Nhu cầu chip nhớ sụt giảm, nhiều ông lớn ngành bán dẫn Hàn Quốc đối mặt với quý 3/2022 đầy ảm đạm
BÀI LIÊN QUAN
Điều chỉnh là cơ hội để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, nhóm ngành nào có nhiều triển vọng trong tháng 9?Trụ cột hỗ trợ tăng trưởng Trung Quốc chậm lại, cho thấy triển vọng u ám của nền kinh tế toàn cầuNhững ngành nào có triển vọng tươi sáng trong những tháng cuối năm nay?Mới đây, báo cáo tổng hợp phân tích dữ liệu trong ngành chip mới được công bố cho thấy, hai gã khổng lồ ngành bán dẫn xứ Hàn đồng thời là hai công ty bán dẫn hàng đầu thế giới là Samsung Electronics và SK hynix dự báo sẽ ảm đạm trong quý 3 năm nay. Korea Times cho biết, một trong số những nguyên nhân chính khiến điều này xảy ra là do nhu cầu về chip nhớ trên toàn cầu trong thời gian gần đây đã giảm đáng kể.
Theo phân tích của Yonhap Infomax, dự kiến kết quả kinh doanh của hai gã khổng lồ ngành bán dẫn dựa theo báo cáo phân tích tổng hợp của những công ty chứng khoán, dự kiến Samsung và SK hynix sẽ đạt lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh lần lượt ở mức 12.800 tỷ won (tương đương 9,07 tỷ USD) và 2.590 tỷ won (tương đương hơn 1,8 tỷ USD) dựa trên cơ sở hợp nhất từ tháng 6 tới tháng 9.
Dựa trên kết quả này, nhiều dự đoán về lợi nhuận của 2 “ông lớn” Samsung Electronics và SK hynix sẽ lần lượt giảm 18,6% và 37,8% so với cùng kỳ năm trước. Các báo cáo cũng chỉ ra, nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này chủ yếu đến từ tác động do áp lực lạm phát gây ra, đè nặng lên nhu cầu về chip nhớ trên toàn cầu. Chưa kể, nhiều vấn đề liên quan đến căng thẳng trong ngành bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc cùng với các yếu tố khác như xung đột chính trị, tăng lãi suất… cũng ảnh hưởng đến điều này.
Theo Do Hyeon-woo - một nhà phân tích ngành chip trong NH Investment Securities Co., ước tính khối lượng lô hàng DRAM của Samsung Electronics trong quý 3 năm nay sẽ giảm 3%, đồng thời giá bán trung bình (ASP) chip dự kiến sẽ giảm 17%. Liên quan đến vấn đề này, Eo Gyu-jin - nhà phân tích tại DB Financial Investment Co., dự đoán thu nhập của những doanh nghiệp ngành chip Hàn Quốc sẽ bắt đầu phục hồi kể từ quý 4 năm sau, khi ngành công nghiệp chip trên toàn cầu dự kiến hồi sinh vào quý 2 cùng năm.
Trong quý 2 vừa qua, hai gã khổng lồ ngành chip là Samsung Electronics và SK hynix vẫn là những người dẫn đầu trong danh sách những nhà sản xuất chip lớn nhất trên thế giới dựa trên yếu tố doanh thu. Bên cạnh đó, công ty nghiên cứu Omnia cho thấy, doanh thu mảng kinh doanh chip của Samsung giai đoạn từ tháng 4 cho đến tháng 6 đạt mức 20,3 tỷ USD, so với tổng doanh thu 158,1 tỷ USD chiếm đến 12,8%. Điều đáng nói, đây cũng là mức doanh thu cao kỷ lục liên quan đến mảng kinh doanh chip khi xét theo quý của Samsung Electronics.
Theo Korea Times, doanh thu mảng chip của Samsung Electronics tăng cao trong thời gian qua một phần là nhờ vào nhu cầu lớn về các loại ổ cứng thể rắn (SSD), được nghiên cứu cũng như chế tạo để có thể cạnh tranh với các ổ cứng HDD truyền thống. Trong quý 2 năm nay, thị phần về doanh thu mảng bán dẫn của Samsung Electronics đã tăng nhẹ 12,5% so với quý trước đó. Đáng chú ý, Intel - đối thủ chính của Samsung - ghi nhận doanh thu trong quý 2/2022 là 14,8 tỷ USD, so với quý đầu năm đã giảm 16,6%. Xếp ở vị trí thứ ba là SK hynix khi nắm giữ đến 6,8% thị phần toàn cầu trong quý 2 vừa qua. Những cái tên tiếp theo là Qualcomm (5,9%), Micron (5,2%), Broadcom (4,2%), Nvidia (3,6%) và MediaTek với 3,3%.
Trong top 10, Hàn Quốc chỉ có 2 đại diện duy nhất, đó chính là Samsung Electronics và SK hynix. Thế nhưng, Mỹ lại có đến 7 doanh nghiệp góp mặt, cái tên còn lại thuộc về Đài Loan. Bù lại, 2 doanh nghiệp của Hàn Quốc trong những quý gần đây lại liên tục đứng ở trị trí đầu bảng xếp hạng.
Ngành chip Hàn Quốc đối mặt với tương lai ảm đạm
Liên quan đến vấn đề này, tờ Korea Times đã dẫn lại báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) cho thấy, các chuyên gia trong ngành công nghiệp khẳng định, ngành công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc đang gặp tình trạng khủng hoảng.
Một cuộc khảo sát với 30 chuyên gia cho thấy, có đến 76,7% số người được hỏi nhấn mạnh, ngành sản xuất chip của nước này đang rơi vào tình trạng khủng hoảng. Ngoài ra, có đến 58,6% trong số này dự đoán, triển vọng ngành chip sau năm 2024 vẫn tiếp tục ảm đạm. Đáng chú ý, chỉ có một chuyên gia duy nhất nhận định, ngành bán dẫn tại Hàn Quốc đang không rơi vào tình trạng khủng hoảng.
Korea Times cũng nhấn mạnh, việc các cơ quan chức năng thực hiện cuộc khảo sát này một cách nghiêm túc là do nhiều lý do. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu chất bán dẫn trong tháng 8 của Hàn Quốc so với cùng kỳ năm trước đã giảm 7,8%, chấm dứt chặng đường kéo dài 26 tháng tăng trưởng.
Đây cũng được coi là một phần nguyên nhân chắc chắn khiến cho 43,4% số người được hỏi nhận định rằng, tình hình của ngành chip của Hàn Quốc thời điểm hiện tại là “tồi tệ nhất trong vòng 10 năm qua”. Đáng chú ý, trong tháng 7 năm nay, tổng lượng hàng tồn kho chất bán dẫn của Hàn Quốc cũng đã tăng 80% so với một năm trước đó.