Nhiều nhà đầu tư khóc ròng khi mua bất động sản "đi tắt đón đầu" sân bay
BÀI LIÊN QUAN
Hàng loạt dự án cao tốc, sân bay khởi công năm 2023: Đòn bẩy phục hồi thị trường BĐS?Bản tin BĐS 20/12/2022: Huỷ kết quả gói thầu 35.000 tỷ đồng thuộc dự án sân bay Long ThànhQuy hoạch sân bay nhỏ đưa địa phương “cất cánh”Nhiều sân bay “rớt” khỏi dự thảo quy hoạch
Nhiều chuyên gia từng lên tiếng khẳng định, trong hệ thống các công trình liên quan đến hạ tầng, sân bay được đánh giá là một trong những động lực rất lớn để phát triển bất động sản. Bởi, khi xây dựng sân bay sẽ kéo theo nhiều cơ sở hạ tầng khác như đường giao thông và các khu công nghiệp, kho bãi. Minh chứng rõ ràng nhất là Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai). Dự án này từ khi được phê duyệt đến khi khởi công đã giúp thị trường bất động sản tại Đồng Nai là các tỉnh lân cận có những bước nhảy vọt. Có những khu vực đất tăng hàng chục lần so với giá trước khi dự án được phê duyệt.
Thực tế cho thấy, việc phát triển cảng hàng không ở một tỉnh nào đó sẽ giúp địa phương phát triển kinh tế, bất động sản, du lịch và nhiều lĩnh vực khác. Vì vậy, thời gian qua, không ít các tỉnh thành trên cả nước đề xuất lên Chính phủ được xây dựng sân bay. Tuy nhiên, không phải đề xuất nào cũng được chấp thuận.
Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã có báo cáo gửi Bộ GTVT về Dự thảo Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, bản dự thảo này có một số bổ sung so với những bản dự thảo trước. Cụ thể, Cục Hàng không nhận được đề xuất của 10 tỉnh đưa thêm sân bay của địa phương vào quy hoạch. Tuy nhiên, Cục này chỉ đề xuất tiếp tục nghiên cứu, đánh giá khả năng quy hoạch chuyển đổi một số sân bay quân sự sang khai thác lưỡng dụng, gồm: Sân bay Yên Bái (tỉnh Yên Bái), sân bay Gia Lâm (Hà Nội). Cục Hàng không khẳng định, sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét khi có đủ điều kiện cần thiết. Bên cạnh đó, Cục Hàng không đề xuất đưa vào quy hoạch 2 sân bay mới là Thanh Sơn, Biên Hoà và tiếp tục nghiên cứu thêm sân bay Yên Bái, Gia Lâm.
Điều đáng lưu ý là một loạt các đề xuất của các tỉnh chỉ được lưu ý tiếp tục nghiên cứu báo cáo Chính phủ, không được đưa thẳng vào quy hoạch như sân bay Tân Quang (Hà Giang), Na Hang (Tuyên Quang), Hà Tĩnh, Măng Đen (Kon Tum), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Vân Phong (Khánh Hoà), Đăk Nông, Tây Ninh, Mộc Châu (Sơn La).
Sau khi đọc Dự thảo này, nhiều chuyên gia ngành giao thông cảm thấy khá bất ngờ. Bởi còn nhớ, vào thời điểm tháng 12/2022, khi làm việc với các địa phương, Cục Hàng không đã trình Bộ GTVT bổ sung vào quy hoạch 9/10 đề xuất của các địa phương. Tuy nhiên, đến nay, Bản dự thảo này đã khác đi khá nhiều.
Mặc dù các thông tin này mới dừng lại ở Dự thảo tuy nhiên chắc chắn nó sẽ có tác động tới không ít vấn đề trong đó có ngành bất động sản. Bởi thực tế cho thấy, nhiều người đã "đi tắt đón đầu" bằng cách sở hữu những lô đất nền được cho là nằm gần khu được dự đoán là sẽ xây dựng sân bay. Tuy nhiên, đến nay, đề xuất sân bay của địa phương đã nằm ngoài Dự thảo của Cục Hàng không. Vì thế, nhiều nhà đầu tư lo lắng với số tiền của mình đã bỏ ra.
Thua lỗ vì “đi tắt đón đầu”
Vừa nghe thông tin đề xuất của tỉnh Kon Tum về sân bay Măng Đen không nằm trong Dự thảo của Cục Hàng không gửi Bộ GTVT, anh Dương Hoàng Nam (44 tuổi, đang làm việc tại Hà Nội) cảm thấy vô cùng lo lắng. “Giữa năm ngoái, bạn bè rủ rê, tôi xuống tiền mua một mảnh đất rộng hơn 500m2 tại huyện Kon Plông (Kon Tum) để đón đầu sân bay. Tôi đoán rằng, chỉ cần dự án sân bay được phê duyệt chắc chắn giá bất động sản sẽ tăng khoảng 3-4 lần. Còn khi sân bay hoàn thành, giá sẽ tăng không dưới 5 lần. Nhiều người cũng khẳng định rằng, rất nhiều khả năng Cảng hàng không Măng Đen sẽ được thông qua để xây dựng nên tôi mua với giá được xem là khá cao so với mặt bằng”, anh Nam chia sẻ.
Anh Nam kể, Măng Đen là một địa điểm du lịch khá hấp dẫn ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, nơi này vẫn chưa thể khai thác tối đa được khách du lịch vì lý do giao thông, hạ tầng. Nếu nơi đây được xây dựng sân bay, chắc chắn du lịch sẽ phát triển vượt bậc. Lúc xuống tiền anh Nam nghĩ rằng, khi có dự án sân bay, anh hoàn toàn có thể bán cho các nhà đầu tư làm homestay.
“Giờ sân bay không nằm trong Dự thảo mà vẫn phải nghiên cứu, thị trường bất động sản trầm lắng, chẳng biết đến bao giờ tôi mới bán được mảnh đất này. Trong khi đó, gần 1 nửa tiền đầu tư đất là tiền đi vay ngân hàng. Giờ mỗi tháng cũng phải trả đến 15 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Chắc chắn tôi sẽ thua lỗ khá nặng trong lần đầu tư này”, anh Nam than thở.
Câu chuyện của anh Nam không phải là hiếm. Bởi thực tế cho thấy, trên các diễn đàn liên quan đến nhà đất, nhiều người cũng đang rao bán rầm rộ các sản phẩm đất nền trước đây được “gắn mác” gần địa điểm quy hoạch sân bay như Tân Quang (Hà Giang), Măng Đen (Kon Tum)... Trước đây, với cái “mác” gần khu quy hoạch sân bay, bất động sản tại các khu vực này cũng tăng lên đáng kể.
Về vấn đề này, chuyên gia giao thông TS.Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc phát triển hệ thống sân bay đến các tỉnh chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến các địa phương đó. Bởi, sân bay được xem là một trong những động lực để phát triển kinh tế, xã hội.
Theo chuyên gia, ngành bất động sản sẽ được “ăn theo” khi xuất hiện cảng hàng không. Điều này minh chất rõ rất ở Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Có một thời gian, bất động sản nơi đây nóng đến nỗi người ta săn từ đất nền cho đến đất ruộng. Và giá đất liên tục lập kỷ lục mới. Hay sân bay Vân Đồn đã khiến kinh tế nơi đây bật tăng, giá bất động sản nhảy vọt.
“Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng, đầu tư sân bay cần nguồn kinh phí rất lớn khoảng 4.000 tỷ đồng, phải khai thác đến 30-40 năm mới hòa vốn. Do đó, cơ quan chức năng cần quy hoạch lại hệ thống sân bay hợp lý hơn, khoa học hơn. Điều quan trọng là các tỉnh hãy nghiên cứu thật kỹ nhu cầu của mình xem có cần thiết có sân bay hay không. Chúng ta có 63 tỉnh và hiện đã có 22 sân bay rồi, như vậy là quá nhiều. Hãy ưu tiên phát triển cao tốc, đườn sắt tốc độ cao, những hạ tầng mà chúng ta đang còn thiếu”, TS.Nguyễn Xuân Thủy thẳng thắn.