Nhiều khoản đầu tư “khủng” của VNPT đều thua lỗ, doanh thu tập đoàn giảm mạnh 3.000 tỷ đồng vì Covid-19
Doanh thu, lợi nhuận giảm mạnh vì Covid-19
Mới đây, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có báo cáo giám sát tài chính công ty mẹ là Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) để gửi tới Bộ Tài chính.
Theo như báo cáo này, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã cập nhật tình hình sản xuất của VNPT trong năm 2021. Cụ thể, doanh thu của công ty mẹ là 40.748 tỷ đồng, so với năm 2020 tương đương với 91,6%. Với con số này, VNPT mới chỉ thực hiện được 90,22% kế hoạch đề ra cho cả năm.
Đáng chú ý, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty mẹ là 36.811 tỷ đồng, so với năm liên trước đã giảm 3.833 tỷ đồng. Báo cáo của VNPT cho thấy, việc doanh thu mảng này sụt giảm là do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho các hoạt động đầu tư nâng cao năng lực hạ tầng mạng lưới cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh bị giảm sút đáng kể. Bên cạnh đó, doanh thu từ hoạt động tài chính của công ty mẹ là 2.740 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã giảm 342 tỷ đồng do lãi tiền gửi ngân hàng ghi nhận giảm. Doanh thu khác năm 2021 của công ty mẹ là 1.197 tỷ đồng, so với năm 2020 đã tăng 437 tỷ đồng sau khi VNPT tiến hành rà soát các tài sản hư hỏng, lạc hậu để thanh lý, nhượng bán cũng như thu hồi vốn.
Trong năm 2021, nếu như loại trừ các ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua, doanh thu của VNPT sẽ đạt khoảng 43.745 tỷ đồng. Có thể thấy, dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp đã khiến cho doanh thu của tập đoàn giảm 3.000 tỷ đồng so với kế hoạch.
Cũng theo kết quả giám sát của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế năm 2021 của VNPT là khoảng 4.285 tỷ đồng, so với năm 2020 đã giảm hơn 200 tỷ đồng. Cũng trong năm vừa qua, VNPT đã thực hiện theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về chính sách phòng chống dịch bệnh Covid-19, tiến hành chương trình miễn giảm cũng như tặng cước viễn thông để hỗ trợ khách hàng. Được biết, tổng mức hỗ trợ tương đương khoảng 2.997 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tập đoàn còn ủng hộ khoảng 400 tỷ đồng cho Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19.
Năm 2021, tập đoàn cũng đã nộp ngân sách nhà nước 4.501 tỷ đồng, tương đương với 110% kế hoạch đề ra trước đó. Theo đánh giá của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tỷ suất lợi nhuận sau thuế dựa trên vốn chủ sở hữu năm 2021 của tập đoàn VNPT là 6,1%. Nếu như loại trừ số tiền mà tập đoàn đã ủng hộ quỹ vắc xin trong năm qua, tỷ lệ này sẽ tăng lên mức 6,6%. Có thể thấy, VNPT vẫn kinh doanh có lãi khi ghi nhận các chỉ số sinh lời tăng so với năm liền trước.
Tính đến cuối năm 2021, vốn chủ sở hữu Nhà nước tại VNPT đạt 67.595 tỷ đồng, so với hồi đầu năm đã tăng 1.221 tỷ đồng. Trong khi đó, hệ số bảo toàn vốn của công ty mẹ VNPT cũng tăng 1,84%.
Hàng nghìn tỷ đồng được đầu tư vào công ty con và công ty liên kết lỗ lãi ra sao?
Đáng chú ý, trong báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gửi đến Bộ Tài chính cũng đã nêu rõ về tình hình đầu tư cũng như quản lý sử dụng vốn của công ty mẹ VNPT trong năm 2021.
Cụ thể, với các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết cùng với các khoản đầu tư khác, theo như kết quả được ghi nhận bởi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tập đoàn VNPT có tổng cộng 59 khoản đầu tư vào 24 công ty con, 27 công ty liên kết cùng với 8 khoản đầu tư tài chính khác.
Tổng giá trị vốn mà tập đoàn này đầu tư ra ngoài doanh nghiệp là khoảng 6.962 tỷ đồng; trong đó có tới 4.606 tỷ đồng để đầu tư vào 3 doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước trực thuộc, bao gồm: Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT VinaPhone), Tổng công ty Truyền thông (VNPT Media) và Công ty TNHH MTV Cáp quang (FOCAL). Trong năm 2021, cả 3 công ty này đều ghi nhận kinh doanh có lãi. Cụ thể, tổng lợi nhuận trước thuế là khoảng 2.229 tỷ đồng giúp cho VNPT thu về khoảng 921 tỷ đồng lợi nhuận.
Trong số các công ty liên doanh liên kết của VNPT trong năm qua thì có 22 đơn vị kinh doanh có lãi, 5 đơn vị có kết quả kinh doanh thua lỗ còn 8 đơn vị vẫn chưa gửi báo cáo tình hình kinh doanh năm 2021. Một số doanh nghiệp mà tập đoàn góp vốn đầu tư đang bị thua lỗ phải kể đến Công ty Stream Net (VNPT góp đến 72% vốn) thua lỗ 189 tỷ đồng; Công ty TNHH VKX (VNPT góp 50% vốn tại đây ) ghi nhận mức lỗ 10,6 tỷ đồng, Liên doanh cáp đồng Lào Việt (VNPT góp 50% vốn) đã lỗ 1,1 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Phát triển dịch vụ học tập và giải trí trực tuyến (VNPT góp 42,93% vốn) lỗ 3 tỷ đồng, Công ty Cổ phần truyền thông VMG (VNPT góp 28,3% vốn) lỗ 581,9 tỷ đồng,…
Đối với 5 khoản đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, lũy kế đến cuối năm 2021 thì tổng số khoản đầu tư này là 13,12 triệu USD. Lũy kế đến cuối 2021, tập đoàn VNPT đã thu được hơn 1,1 triệu USD từ các khoản lợi nhuận được chia chuyển về nước của Công ty ACASIA - Malaysia cùng với công ty VNPT Global Hong Kong.
Trong đó, đáng chú ý nhất chính là khoản đầu tư khoảng 10,28 triệu USD của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam vào Công ty Stream Net tại Myanmar. Thời điểm hiện tại, khoản đầu tư này đang lỗ lũy kế lên tới 4,61 triệu USD. Bên cạnh đó, khoản đầu tư của VNPT vào Liên doanh cáp đồng Việt Lào cũng đang lỗ lũy kế khoảng 1,18 triệu USD. Đồng thời, liên danh LVCC cũng đã được đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt. Để cắt lỗ, hiện tập đoàn VNPT đang lên kế hoạch thoái vốn khỏi 2 công ty này càng sớm càng tốt.
Đối với các khoản đầu tư ra nước ngoài vào 2 công ty bao gồm: Công ty ATH và Công ty ACASIA; đến thời điểm giám sát của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cả 2 công ty này đều chưa nộp báo cáo tài chính về VNPT. Bên cạnh đó, trong số 5 khoản đầu tư ra nước ngoài của VNPT, chỉ có khoản đầu tư 782.000 USD vào Công ty VNPT-Global Hong Kong là ghi nhận doanh thu 12,36 triệu USD trong năm 2021 và hiện vẫn đang có lãi. Lũy kế đến cuối năm 2021, công ty mẹ VNPT đã nhận được 1,02 triệu USD từ khoản đầu tư nước ngoài này.