Handico - Viglacera

12 giờ trước

Doanh nghiệp bất động sản chủ động "hút" vốn qua phát hành trái phiếu khi kênh truyền thống bị siết

1 ngày trước